Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc

Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024 - 13:58 Đã xem: 1089

Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có trên 4 triệu Cựu chiến binh với đủ các thế hệ. Cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, được rèn luyện qua thử thách và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang trong các lực lượng cách mạng, hàng triệu Cựu chiến binh  đã trở lại hậu phương, về với gia đình, hoặc chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền hay các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học. Dù ở đâu, giữ bất cứ cương vị nào, làm bất cứ việc gì, cựu chiến binh vẫn tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, hăng hái tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng với quan điểm đổi mới toàn diện đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi để thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ngày 06/12/1989, căn cứ Tờ trình của Ban Bí thư, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ngày 06/12 là Ngày truyền thống của Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Ngày 03/2/1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 100-QĐ/TW cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, chỉ định Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Các tỉnh, thành phố hình thành tổ chức lâm thời, thực hiện thu nạp hội viên và chuẩn bị đại hội, làm các thủ tục cần thiết để tổ chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ngày 24/02/1990, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ cấp Giấy phép số 528/NC cho phép thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ngày 14/4/1990, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Quyết định số 51-QĐ/MTTQ, công nhận Hội Cựu chiến binh là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Đảng, đáp ứng đòi hỏi khách quan của tình hình cách mạng nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, đáp ứng với sự mong mỏi, nguyện vọng thiết tha, chính đáng của Cựu chiến binh Việt Nam [1].

Hội Cựu chiến binh ra đời tạo niềm phấn khởi, tin tưởng trong đội ngũ Cựu chiến binh. Ngay những ngày đầu, đông đảo Cựu chiến binh từ những đồng chí đã rời quân ngũ nhiều năm. Những tướng lĩnh lão thành đã 80-90 tuổi, những anh chị em du kích, tự vệ đã qua chiến đấu; cán bộ và chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ trước và trong cách mạng tháng tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ đã tự nguyện hăng hái gia nhập Hội. Tổ chức Hội nhanh chóng được hình thành và phát triển ở khắp mọi miền đất nước.

Mục đích của Hội Cựu chiến binh Việt Nam là giữ gìn, phát huy truyền thống chiến đấu cách mạng của các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn kết, tương trợ các Cựu chiến binh, góp phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đóng góp ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Từ khi ra đời đến nay, Hội đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoạt động tích cực, đúng hướng và có hiệu quả. Kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1989 - 06/12/2024) chính là dịp để tri ân những cống hiến to lớn của các thế hệ Cựu chiến binh, cũng là để khẳng định vai trò của Cựu chiến binh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình xây dựng và hoạt động của Hội được thể hiện qua 7 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Các Đại hội đều đặt ra mục tiêu xây dựng Hội vững mạnh, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", và tham gia tích cực vào các nhiệm vụ chính trị, xã hội.

Không chỉ dừng lại ở vai trò bảo vệ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam còn là hình mẫu trong phong trào phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Hội Cựu chiến binh vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm và giảm nghèo. Các chương trình tín dụng ưu đãi, mô hình kinh tế do Cựu chiến binh làm chủ góp phần phát triển địa phương. Với phương châm “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi,” hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại do cựu chiến binh làm chủ đã được thành lập, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Chỉ riêng nhiệm kỳ 2017-2022, đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Hội doanh nhân và Câu lạc bộ doanh nhân Cựu chiến binh. Cả nước có 7.728 Doanh nghiệp, và 82.791 trang trại, Hợp tác xã do Cựu chiến binh làm chủ. Hàng năm, tổng doanh thu: 300 nghìn tỷ đồng; nộp thuế cho nhà nước: hơn 20 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 800 nghìn lao động. Tổng số vốn đầu tư giải quyết việc làm: 30 nghìn tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh đã đóng góp, ủng hộ các loại quỹ do MTTQ Việt Nam quản lý, hướng dẫn, số tiền: 426 tỷ 254 đồng. Trong đó, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”: 68 tỷ 278 triệu đồng; Quỹ “Vì Người nghèo”: 86 tỷ 940 triệu đồng; Ủng hộ miền Trung thiệt hại do bão lụt năm 2020: 92 tỷ 513 triệu đồng; Ủng hộ phòng chống dịch bệnh covid-19 năm 2021: 178 tỷ 494 triệu đồng;  Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết” toàn hội ủng hộ gần 20 tỷ đồng, đã hỗtrợ 15.650 phần quà với số tiền là 4 tỷ 695 triệu đồng; Tặng 11.754 nhà “ Nghĩa tình Cựu chiến binh”, với số tiền 437 tỷ 804 triệu đồng; Hỗ trợ 8.735 hội viên từ trần, bị thương, bị bệnh hoặc có nhà bị đổ, sập, trôi, cháydo thiên tai, hỏa hoạn, số tiền 28 tỷ 850 triệu đồng; Tổ chức các hoạt động về nguồn, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, tặng quà người có côngvà đối tượng chính sách dịp lễ, tết: 40 tỷ 726 triệu đồng; Tặng 346.151 suất học bổng, khuyến học cho con em hội viên vượt khó, học giỏi, số tiền 48 tỷ 307 triệu đồng [2].

Tại tỉnh Tuyên Quang, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay, hội Cựu chiến binh tỉnh có 8 tổ chức hội trên cơ sở, 174 hội cơ sở, có 1728 chi hội, 37.997 hội viên. Giai đoạn 2019-2024, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã được tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng và hiệu quả, tạo động lực và khơi dậy ý thức trách nhiệm cho mỗi cán bộ, hội viên phát huy tốt bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Nổi bật là tham gia có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ  Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cán bộ, hội viên trong toàn Hội đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, phối hợp với lực lượng thực hiện tốt các đề án, chương trình giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần hội viên, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương và cả nước.

Trải qua 35 năm hình thành và phát triển tới nay, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như những yêu cầu từ tình hình thế giới và trong nước. Các phong trào thi đua, hoạt động của Hội luôn hướng đến những mục tiêu thiết thực, lan tỏa tinh thần đoàn kết, sáng tạo và gương mẫu.Các cựu chiến binh không chỉ là người viết nên lịch sử mà còn là những người  truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Thông qua các hoạt động giao lưu, kể chuyện lịch sử, Cựu chiến binh đã gieo mầm lòng yêu nước, ý chí vượt khó và tinh thần trách nhiệm cho lớp trẻ. Hội Cựu chiến binh đã phối hợp với các tổ chức thanh niên để giáo dục truyền thống yêu nước và giúp đỡ thanh niên lập nghiệp, tạo việc làm.

Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam, 06/12/2024, không chỉ là dịp để ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mọi người trong thời kỳ mới. Với hơn 35 năm cống hiến, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chứng minh rằng, cựu chiến binh dẫu rời xa chiến trường nhưng vẫn mãi là chiến sĩ trên mọi mặt trận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, văn minh và thịnh vượng. Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nơi hội tụ niềm tin, ý chí và tinh thần bất khuất của dân tộc. Cựu chiến binh không chỉ là nhân chứng sống của lịch sử mà còn là động lực để chúng ta vững bước tiến vào tương lai.

Đỗ Hồng Thanh

 

1. PV; Nguồn gốc, ý nghĩa ra đời Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Quân khu bốn, cơ quan của Đảng ủy - Bộ tư lệnh quân khu, tiếng nói của lực lượng vũ trang quân khu, 06/12/2023.

2. Pháp luật, pháp luật về văn hoá xã hội; Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống ngày Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1989 - 06/12/2024), 26/11/2024.

Xem tin theo ngày:   / /