Hội Nông dân Tuyên Quang tích cực thực hiện chuyển đổi số

Thứ Bảy, ngày 19 tháng 4 năm 2025 - 09:17 Đã xem: 769

Trong bối cảnh toàn quốc đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã chủ động vào cuộc, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn hiện đại, bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 20/02/2025, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 155-KH/HNDT ngày 11/3/2025 nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình hành động số 70-CTr/TU vào thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân; chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết và Chương trình hành động tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân gắn với phát động phong trào học tập trên các nền tảng số để trở thành phong trào “học tập số” thường xuyên, liên tục, phổ cập, nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo kỹ năng số, công nghệ số cơ bản, thúc đẩy tư duy đổi mới, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đội ngũ cán bộ Hội.

Các cấp Hội tích cực tuyên truyền về ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đến cán bộ, hội viên

Tăng cường tuyên truyền việc lồng ghép thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông; trang thông tin điện tử và fanpage của các cấp Hội, các trang mạng xã hội của cá nhân các đồng chí cán bộ, hội viên; tuyên truyền trong các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chi hội; gắn nội dung chuyển đổi số với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn của Hội. Một số kết quả bước đầu đạt được: Đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 1.165 lượt người là giám đốc các Hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, cán bộ, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tiếp cận về các giải pháp tối ưu hóa zalo, ứng dụng ChatGPT và AI trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và du lịch cộng đồng; áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, công nghệ sấy, đóng gói hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm; gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc bằng QR code; chú trọng việc xây dựng bao bì, nhãn hiệu, tem nhãn sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh; hội viên được hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu kỹ thuật, cập nhật thông tin, hướng dẫn xây kênh bán hàng trên Fanpage, Tiktok, Youtobe…đối với các sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực trên địa bàn; được tiếp cận với kỹ năng livestream bán hàng, viết nội dung quảng bá sản phẩm trên nền tảng số; tham gia các chợ phiên, hội chợ, tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường, giới thiệu nông sản địa phương trên không gian mạng... Một số sản phẩm OCOP như Trà đậu đen xanh lòng, Mật ong Tân Tiến, Na dai Lực Hành… đã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ vào bảo quản, bao bì, phân phối, gia tăng giá trị và mở rộng thị trường.

Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Chương trình số hóa đàn bò tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần quản lý tốt vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và cải thiện năng suất chăn nuôi; tích cực phối hợp hướng dẫn 57 doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 77 hợp tác xã có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm; các mô hình nông nghiệp thông minh đang từng bước được nhân rộng gắn với việc hướng dẫn hội viên xây dựng mô hình khởi nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.  

Khuyến khích việc chủ động tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để hội viên “mắt thấy - tay làm - tai nghe” học hỏi cách làm hay, hiệu quả. Qua đó, cán bộ, hội viên tích cực tiếp cận và làm chủ công nghệ mới, từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm và minh bạch thông tin… góp phần tích cực đưa nông sản của Tuyên Quang có thể cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường, qua đó, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập xây dựng nông thôn mới bền vững. Việc chuyển đổi số còn được chú trọng thực hiện gắn với nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong cơ quan, đồng bộ thông qua sử dụng phần mềm quản lý hội viên, số hóa hồ sơ công việc, triển khai ký số văn bản điện tử, trao đổi qua hệ thống quản lý văn bản và tổ chức họp trực tuyến.

Hướng dẫn khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý hội viên; tiếp cận các giải pháp tối ưu hóa zalo, ứng dụng ChatGPT và AI;

số hóa hồ sơ công việc

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ chính trị liên quan, các cấp Hội trong toàn tỉnh cần: Tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của tỉnh vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, các phong trào thi đua và cuộc vận động lớn của Hội; xác định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia vào công cuộc ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tạo không khí thi đua sôi nổi, qua đó phát hiện và biểu dương gương điển hình tiên tiến để tiếp tục lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, học tập công nghệ trong nông dân. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm để bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số, kiến thức công nghệ thông tin; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, giữa các mô hình nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số thành công. Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền chuyên đề về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; tận dụng nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube để tuyên truyền linh hoạt, gần gũi, dễ tiếp cận tới hội viên, nhất là thế hệ nông dân trẻ. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên chuyển đổi số nông thôn là cán bộ Hội, hội viên trẻ có năng lực công nghệ để trực tiếp hỗ trợ các hội viên khác tiếp cận công nghệ mới, ứng dụng nền tảng số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chú trọng tổ chức sơ kết, tổng kết hàng năm nhằm đánh giá mức độ nhận thức, hành vi chuyển đổi của hội viên để điều chỉnh giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, làm tốt công tác hướng dẫn hội viên nông dân tích cực sử dụng hiệu quả các dịch vụ số trong giai đoạn hiện nay gắn với việc thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng, nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia các hoạt động đăng tải, cung cấp thông tin, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng, tránh bị lừa đảo công nghệ cao.

Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã và đang thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW và các nhiệm vụ chính trị liên quan, từng bước góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và người nông dân văn minh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là động lực then chốt để nâng cao chất lượng tổ chức Hội và đời sống của hội viên trong thời đại số. Đây cũng là các hoạt động hiệu quả từ cơ sở làm nổi bật hơn quan điểm “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững, là yếu tố quan trọng để nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu”.

Thu Phương

Xem tin theo ngày:   / /