Tính cộng đồng trong Lễ hội Lồng tồng của người Tày xứ Tuyên

Thứ Năm, ngày 6 tháng 2 năm 2025 - 08:16 Đã xem: 6018

“Lồng tồng” (hay “lồng tông”) có nghĩa là "xuống đồng", là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Tày tại Tuyên Quang. Đây được coi là lễ hội quan trọng nhất, được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân năm mới, gắn với tín ngưỡng về nông nghiệp, là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tính cố kết cộng đồng, thể hiện khát vọng của người dân cầu mong cho con người khoẻ mạnh, cuộc sống no đủ, vạn vật sinh sôi.

Địa điểm tổ chức lễ hội là chọn bãi cỏ bằng phẳng, thoáng đãng, rộng lớn, tại vị trí trung tâm nhằm thuận lợi cho việc đi lại, vui chơi của dân bản và các vùng lân cận. Nam thanh niên trong bản làng được huy động để tìm, dựng cây nêu chuẩn bị cho lễ hội.

Lễ hội Lồng tồng xã Yên Hoa, huyện Na Hang năm 2025

Những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc đều được người dân gửi gắm vào mỗi mâm lễ dâng lên các vị thần. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng gồm gà, thịt lợn, trứng luộc, một cặp bánh chưng gù, mâm xôi ngũ sắc, các loại bánh truyền thống của người Tày, như: Bánh dày, bánh khảo, chè lam.... Ngoài ra, trên mâm lễ còn bày hai đôi quả còn được làm bằng vải có nhiều tua rua mầu sắc sặc sỡ cùng hạt giống các loại như: Bông, đỗ xanh, ngô...

Mâm lễ vật chung thể hiện sự đoàn kết, tính cộng đồng sâu sắc. Các gia đình trong bản làng sẽ lựa chọn những vật phẩm ngon nhất, đẹp nhất để đóng góp vào mâm lễ chung. Mâm lễ lựa chọn kỹ lưỡng các vật phẩm nông nghiệp, bày biện, trang trí đẹp mắt. Đặc biệt, trên mâm lễ phải có thủ lợn.

Người chủ lễ (thường là thày Tào, thày Mo hoặc già làng, trưởng bản) đứng trước mâm lễ của bản khấn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản, trong khi đó dân bản thắp hương, rót rượu. Sau lời khấn tạ ơn, chủ lễ tiếp tục khấn cầu một năm bội thu, mưa thuận gió hòa. Khấn xong, chủ lễ lại lấy hạt giống từ các mâm lễ vãi ra xung quanh, dân bản lấy hạt giống ấy trộn với hạt giống nhà mình chọn gieo cấy, ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa. Sau các lễ thức đó, dân bản cùng nhau phá cỗ, chúc tụng nhau một năm may mắn, an lành, thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân...

Phần lễ kết thúc, mở đầu phần hội là hội tung còn. Đây là hoạt động đông vui nhất của dân bản. Không phân biệt già trẻ, gái trai, hoạt động thu hút sự tham gia của tất cả mọi người. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm của vòng tròn, là âm dương đã giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Ai ném trúng hồng tâm đầu tiên sẽ được trao giải thưởng, gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cả năm. Nhiều nam, nữ thanh niên trao gửi tâm ý, ước hẹn, nên duyên vợ chồng từ những dịp tung còn trong ngày hội xuân.

Ngoài ra, lễ hội còn vô cùng sôi động với các trò chơi dân gian của người Tày như: Đi cà kheo, đánh khăng, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ... Ngày nay, trong lễ hội, người dân đã có thêm các trò chơi mới như: Bóng chuyền hơi, bóng đá… Trong Lễ hội Lồng tông cổ xưa không thể thiếu đi những tiếng hát then, hát cọi, hát sli, lượn, phong slư… Thông qua lễ hội, sự gắn kết, sẻ chia giữa người dân trong bản làng càng trở nên sâu sắc.

Trò chơi kéo co tại Lễ hội Lồng tồng xã Yên Hoa, huyện Na Hang thu hút đông đào người dân tham gia

Lễ hội Lồng tồng của người Tày Tuyên Quang là một trong những nét văn hoá độc đáo, góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam. Lễ hội là dịp để người dân hội tụ giao lưu văn hoá, tăng thêm sự đoàn kết, ôn lại truyền thống của quê hương, đất nước; là dịp để người dân giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian… tạo nên đời sống văn hoá tinh thần vui tươi, lành mạnh. Dù trải qua nhiều biến chuyển, đổi thay, nhưng những giá trị về tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, đạo đức, đặc biệt là tính cộng đồng, sự đoàn kết càng làm cho Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày xứ Tuyên càng trở nên thu hút, độc đáo./.

Mộc Miên

 

Xem tin theo ngày:   / /