Bài 2: Tuyên Quang - Nơi khơi thông dòng chảy văn học về đề tài chiến tranh cách mạng

Thứ Ba, ngày 6 tháng 5 năm 2025 - 06:54 Đã xem: 59

Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc Việt Nam, nền Văn học Nghệ thuật của nước nhà cũng đã đạt được thành tựu quan trọng, với những sáng tác văn học gắn với địa danh lịch sử Tân Trào, nhất là trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Theo đó, văn học của Tuyên Quang trong suốt những năm qua, cũng đã đạt được thành tựu, từng bước đổi mới, hội nhập và ngày càng góp phần quan trọng, dần khẳng định vị thế của văn học Tuyên Quang trong nền văn học, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Một số ấn phẩm tiêu biểu tập hợp các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả tại Tuyên Quang

Tại Tuyên Quang, ngày 05/6/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 63B/QĐ/TW về việc thành lập Ban Văn nghệ thuộc Ban Văn hoá Trung ương, Ban Văn nghệ gồm các đồng chí Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng. Tiếp theo đó, ngày 14/9/1950, Trung ương có Quyết định số 55/QĐ/TW về thành lập Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng; Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo công tác tuyên truyền trong đảng và ngoài đảng ở các bộ phận: Nha Thông tin, Hội Văn nghệ, Báo chí, Tuyên truyền mặt trận và các đoàn thể quần chúng... Ban do đồng chí Trường Chinh phụ trách và các đồng chí: Tố Hữu là Trưởng ban, Trần Văn Giàu là Phó Trưởng ban(1). Thấm nhuần đường lối văn hóa, tư tưởng của Đảng, cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến đã đi sâu vào đời sống của Nhân dân, tham gia vào các chiến dịch, công tác vùng địch hậu, hay tham gia phát động quần chúng thực hiện giảm tô, qua đó đã tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi sâu vào đời sống của Nhân dân, đời sống kháng chiến, trau dồi tình cảm giai cấp, có vốn sống thực tiễn phong phú để sáng tác, nâng cao tư tưởng, nội dung trong tác phẩm.

Thời kỳ từ 1954-1975, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Tuyên Quang đã đạt được những thành tựu của toàn dân, toàn diện. Tuyên Quang chung tay với cả nước chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và ra sức chi viện cho tiền tuyến. Văn học Tuyên Quang từ năm 1954 đến 1975 chủ yếu do các tác giả từng công tác tại Tuyên Quang viết, tác giả là người Tuyên Quang tuy còn chưa khẳng định được tiếng vang trên văn đàn, những cũng đã có một số tác phẩm bước đầu gây được sự chú ý của công chúng. Đề tài chính được tập trung vào sáng tác là Bác Hồ, Tân Trào lịch sử và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tuyên Quang.

Văn học sáng tác về mảnh đất Tuyên Quang có nhiều tác phẩm có giá trị và tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của Tuyên Quang. Tiêu biểu trong văn học viết về Tuyên Quang các tác phẩm thơ: “Người Tân Trào của nhà thơ Nông Quốc Chấn; Về Tuyên  của nhà thơ Xuân Diệu…; về hồi kí, bút kí: Lên đường vũ trang  của tác giả Hoàng Văn Thái; Tân Trào - Mùa thu” của tác giả Song Hào; Những ngày đầu Bác ở Tân Trào” của tác giả Lương Thị Khanh...

Văn học Tuyên Quang trong 50 năm kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay (30/4/1975 - 30/4/2025) đã đạt được những thành tựu đáng kể. Văn học cách mạng Tuyên Quang đã có hàng trăm tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả đạt các giải thưởng cấp quốc gia và đặc biệt là đã có 02 tác phẩm xuất sắc giành được giải thưởng của các nước trong khu vực, đó là: “Đất cánh đồng Chum” (của nhà văn Trịnh Thanh Phong) và tác phẩm“Một rẻo Mê Kông” (của nhà văn Cao Xuân Thái) - Giải thưởng văn học 6 nước khu vực Sông Mê Kông(2)...

Đội ngũ các nhà văn, nhà thơ của tỉnh đã bám sát hiện thực, phát hiện các vấn đề của đời sống; chính vì vậy, văn học Tuyên Quang thời kỳ đổi mới đa dạng hơn về đề tài, phong phú hơn về nghệ thuật thể hiện đã có nhiều tác phẩm thành công về đề tài lịch sử, tinh thần yêu nước. Trong mảng đề tài về truyền thống lịch sử quê hương cách mạng Tuyên Quang“Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến” có các tác phẩm tiểu thuyết, kịch nói, ký sự như: “Những tháng ngày Việt Bắc”, Tân Trào rạng ngày Độc lập", “Tân Trào năm Ất Dậu”, “Về Tân Trào”, “Chuyến xuất ngoại của Cụ Hồ ở Tân Trào” của Nhà văn Phù Ninh đã đạt các giải thưởng có giá trị cao của Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng. Về đề tài về văn hoá dân tộc, miền núi, nông thôn và ca ngợi tình yêu đối với quê hương Tuyên Quang được nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác thành công, tiêu biểu có "Giấc mơ hạt thóc""Khi tôi lớn" (của nhà thơ Đinh Công Thủy); "Đêm trở giấc", "Dòng sông thời gian", “Đôi mắt đợi” (của nhà thơ Tạ Bá Hương); "Biển mặn" (của nhà văn Cao Xuân Thái). Các tác phẩm văn học Tuyên Quang đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tuyển chọn và tập hợp trong cuốn “Thơ văn Tuyên Quang” (Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2021) gồm 111 tác phẩm của 47 tác giả đã khẳng định Tuyên Quang có một lực lượng tác giả sáng tác tương đối lớn, từ lâu đã định hình về phong cách sáng tác, nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trên địa bàn tỉnh được các độc giả yêu văn học trong nước đón nhận và đánh giá cao, đặc biệt là những tác phẩm viết về Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến.

Từ chất liệu hiện thực của mảnh đất lịch sử cách mạng, giàu truyền thống văn hoá dân tộc, các tác giả đã tạo nên nhiều tác phẩm văn học đa dạng, phong phú về thể loại; tạo nên món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đặc biệt là dòng văn học cách mạng mang dấu ấn của những chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian tới, viết tiếp những trang lịch sử hào hùng của văn học cách mạng cả nước nói chung, văn học cách mạng Tuyên Quang nói riêng, đội ngũ văn nghệ sỹ Tuyên Quang sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng để sáng tác những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng để góp phần xây dựng hệ giá trị văn hoá Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam trong một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc !.

Hoàng Mai

----------------

  1. Theo cuốn “Đồng chí Tố Hữu với Tuyên Quang” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tuyên Quang biên soạn và xuất bản năm 2025.
  2. Theo Báo cáo số 563-BC/TU ngày 27/3/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Xem tin theo ngày:   / /