Hoạt động dân vận của Trung ương trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Tuyên Quang

Thứ Hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024 - 07:49 Đã xem: 239

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với vị thế là trung tâm căn cứ địa cách mạng - Thủ đô kháng chiến, Tuyên Quang trở thành An toàn khu Trung ương. Cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Dân vận Trung ương đã có những năm tháng hoạt động tại Tuyên Quang tham gia chỉ đạo kháng chiến.

Đồng chí Mai Văn Chính và Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia di tích nơi Bác Hồ viết tác phẩm "Dân Vận" tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Nguồn: Danvan.vn

Tháng 8/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra nghị quyết số 10/NQ-TW về thành lập các đảng đoàn, các cơ quan chuyên môn và chi bộ đặc biệt trong đó có Bộ Dân Vận (sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đổi tên là Ban Dân Vận Trung ương). Thời gian đầu ở Tuyên Quang, Ban Dân vận Trung ương ở tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên Trung ương Đảng được phân công phụ trách Ban Dân vận Trung ương và Mặt trận Liên Việt. Tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh XYZ, đã viết bài “Dân vận” gửi đăng trên báo “Sự thật”. Người còn chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc của Chính phủ và đoàn thể giao cho”, bài viết đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác Dân vận đối với cách mạng.

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn Đảng, toàn dân ta giành được nhiều thắng lợi quan trọng về quân sự và ngoại giao. Để chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới, tiếp tục kháng chiến trong điều kiện mới và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, cùng với các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, tháng 01/1950, Ban Dân vận Trung ương và Mặt trận Liên Việt do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách đã chuyển đến xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hoá. Tại đây, Ban Dân vận Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Chính phủ một số chủ trương, chính sách về tôn giáo, dân tộc phù hợp với giai đoạn cách mạng lúc bấy giờ. Thực hiện phong trào “Xây dựng đời sống mới” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Liên Việt đã vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực. Phong trào “Thi đua ái quốc” cũng được triển khai rộng rãi nhằm tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực phục vụ tiền tuyến.

Trong thời gian ở và làm việc tại xã Kiên Đài, cán bộ của Mặt trận Liên Việt, Ban Dân vận Trung ương luôn phát huy tốt công tác dân vận, tổ chức lớp bình dân học vụ, dạy dân học chữ, học hát, giúp dân gặt hái, chữa bệnh thông thường, hướng dẫn nhân dân ăn ở vệ sinh, bỏ các tập tục lạc hậu..., Từ đó tạo được niềm tin yêu gắn bó với Nhân dân địa phương, Nhân dân càng thêm tin tưởng vào Đảng, vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.  

Năm 1951, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến quan trọng, đặt nhiều yêu cầu cấp bách đòi hỏi Đảng ta phải giải quyết những vấn đề về lý luận và thực tiễn để đưa cách mạng tiến lên. Vì vậy, Trung ương Đảng quyết định tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Để chuẩn bị cho Đại hội, các cơ quan Ban Dân vận Trung ương và Mặt trận Liên Việt đã gấp rút tổng hợp tình hình công tác dân vận, mặt trận giúp đồng chí Hoàng Quốc Việt hoàn thiện báo cáo “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng”. Bản báo cáo đã được đồng chí Hoàng Quốc Việt trình bày tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng. Báo cáo khẳng định đặc điểm của khối đại đoàn kết trong thời kỳ kháng chiến là: Mặt trận rất rộng rãi và ngày một mở rộng, tự nguyện công nhận sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân. Báo cáo đã tổng kết lý luận và thực tiễn công tác dân vận và Mặt trận trong thời kỳ kháng chiến cứu nước…

Đồng thời với việc chuẩn bị báo cáo về công tác dân vận, một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là công tác chuẩn bị mọi mặt cơ sở vật chất - hậu cần và công tác an ninh cho Đại hội đã được Bác Hồ và Đảng ta quan tâm chỉ đạo sao cho an toàn, chu đáo. Chính ở đây, công tác dân vận đã được phát huy tối đa nhằm huy động Nhân dân địa phương đóng góp công sức xây dựng cơ sở vật chất phục vụ Đại hội. Trong điều kiện hoạt động bí mật, hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, đời sống Nhân dân cực khổ, Nhân dân xã Kim Bình và các xã lân cận hết sức phấn khởi tham gia công việc chuẩn bị cho xây dựng hội trường, đã đóng góp 1 vạn cây tre mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5 ngàn m2 gỗ xẻ, đào đắp trên 3 ngàn m3 đất làm nền nhà, đường đi, hầm tránh máy bay, hơn 7 ngàn nhân công và 10 ngàn dân công... Sau hơn 6 tháng lao động không mệt mỏi, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội đã hoàn tất.

Cùng với các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể, Ban Dân vận Trung ương tại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến đã để lại những dấu ấn hết sức sâu sắc. Tại đây, Mặt trận Liên Việt và Ban Dân vận Trung ương đã thực hiện tốt đường lối cách mạng của Đảng, giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, với phương châm vận động, xây dựng và củng cố tổ chức trong công nhân, nông dân, trí thức, dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngoại kiều. Thông qua cơ quan Mặt trận Liên Việt, Ban Dân vận Trung ương, Đảng ta đã kêu gọi và vận động toàn dân ủng hộ cách mạng, tích cực tham gia phong trào “Thi đua ái quốc”, đỡ đầu bộ đội, thương binh...

Trong thời gian ở và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, Ban Dân vận Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó. Tiêu biểu là tổ chức thành công Hội nghị hòa bình thế giới và thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, góp phần vào việc thiết lập quan hệ giữa chính phủ Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, thành lập Hội Việt - Hoa hữu nghị và Hội Việt - Xô hữu nghị, hoàn thiện báo cáo “Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng”.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, công tác dân vận của Đảng đã góp phần to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã họi chủ nghĩa.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang – Thủ đô kháng chiến (Kỷ yếu Hội thảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 278-288.

2. Tuyên Quang – Thủ đô Khu giải phóng, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2009.

Xem tin theo ngày:   / /