Từ tư tưởng đào tạo cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tinh thần học tập suốt đời trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ Bảy, ngày 19 tháng 4 năm 2025 - 09:13 Đã xem: 136

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, tạo nguồn lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn vượt thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc cần phải có cán bộ tốt và nhân tài mới thành công. “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều” (1)

     Ảnh minh họa: Tất Thắng

Trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa I của Đảng tại Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thiếu cán bộ là một trong những việc “khẩn yếu”: “Ta thiếu nhiều cán bộ quá: phải đào tạo, huấn luyện cho dần dần có đủ. Muốn có nhiều cán bộ, Đảng phải giúp cho cán bộ tự học tập… phải nâng cao lý luận cho cán bộ cũ và dạy cho cán bộ trí thức làm công tác quần chúng”(2). Người nêu rõ cán bộ phải tự học tập lý luận, chuyên môn, học cách vận động quần chúng để có đủ người làm cách mạng. Người khẳng định trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(3). Người đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện cán bộ, coi đó là một trong những lĩnh vực phải được quan tâm hàng đầu. Trên báo Cứu quốc, số 91, ngày 4/11/1945, Người viết: Công cuộc kháng chiến, kiến quốc cần nhất bây giờ là các cán bộ, nhân tài trên các lĩnh vực: “Kiến thiết ngoại giao/ Kiến thiết kinh tế/ Kiến thiết quân sự/ Kiến thiết giáo dục” (4).

Tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và ghi vào trang đầu Quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư”(5). Những chỉ dẫn của Người đã trở thành linh hồn của công tác huấn luyện cán bộ, là mục đích, lý tưởng của cả người dạy và người học.

     Năm 1950, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, Người đã nêu một cách toàn diện, có hệ thống những vấn đề cơ bản nhất trong công tác huấn luyện của Đảng. Người chỉ rõ mục đích, động cơ, thái độ, phương pháp học tập của cán bộ, đảng viên, chỉ đạo xây dựng hệ thống trường Đảng làm nòng cốt huấn luyện cán bộ, nâng cao lý luận.

Tại Đại hội II của Đảng tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tháng 2/1951, Người nghiêm khắc chỉ ra những yếu kém trong việc học tập của cán bộ và nhấn mạnh: “Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng”(6)

     Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo nói chung, huấn luyện cán bộ nói riêng. Nhờ đó, đất nước đã có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, suy nghĩ, hành động mới với mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên  trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

     Để đội ngũ cán bộ có thể đáp ứng yêu cầu mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Học tập suốt đời”, nhấn mạnh “học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích trong xã hội.”. Tinh thần “học tập suốt đời” trong bài viết của Tổng Bí thư là vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, huấn luyện cán bộ. Bài viết nêu rõ “học tập suốt đời” không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trước thời cơ, vận hội mới, để vươn mình, sánh vai với thế giới, học tập suốt đời trở thành quy luật sống, giúp cá nhân nhận biết, thích nghi, không tụt hậu, làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân cách, vượt qua khó khăn để ngày càng tiến bộ và định vị bản thân trong xã hội hiện đại, đóng góp sức lực xây dựng quê hương đất nước. Có học tập thì mới có hiểu biết, từ hiểu biết mới dám nghĩ, dám nói, dám làm. Học tập là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người, không phân biệt tuổi tác, nam nữ, công việc. Học tập để đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

     Học tập theo đúng nghĩa sẽ giúp mỗi người có ý tưởng sáng tạo, giải pháp, sáng kiến giải quyết những đòi hỏi của cuộc sống, xóa bỏ tình trạng trì trệ, lúng túng trong công việc, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

     Mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần học tập suốt đời để không ngừng tiến bộ. Học lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kinh nghiệm, tích cực tham gia phong trào “bình dân học vụ số”, phổ cập kiến thức số, khoa học công nghệ, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người thân, gia đình, dòng họ cùng tham gia góp phần phát triển bền vững, hội nhập với khu vực và thế giới.

     Tinh thần “Học tập suốt đời” mà Tổng Bí thư nêu ra đối với cán bộ, công chức chính là vận dụng những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, huấn luyện cán bộ. Tư tưởng đó tiếp tục là ánh sáng soi đường cho công tác rèn luyện đội ngũ cán bộ, tạo cơ sở vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Nguyễn Nhung

(1)(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 114.

(2)(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, tr16, 208

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr 309

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr 33

Xem tin theo ngày:   / /