Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận trong tình hình mới

Thứ Bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024 - 17:54 Đã xem: 59

Trong những năm qua, bám sát sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng và tình hình thực tiễn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước,  cuộc vận động, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện các chương trình ký kết với nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực: Ký kết Chương trình phối hợp với Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách trong công tác mặt trận, các hoạt động, điển hình, mô hình tiêu biểu của Mặt trận Tổ quốc các cấp; ký kết Chương trình phối hợp với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tân Trào trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; ký kết Chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường về “Thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025”, trong đó có việc triển khai xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo với bảo vệ môi trường”; ký kết Chương trình phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong thực hiện hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đều thành lập và duy trì hoạt động “Trang cộng đồng” (Fanpage Facebook) tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động. Các tổ chức thành viên của Mặt trận có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức tuyên truyền theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Việc đưa các văn kiện của Đảng tới đoàn viên, hội viên và nhân dân được cụ thể hóa, thông qua thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tiêu biểu là: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”

Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", nhằm tạo động lực, tiền đề hỗ trợ, giúp đỡ người dân có ngôi nhà kiên cố, an toàn để "an cư, lạc nghiệp"; thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì xây dựng và ban hành Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện và linh hoạt, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực xã hội từ cộng đồng; gặp gỡ trực tiếp hộ nghèo nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của từng hộ gia đình để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, cụ thể, khơi dậy, thúc đẩy sự nỗ lực, ý chí vươn lên của mỗi hộ nghèo, giúp hộ nghèo ý thức được trách nhiệm trong việc xây dựng nhà ở. Năm 2024 hỗ trợ làm mới và sửa chữa 2.449/933 nhà đại đoàn kết (trong đó làm mới 2.048 nhà, sửa chữa 401 nhà), lũy kế từ năm 2021 đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa cho 7.067 hộ/3.820 hộ (làm mới 6.088 hộ, sửa chữa 979 hộ), đạt 185% kế hoạch so với cả giai đoạn 2021 - 2025.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức phát động Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa"; xác định đây là một nhiệm vụ đột phá, là việc làm cụ thể thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm "hướng mạnh về cơ sở", tập trung cho khu dân cư. Sau gần 4 năm thực hiện Phong trào, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng trên 2.500 mô hình tổ tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và Nhân dân đóng góp xây dựng 86.500 bể, hố ủ rác; có trên 36.000 thùng rác, xe đẩy rác được hỗ trợ và nhân dân đóng góp; phát trên 98.000 tờ rơi, làn đi chợ, túi thân thiện với môi trường cho người dân; trên 25.000 vật dụng khác hỗ trợ cho Nhân dân thu gom rác thải; xây dựng công trình, mô hình gạch sinh thái từ rác thải nhựa. Nhiều cách làm hay, sáng tạo tiếp tục được các khu dân cư nhân rộng như: mô hình “Thùng rác gia đình”; “hãy thả rác vào thùng”, “Khu dân cư Sáng - xanh - sạch đẹp”; đặt thùng đựng rác “Nơi thu gom vỏ chai nhựa gây Quỹ ủng hộ Vì người nghèo”; Mô hình vận động xã hội hóa từ tổ đảng 213; "Tuyến đường tự quản - Tuyến đường hoa”... Qua đó, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện Phong trào.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố tổ chức 07 cuộc gặp mặt tại 7/7 huyện, thành phố với 330 đại biểu là Già làng, Trưởng họ, bí thư Chi bộ, trưởng thôn, thầy cúng, người có uy tín tiêu biểu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tổ chức Hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn hướng dẫn triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh với 5.500 đại biểu; 7/7 huyện, thành phố, 138/138 xã phường, thị trấn tổ chức gặp mặt với 6.655 đại biểu. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc với người có uy tín, trưởng thôn, bản, chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhân dịp các ngày lễ, tết; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng và thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động; phối hợp tạo điều kiện, động viên đồng bào các tôn giáo sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, thường xuyên lắng nghe, tập hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, góp phần xây dựng Ðảng, chính quyền vững mạnh.

Công tác giám sát trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; nội dung giám sát tập trung vào cơ chế, chính sách, các chủ trương, đường lối, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có tác động đến đời sống của Nhân dân. Hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham gia phản biện xã hội đối với nhiều dự thảo văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp mà nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Từ năm 2020 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức 613 hội nghị phản biện xã hội, chuyển 2.439 ý kiến kiến nghị đến các cơ quan chủ trì soạn thảo; có 1.463 ý kiến kiến nghị được tiếp thu, xử lý, 976 ý kiến được giải trình đầy đủ.

Trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận hệ thống Mặt trận Tổ quốc và cán bộ Mặt trận các cấp cần chú trọng việc cụ thể trong công tác tuyên truyền, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung tuyên truyền sát thực, gần gũi với đời sống Nhân dân. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần đề cao vai trò của người có uy tín trong cộng đồng - coi họ là “điểm tựa”, là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, vận động Nhân dân chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo dõi, nắm chắc tình hình Nhân dân, nhất là vấn đề liên quan công tác dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và những vấn đề bức xúc trong đời sống, xã hội. Thường xuyên tổ chức các hội nghị để lắng nghe, lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và các tầng lớp nhân dân đối với các vấn đề quan trọng, phát huy vai trò của Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo.

Phan Thanh Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 1247 | Trang: 1 trên tổng số 125 trang  
Xem tin theo ngày:   / /