Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển về mọi mặt, nhu cầu về giáo dục chất lượng cao ngày càng gia tăng. Bên cạnh hệ thống giáo dục công lập truyền thống, giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường tư thục, dân lập, quốc tế…) ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy sự công bằng trong tiếp cận cơ hội học tập.
Trong bức tranh tổng thể của ngành giáo dục Việt Nam, giáo dục ngoài công lập đang dần khẳng định vai trò là một thành tố quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đa dạng, linh hoạt, nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần thúc đẩy công bằng trong tiếp cận tri thức cho mọi tầng lớp nhân dân và trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục quốc dân. Những năm gần đây, giáo dục ngoài công lập không ngừng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Nhiều trường tư thục, dân lập và quốc tế đã và đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực chất lượng và tiên phong triển khai ứng dụng nhiều mô hình giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, mở rộng cơ hội tiếp cận và tạo ra nhiều lựa chọn học tập, giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo về mọi mặt; trong đó, có chủ trương phát triển giáo dục ngoài công lập. Đảng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào giáo dục để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tăng sự lựa chọn cho người học. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: “Phát triển mạnh mẽ hệ thống trường ngoài công lập, nhất là ở các thành phố lớn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển”. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập có chất lượng”.
.jpg)
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Quán triệt chủ trương của Đảng và hòa nhập cùng xu thế phát triển của giáo dục của cả nước. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm phát triển giáo dục ngoài công lập, góp phần đa dạng hình thức giáo dục và mở rộng sự lựa chọn cho Nhân dân trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập mới hoặc mở rộng quy mô đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập; trong đó có Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách khuyển khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tinh Tuyên Quang ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh với những chính sách mạnh mẽ có tác động tích cực đến việc phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân tổ chức như: hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng, lớp học, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, hỗ trợ một phần kinh phí chi trả lương cho giáo viên mầm non ngoài công lập… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 01 trường tiểu học, 60 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (trong đó có 04 trường mầm non và 56 cơ sở giáo dục mầm non). Các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy và học nhằm thu hút người học.
Phát triển giáo dục ngoài công lập không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu công bằng trong giáo dục, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục, không phân biệt hoàn cảnh, điều kiện; qua đó tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội phát triển bền vững và tiến bộ. Để hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển bền vững, ngoài các chủ trương, chính sách tạo điều kiện từ các cấp ủy, chính quyền; đòi hỏi sự tham gia đóng góp của các nguồn lực xã hội và khả năng tự chuyển mình của các cơ sở giáo dục ngoài công lập để chung tay xây dựng nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển.
Phương Linh