“Phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực" được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định là 01 trong 03 khâu đột phá. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành đã sớm đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc với quyết tâm cao, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân đồng tỉnh ủng hộ và tích cực triển khai tổ chức thực hiện.

Ảnh minh họa: Tất Thắng
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 16-NQ/TU, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, triển khai tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Trong đó, Tỉnh uỷ ban hành 02 chương trình, 02 nghị quyết, 01 kết luận, 01 kế hoạch; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 68 nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 37 quyết định và 21 kế hoạch trung hạn để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU.
Tỉnh tập trung phát triển, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh và một số nông sản có hiệu quả kinh tế của địa phương. Các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, gắn với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng theo hướng bền vững: Cam 5.294 ha; chè 8.192 ha; mía 2.559ha; lạc trên 4.500 ha... Chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường được mở rộng; nuôi cá lồng trên sông, trên hồ thủy điện được duy trì và ngày càng phát triển: toàn tỉnh có 15 trang trại chăn nuôi, 2.308 lồng nuôi cá, trong đó số lồng nuôi cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao chiếm 50% tổng số lồng nuôi; sản lượng cá đặc sản tăng bình quân 22%/năm. Bước đầu đã có trên 30 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; việc sản xuất hữu cơ được quan tâm phát triển, đã thành lập Hội nông nghiệp hữu cơ cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước; diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt (VietGAP, hữu cơ…) trên 3.900 ha, trong đó có 334 ha (cam, bưởi, chè, lúa) sản xuất hữu cơ.
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất ngành lâm nghiệp. Tập trung duy trì, phát triển diện tích rừng trồng phục vụ công nghiệp chế biến; Tuyên Quang trở thành tỉnh có ngành công nghiệp chế biến gỗ với dây chuyền công nghệ tiên tiến; sản phẩm giấy và bột giấy của Công ty Cổ phần giấy An Hòa; sản phẩm ván công nghiệp và sản phẩm đồ gỗ từ gỗ rừng trồng của Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; sản lượng gỗ rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng và diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững nằm trong tốp đầu của cả nước (diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu 187.413 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn 85.654 ha, rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 83.231 lượt ha).
Tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, công trình thủy lợi, cơ sở sản xuất giống… Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; giai đoạn 2016-2024, tổng vốn ngân sách đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 1.482 tỷ đồng; thu hút đầu tư 39 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản với số vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, đến nay có 28/39 dự án đưa vào sản xuất và đang triển khai thực hiện, trong đó có một số nhà đầu tư lớn, như: Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam; Cụm công nghiệp chế biến gỗ xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn do Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đầu tư; Công ty TNHH JW Nông sản (Hàn Quốc) tiêu thụ rau, củ quả; hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành liên kết sản xuất và tiêu thụ chế biến sản phẩm gia súc bò, dê, ngựa; Công ty cổ phần Hồ Toản, Vinamilk liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn...
Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất (hết năm 2024, toàn tỉnh có 80 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 45 doanh nghiệp so với năm 2015; có 452 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng 353 hợp tác xã so với năm 2015): Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã chú trọng đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình, đầu tư cải tiến dây truyền sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm với cơ cấu phù hợp theo nhu cầu thị trường, đã chủ động liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến; kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Kinh tế trang trại phát triển mạnh, nhiều trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả đã cung cấp ra thị trường sản phẩm với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt quan tâm trong khâu sản xuất giống; tích cực quảng bá, xúc tiến, giới thiệu, kết nối nông sản Tuyên Quang với các thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu; xây dựng được 18 điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, tạo được thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp từng bước được củng cố đổi mới theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh hoạt động sản xuất chế biến sâu sản phẩm nông sản, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, bước đầu đã lựa chọn 07 sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh... Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt kết quả tích cực, đến nay, toàn tỉnh có 275 sản phẩm xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 244 sản phẩm 3 sao, 30 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao), nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có sự phát triển rõ nét hơn, chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa, duy trì tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tăng bình quân 4,6%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước trên 3%); chất lượng sản phẩm nông nghiệp, vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng được nâng cao; các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục phát triển mạnh, giá trị hàng hoá chủ lực chiếm trên 70% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản; lâm nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững với trên 83.231 lượt ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (cao nhất cả nước); có 04 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (sản phẩm Giấy và bột giấy của Công ty Cổ phần giấy An Hòa; sản phẩm ván công nghiệp và sản phẩm đồ gỗ từ gỗ rừng trồng của Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang); thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên (năm 2024, thu nhập bình quân người dân nông thôn theo giá hiện hành đạt 3,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,1 lần so năm 2015) góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình và chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang xác định phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; phát huy lợi của địa phương để tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.., đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.
Hồng Hải