Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, dành cho dân sự quan tâm đặc biệt, phấn đấu không mệt mỏi vì hạnh phúc của dân. Trọng dân, vì dân là một nét nổi bật trong phong cách của Người, làm nên tính độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh sâu sắc phong cách trọng dân, vì dân, thể hiện tình thương yêu vô bờ bến của Người đối với Nhân dân. Triết lý “trọng dân, vì dân” bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong lịch sử cha ông ta luôn coi trọng sức mạnh của Nhân dân: chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân; Lật thuyền mới rõ dân như nước… đồng thời là sự vận dụng quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Trong Di chúc thiêng liêng Người để lại cho dân tộc Việt Nam, “trọng dân, vì dân” mang giá trị nhân văn sâu sắc. Cuối Bản Di chúc, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”(1). Cũng vì tình thương yêu vô bờ bến đối với Nhân dân, nên trong Di chúc, Người nhắc nhở Đảng, Nhà nước những chính sách hết sức quan trọng đối với các tầng lớp Nhân dân sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”(2). Người dân phải có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thành phố, làng mạc phải được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Kinh tế phải được quan tâm hơn, giáo dục - y tế được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao hơn. Phương châm đó được cụ thể hóa đối với từng đối tượng. Đối với đoàn viên, thanh niên và thế hệ trẻ, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”(3). Đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng, Người nhấn mạnh cần quan tâm đặc biệt. Đối với những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, đối với phụ nữ, gia đình nông dân và ngay cả đối với nạn nhân của chế độ cũ, Người quan tâm từng đối tượng, không bỏ sót một người nào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Trong Di chúc, Người chỉ ra rằng Nhân dân đã bao đời phải chịu gian khổ dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến, lại chịu sự tàn phá của chiến tranh, nhưng “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”(4). Vì niềm tin tưởng tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh của Nhân dân, Người khẳng định: dù khó khăn, gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất…
Trong tư tưởng của Người, quần chúng Nhân dân là lực lượng có sức mạnh vô địch, quyết định sự thành công của cách mạng, đồng thời mang lại sức mạnh cho Đảng, Nhà nước… Người chỉ ra chân lý: “Nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”(5); “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(6).
Sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sự nghiệp to lớn, nặng nề, phức tạp, là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới, tốt đẹp. “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(7). Ghi nhớ lời Bác, Nhân dân ta đã đoàn kết, nỗ lực, đạt được những kết quả to lớn trong công cuộc đổi mới, đưa đất nước hội nhập và phát triển.
Việc làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “trọng dân, vì dân” vẫn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Trọng dân, vì dân là phẩm chất đã và đang được phát huy trong giai đoạn hiện nay, được thể hiện qua những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực, hợp lòng dân. Gần đây nhất, quyết định của Bộ Chính trị về miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên cả nước đã tạo không khí phấn khởi cho người dân, đặc biệt vùng sâu, xa, còn khó khăn, để “ai cũng được học hành” như mong mỏi của Bác Hồ. Mục tiêu đến hết năm 2025 không còn nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1243/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được thực hiện khẩn trương, đạt kết quả tích cực. Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 cũng là để tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở, ổn định cuộc sống. Trong phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý có thể phấn đấu đến năm 2030 miễn viện phí cho người dân. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIV của Đảng đề ra: ổn định phát triển và nâng cao đời sống Nhân dân là mục tiêu cao nhất, bao trùm nhất cần được thể hiện xuyên suốt. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm cho người dân, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân...
Đó là những việc làm hết sức thiết thực, mang lại lợi ích to lớn cho người dân, hiện thực hóa khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, để mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước phát triển văn minh, thịnh vượng./.
Nguyễn Nhung
- ; (2); (3); (4); Hồ Chí Minh toàn tập, NxbCTQGST, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 613; 612
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 5, tr 502.
(6); (7) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 15; 280; 617