Tham ô, lãng phí là những căn bệnh tồn tại trong xã hội từ xa xưa, ở tất cả các quốc gia. Tham ô, lãng phí gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển như: làm suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, làm giàu bất chính cho một số cá nhân trong bộ máy công quyền, gia tăng khoảng cách giàu nghèo... Hơn thế, tham ô, lãng phí làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội, là căn bệnh cần phải cứu chữa, loại bỏ.
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”(1); “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”(2), “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm”(3)
Lãng phí có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, “rất phổ biến” ở nhiều người, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, những người làm việc trong bộ máy nhà nước. Lãng phí từ những thứ nhỏ nhất như sử dụng điện, nước, giấy, mực đến thời gian, tài nguyên thiên nhiên, ngân sách quốc gia… Nhiều người lãng phí, lãng phí trong nhiều việc tạo thói quen lãng phí, không tiếc của công, dẫn đến nguồn chi phí tăng mà hiệu quả sản xuất lại giảm. Vì vậy, mỗi người cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngày 24/6/1952, trong Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mỗi người phải tự mình chống tham ô, lãng phí, gây thành một phong trào làm cho mọi người thấy đó là tội ác xấu xa, ai cũng gớm cũng ghét. Cần phải đấu tranh trừ bỏ tội ác đó. Tham ô lãng phí một phần lớn là do bệnh quan liêu mà ra… Muốn chống tham ô lãng phí thì phải dân chủ, gây tự phê bình và phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người.”(4)
Ngày 15/01/1953, chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 30 ngày V.I. Lê nin mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Kỷ niệm Lênin” đăng trên báo “Nhân dân”. Bài báo nêu lên những bài học sâu sắc, trong đó có bài học về chống lãng phí: “Lênin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho Nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng”(5)
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhận thức sâu sắc tác hại của bệnh lãng phí, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về chống lãng phí và tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thói quen lãng phí còn tồn tại ở nhiều người, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt lãng phí của công, nhiều dự án bị bỏ hoang, sự không hiệu quả trong đầu tư công, lãng phí do thiếu quy hoạch, thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp…
Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, mỗi người phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất: “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”(6) đến những việc lớn của đất nước như: lãng phí tài nguyên, nguồn nhân lực, vật lực…
Để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, chống lãng phí là một việc được quan tâm đặc biệt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài viết về “Chống lãng phí” tháng 10 năm 2024: Đây là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng về phòng, chống “bệnh lãng phí”, vận dụng vào công việc được phân công đảm nhiệm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cải, vật chất, công sức đến các nguồn lực chung của cơ quan, đơn vị, đất nước. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để “bệnh lãng phí” không có cơ hội tồn tại, làm cho chống lãng phí trở thành thói quen, thành văn hóa ứng xử, góp sức lực nhỏ bé của mỗi người cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới theo tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định./.
Nguyễn Nhung
(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập7, tr 357, 345, 362, 433-434
(5) Sđd, tập 8, tr 13
(6) Sđd, tập 11, tr 110