Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới. Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, huyện Hàm Yên đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên quan tâm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm tránh chồng chéo. Bố trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện; sự tham gia này góp phần nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, giúp việc triển khai tín dụng chính sách đạt hiệu quả. Việc trực tiếp triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời nắm bắt được tình hình, kiến nghị khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện tại cơ sở để có hướng xử lý. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy được hiệu quả, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, định hướng thị trường với việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng Đề án Tổ hợp tác Tiết kiệm và vay vốn để liên kết các hộ vay có cùng mục đích vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng sản lượng, sản phẩm, đảm bảo đồng nhất về chủng loại và chất lượng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông, lâm, thủy sản, tiêu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn huyện.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi, công khai các quy trình, thủ tục cho vay, dư nợ của người vay và giải đáp thắc mắc tại 18/18 điểm giao xã, thị trấn theo lịch cố định hằng tháng (kể cả thứ 7, Chủ nhật) để đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động phục vụ hiệu quả, thiết thực nhu cầu của khách hàng như: Triển khai phần mềm ứng dụng Core Banking với Intellect Offline hỗ trợ giao dịch tại Điểm giao dịch xã; thu nợ, thu lãi thông qua tài khoản tiền gửi thanh toán… nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro đối với khách hàng và Ngân hàng Chính sách xã hội, giảm thiểu thời gian giao dịch, nâng cao năng suất lao động, tăng cường cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ tài chính toàn diện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, từ năm 2014 đến năm 2024 tổng nguồn vốn Trung ương và địa phương giao Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện quản lý là 754.671 triệu đồng, nguồn vốn đó giúp cho trên 17 nghìn hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định; giúp cho trên 100 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; xây mới và cải tạo được 9.706 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt tiêu chuẩn Quốc gia... Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện có hiệu quả các nội dung được ủy thác với trên 200 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bình xét trước khi cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi và xử lý nợ; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng uỷ thác, thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo nguồn lực khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Thời gian tới, huyện Hàm Yên xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục làm tốt công tác tín dụng chính sách với nhiều giải pháp thiết thực: Thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách tại địa phương; vận động các nguồn vốn không lãi suất, hoặc lãi suất thấp từ các tổ chức, cá nhân chuyển Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn; làm tốt công tác quản lý, phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch; quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với các hộ đủ điều kiện vay vốn, đặc biệt là các hộ đã vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đảm bảo phát huy hiệu quả vốn vay, hạn chế rủi ro trong sản xuất kinh doanh, cũng đồng thời giảm rủi ro tín dụng.
Phan Thanh Bình