Tại phiên họp ngày 28/2/2025, khi đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Chính trị quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh công lập cả nước từ bậc học mầm non đến hết trung học phổ thông từ năm học 2005 - 2006. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo Nhân dân cả nước. Người dân đón nhận quyết định này trong tâm thế vô cùng phấn khởi, nhất là những gia đình đông con, cha mẹ không có việc làm ổn định, ở vùng sâu xa còn nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa: Tất Thắng
Quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh của Bộ Chính trị là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo. Ngay sau khi giành được độc lập, Người đã coi nạn dốt là một loại giặc cần đánh đuổi cùng với giặc đói và giặc ngoại xâm. Phong trào bình dân học vụ đã phát triển khắp nơi, từ một đất nước có 90% dân số mù chữ, người Việt Nam đã biết đọc, biết viết, trình độ dân trí được nâng cao dần. Trong ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1).
Những năm gian khổ của cuộc kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến các cháu thiếu niên, nhi đồng và luôn phấn đấu để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngày 01 tháng 6 năm 1950, trong “Thư gửi thiếu nhi toàn quốc”, Người đã hứa với các cháu: “đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cũng cố gắng làm cho các cháu đều được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”(2). Sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo đến giáo dục. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã thực sự coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trình độ dân trí được nâng cao, tỷ lệ học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế ngày càng nhiều, đạt nhiều giải thưởng cao trên thế giới. Nguồn nhân lực được quan tâm phát triển, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời điểm chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quyết định của Bộ Chính trị về miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên cả nước thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, là hiện thực hóa lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, thể hiện đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việc miễn giảm toàn bộ học phí được các nhà quản lý, nhà giáo và cha mẹ học sinh bày tỏ vui mừng trước quyết định hợp lòng dân, có ý nghĩa xã hội và sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Đây cũng là động lực lớn để các nhà trường, các gia đình có thêm điều kiện chăm lo, đầu tư cho việc học tập của học sinh, con, em mình. Ở vùng sâu xa, khó khăn có điều kiện để duy trì số học sinh đến lớp, không còn tình trạng học sinh bỏ học do cha mẹ không lo được tiền học phí, thực sự có ý nghĩa đối với học sinh miền núi còn nhiều khó khăn, bảo đảm cơ hội học tập cho học sinh ở mọi địa bàn, mọi lứa tuổi, tạo nền móng vững chắc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai.
Với khoảng trên 23,2 triệu học sinh trong cả nước, việc miễn giảm học phí cho học sinh sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với giáo dục và phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển. Quyết định hết sức đúng đắn, nhân văn, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.
Nguyễn Nhung
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2011, tập 4, trang 35
- Sđd, tập 6, tr 388