
Một số ấn phẩm tiêu biểu tập hợp các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả tại Tuyên Quang
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc với 22 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa riêng, độc đáo, phản ánh chân thực quá trình lao động, sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, Nhân dân Tuyên Quang đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đa dạng, kết tinh các giá trị văn hóa của dân tộc. Tuyên Quang còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng và lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp, một lần nữa, Tuyên Quang được Bác Hồ lựa chọn trở thành căn cứ địa trung tâm, Thủ đô Kháng chiến. Với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc và các vùng căn cứ được xây dựng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang rất tự hào được bảo vệ Bác Hồ, các khu an toàn của Trung ương, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, tạo điều kiện cho các cơ quan Trung ương và đồng bào tản cư an toàn đến Tuyên Quang.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang vinh dự được đón nhận những tác phẩm đầu tiên viết về kháng chiến của Bác Hồ như: Thơ chúc mừng năm mới (1948-1954), thơ bằng chữ Hán: Nguyên tiêu, Không đề, Tư chiến sĩ, Tặng Bùi Công...; thơ bằng chữ quốc ngữ: Cảnh rừng Việt Bắc, Cảnh khuya, Đi thuyền trên sông Đáy, Thư gửi các cháu thiếu nhi, thơ viết tại Hang Bòng…
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa,
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
(Cảnh Khuya - Hồ Chủ tịch) (1)
Văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác tại Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được tôn vinh, nhà thơ Tố Hữu và giới học giả, văn nghệ sỹ cả nước đã tôn kính Bác, đánh giá văn chương và tài năng lãnh đạo kiệt xuất của Người trong các tài liệu có giá trị là: “tiêu biểu rõ ràng nhất của văn chương mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ về chính trị, quân sự mà còn là một nhà văn lớn của nước ta”(2).
Trong cuốn “Văn học Tuyên Quang”, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, năm 2013, tiến sỹ văn học Trần Thị Lệ Thanh đã viết: “Có một điểm thật thú vị mà người Tuyên Quang phải lấy làm tự hào là, nhìn lại bộ sưu tập những bài thơ sáng tác tại Tuyên Quang từ năm 1945 đến nay, chúng ta thấy góp mặt gần như đủ cả những nhà thơ lớn của dân tộc: Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Xanh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Sóng Hồng, Nông Quốc Chấn(3)... Đặc biệt vinh dự hơn, trong số ấy, còn thấy hiện diện những vần thơ của Bác”(4). Hầu hết những bài thơ Bác sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đều trên chính quê hương Tuyên Quang, nơi có địa danh Tân Trào lịch sử. Tuy với những góc nhìn, cách cảm khác nhau, nhưng những bài thơ này đã khai thác ở mảnh đất Tuyên Quang mang trên mình phong vị của mảnh đất mà những miền quê khác không có được.
Chỉ có đất và người Tuyên Quang thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến là thương hơn và thấu hiểu hết được những ngày cực kỳ gian nan, vất vả của Bác tại Tân Trào, vì lo cho Nhân dân và thương những người đồng chí đã cùng mình nếm trải gian lao, nhọc nhằn của thời kỳ kháng chiến, Bác đã sáng tác những vần thơ hay nhất, “thi vị” nhất về phong cảnh núi rừng Tuyên Quang, khá khác và khó lẫn với những miêu tả về cảnh rừng chiến khu ở những nơi khác:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này
(Cảnh rừng Việt Bắc - Hồ Chủ tịch)
Từ những bức thư ngắn, những bài thơ gửi cho các cụ phụ lão, cho các chiến sỹ, các thương binh, các cháu thiếu nhi hay đến những lời hiệu triệu kêu gọi quốc dân đồng bào... trong văn chương của Hồ Chủ tịch viết tại Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến bao giờ cũng bình dị mà sâu sắc, sáng rõ và gọn gàng, mãnh liệt và đầm ấm, lắm khi hài hước, kín đáo mà vẫn giữ mức trang nghiêm “soi vào trí, thấm vào lòng của Nhân dân”, “như ánh sáng mùa xuân ấm áp, nó kết hợp một cách kỳ diệu những tư tưởng khoa học với điệu cảm, cách nói của dân tộc. Nó chung đúc đến độ tinh vi cái đẹp bình dị của văn chương bình dân và cái đẹp sắc bén của văn chương vô sản”(5).
