Công tác dân số góp phần quan trọng vào phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam

Thứ Năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024 - 15:22 Đã xem: 215

Công tác dân số góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Ngày 26/12/1961, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã ký ban hành Quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn với một ý nghĩa nhân văn sâu sắc:“Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của Nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”. Đây là quyết định mang tính chất hết sức quan trọng, đánh dấu cho những bước đi đầu tiên của công tác dân số và hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326-TTg, ngày 19/5/1997, lấy ngày 26/12 hằng năm là “Ngày Dân số Việt Nam” và Quyết định số 2161/QĐ-TTg, ngày 26/11/2010, lấy tháng 12 hằng năm là “Tháng hành động quốc gia về Dân số” nhằm tập trung sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội cho công tác dân số, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài [1].

Trong thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện. Chiều cao trung bình ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể, năm 2020 nam đạt 168,1cm, nữ đạt 156,2cm.

Công tác dân số là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Muốn tăng trưởng kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người và phải là con người có sức khỏe và trí tuệ. Nghị quyết 21/NQ-TW, ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, các địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động, đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng của người dân [2].

Ngày 26/12 hằng năm là Ngày Dân số Việt Nam, một dấu mốc quan trọng để chúng ta nhìn nhận lại những thành tựu và thách thức trong công tác dân số - yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của quốc gia. Trải qua nhiều giai đoạn, Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu dân số và chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, việc định hướng dân số gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, nhằm hướng đến một xã hội văn minh, thịnh vượng và phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân. Đặc biệt, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% tổng dân số. Đây là cơ hội quý giá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và giảm nghèo bền vững. Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Tâm lý ưa thích con trai còn tồn tại trong xã hội, đặc biệt ở các khu vực có mức sống cao, đã đẩy tỷ số giới tính khi sinh lên mức báo động. Điều này không chỉ làm xáo trộn cấu trúc dân số mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực về xã hội và gia đình trong tương lai. Trước những thách thức đó, mỗi công dân cần nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác dân số. Quyền được cung cấp thông tin, lựa chọn các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiếp cận dịch vụ dân số an toàn là điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng sống của mỗi người. Đồng thời, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng mô hình gia đình no ấm, tiến bộ và bình đẳng là trách nhiệm không chỉ của từng cá nhân mà còn của toàn xã hội.

Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, nhằm đảm bảo mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ dân số thuận tiện, an toàn. Để công tác dân số thực sự đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của dân số đối với sự phát triển đất nước. Các chính sách về già hóa dân số cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm việc cải cách hệ thống an sinh xã hội, mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội. Đồng thời, qua các chính sách ưu tiên vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo mọi người đều được hưởng các dịch vụ dân số. Phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng dân số lâu dài.

Mục tiêu đất nước phát triển bền vững không thể tách rời công tác dân số. Đất nước có dân số khỏe mạnh, cân bằng và chất lượng sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ngày Dân số Việt Nam 26/12 là dịp để chúng ta cùng nhìn lại và cam kết hành động vì tương lai tốt đẹp hơn. Xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, văn minh và phát triển bền vững.

Đỗ Hồng Thanh

1. Kim Liên; Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững; Tuyên giáo, tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, 26/12/2022.

2. Thanh Mai; Hành động vì chất lượng dân số; Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 26/12/2023.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 2620 | Trang: 1 trên tổng số 262 trang  
Xem tin theo ngày:   / /