Ngày 10/12/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Sau hơn 6 năm nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, đến nay việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trên địa bàn tỉnh.
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ sau này. Nhận thức được tầm quan trọng đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Ngày 10/12/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 10 văn bản để lãnh đạo; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án huy động trẻ đi nhà trẻ và 38 văn bản chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phát triển giáo dục mầm non hằng năm, giai đoạn đảm bảo kịp thời, hiệu quả; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 28 nghị quyết về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh; trong đó có các nghị quyết chuyên đề có cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh tác động trực tiếp đến việc thực hiện Nghị quyết như: Quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ và mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh… Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nhà trẻ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhóm trẻ. Hệ thống trường, lớp học được củng cố, mở rộng, phát triển. Các cơ sở giáo dục mầm non chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác huy động trẻ ra lớp; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; nền nếp, kỷ cương trong các cơ sở giáo dục được củng cố, tăng cường.
Với sự nỗ lực, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp của các cấp ủy, chính quyền, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và sự đồng thuận cao của Nhân dân tham gia thực hiện chủ trương của tỉnh về công tác huy động trẻ đi nhà trẻ. Đến nay, 03/03 mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết đã đạt và vượt; trong đó tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 52,1% (tăng 32,4% so với thời điểm trước khi thực hiện Nghị quyết, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra là 2,1%), cao hơn tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ bình quân của cả nước. 100% trẻ đến trường được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo mục tiêu, chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; được kiểm tra định kỳ sức khỏe và theo dõi biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 10%. Toàn tỉnh có 152 trường mầm non (trong đó có: 148 trường công lập, 04 trường tư thục). 100% cấp xã có trường mầm non và huy động được trẻ trong độ tuổi huy động đi nhà trẻ. Tỷ lệ giáo viên trong biên chế được bố trí dạy các nhóm trẻ chiếm 78,95%. Tỷ lệ giáo viên/nhóm trẻ trung bình toàn tỉnh là 1,98; 100% giáo viên dạy các nhóm trẻ đạt chuẩn về trình độ đào tạo; đảm bảo đủ các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tại các trường mầm non, nhóm trẻ. Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 91,3%; số nhóm trẻ có từ 50% trở lên đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo quy định đạt tỷ lệ 80%...
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác xã hội hóa giáo dục đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tham gia công tác huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân, đã ủng hộ vật chất, kinh phí, nhất là công lao động để xây dựng cơ sở vật chất, trang cấp đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho các nhóm trẻ. Tổng kinh phí huy động từ các nguồn xã hội hóa cho giáo dục mầm non là trên 12.582,964 triệu đồng; ủng hộ 65.617 ngày công lao động; 21 hộ gia đình hiến 3.575m2 đất cho các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng trường lớp cho các cơ sở giáo dục mầm non.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang xác định tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển giáo dục mầm non. Kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt tạo điều kiện phát triển giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả trong triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non. Tiếp tục sắp xếp, bố trí điểm trường, lớp học phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ đến trường; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tạo nền móng để duy trì vững chắc thành quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc, chú trọng đến các trường ở vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang cấp đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học; tăng cường thực hiện ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục mầm non. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chủ trương huy động trẻ đi nhà trẻ. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các nguồn lực để chăm lo, củng cố, giữ vững và nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đáp ứng đúng, trúng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, phù hợp với thực trạng giáo dục mầm non của tỉnh và được các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ cao; tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ, tham gia tích cực trong quá trình thực hiện; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, tạo nền móng để duy trì vững chắc thành quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Phương Linh