Đồng thời, những địa danh trên mảnh đất Tuyên Quang gắn với hình ảnh của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Bác Hồ; trong thơ của Tố Hữu và của nhiều văn nghệ sỹ về mái đình Tân Trào và mảnh đất Tuyên Quang chính là cái nôi của Cách mạng - nơi thiêng liêng khai sinh ra nước Việt Nam. những lời bất hủ trong văn học Việt Nam cũng là tuyên ngôn khẳng định Tuyên Quang chính là: Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến của nước Việt Nam trong giai đoạn lịch sử rất quan trọng:
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.
(Việt Bắc - Tố Hữu)
Trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, văn chương kháng chiến của các tác giả sáng tác tại Tuyên Quang được đánh giá là: có tiến bộ hơn so với dòng văn thơ của các văn sĩ trước đó, không mập mờ, ba hoa như thời trước Cách mạng Tháng Tám mà “trong văn học Việt Nam đã xuất hiện lời văn của những người cộng sản như: Tố Hữu, Sóng Hồng, Huy Cận... văn của những người tham gia kháng chiến sắc bén, cụ thể, chắc gọn, hun đúc lửa chiến đấu”. Văn chương sáng tác tại Tuyên Quang in dấu thời đại, Tuyên Quang là địa danh tạo cảm hứng, khơi thông nguồn của dòng chảy vô tận của văn học cách mạng Việt Nam !.
Đại hội Tân Trào vừa bế mạc:
Ba loạt súng vang rừng dội thác
Chào Uỷ ban giải phóng mới bầu xong
Cây đa to bóng che nửa cánh đồng
Cũng dào dạt muôn vàn lá sáng
Hồ Chủ tịch bộ áo chàm phai nắng
Lắng nghe từng đại biểu ở xa về.
(trích bài thơ Một kỷ niệm về Hồ Chủ tịch ở Đại hội Tân Trào - Huy Cận)
Nhân dân Tuyên Quang trong kháng chiến chống Pháp cũng phát huy vốn thơ ca quần chúng để tham gia vào dòng văn học kháng chiến. Những bài thơ chứa đựng nguồn cảm xúc vô cùng giàu mạnh của Nhân dân trong công cuộc kháng chiến, kiên quyết chống quân áp bức xâm lược:
“Cắc bụp, cắc bụp xoà,
Ba thằng giặc Pháp bắt gà, bắt heo
Cắc bụp, cắc bụp xèo
Ba thằng bảo vệ bắt heo bắt gà”
Những thể loại ca dao, bích báo của Nhân dân Tuyên Quang xuất hiện và trưng bày khắp nơi, thể hiện những tình cảm lành mạnh, giáo dục, động viên Nhân dân; nghệ thuật thể hiện trong thơ của quần chúng công nông tuy đơn sơ nhưng tạo nên nền móng cho thơ ca mới, thơ của Nhân dân Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp thể hiện rõ lòng căm thù quân giặc, thiết thực để tham gia cách mạng:
“Đã đánh thì đánh cho tan,
Giặc chống ta giết, giặc hàng ta nuôi”
Đây chính là những điều kiện quý báu để đội ngũ văn nghệ sĩ Tuyên Quang hình thành và phát triển. Bao tình nghĩa sâu nặng với kháng chiến đã tạo nên một thế hệ những nhà văn, nhà thơ trẻ Tuyên Quang trong kháng chiến; hứa hẹn nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng cách mạng sau này.
Hoàng Mai
-------------------
- Trích Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, H. 2021, tập 5, tr.377.
- Trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Phần: Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, NXB. Chính trị Quốc gia, H.2001, tr.347.
- Trong một số nghiên cứu của các nhà lý luận phê bình văn học, nghệ tuật Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng: Các nghệ sỹ lớn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm văn học thời kỳ kháng chiến tại vùng ATK cũng rất nhiều. Hình tượng Bác trong văn học gần gũi, giản dị với Nhân dân Tuyên Quang, trong lòng những người kể lại, với những cái tên đầy trìu mến, yêu thương: "Ông cụ", “Ông Ké Tân Trào”, "ông Cụ thượng cấp"... Những kỉ niệm sống lại trong những trang hồi kí tràn ngập lòng biết ơn, kính yêu vô hạn của tầng lớp Nhân dân với Bác.
- Trích bài viết: “Tuyên Quang - Niềm tự hào trong những trang thơ” trong cuốn “Văn học Tuyên Quang”, NXB. Đại học Thái Nguyên, 2013, tr. 13,14.