Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ban hành Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”, đồng thời “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Sự tôn vinh của UNESCO đã khẳng định những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là bản hùng ca, tấm gương mẫu mực, sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, đạo đức cách mạng, là nguồn cảm hứng, sự cổ vũ lớn lao đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và mọi thế hệ người Việt Nam.
Anh hùng giải phóng dân tộc
Ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Tất Thành đã ấp ủ khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Ngày 05/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi ấy mới 21 tuổi với lòng yêu nước thương dân sâu sắc, mang theo bao hoài bão, khát vọng, niềm tin của tuổi trẻ, đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường cứu nước, giải phóng Nhân dân khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Trải qua suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài đến khi trở về nước (1941), Người đã chứng kiến cuộc sống cùng khổ của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, về sự bạo tàn của chủ nghĩa đế quốc để từ đó càng trăn trở về vận mệnh của dân tộc.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Giữa năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị các nước đế quốc họp tại Versailles. Mặc dù Yêu sách chỉ nêu những yêu cầu tối thiểu trong khuôn khổ cải cách, nhưng đã không nhận được một lời phúc đáp. Từ thực tế ấy, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.
Tháng 7/1920, báo Nhân đạo (L’Humanite), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp công bố tác phẩm quan trọng của Lênin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Khi đọc Luận cương, Người đã rất xúc động, “vui mừng đến phát khóc lên”. Bởi từ đây, Người đã tìm thấy ánh sáng soi đường cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam. Người khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.
Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours. Tại Đại hội, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Thời khắc đó xuất hiện người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu sự kiện Người từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Lênin và quyết tâm bước theo ánh sáng tư tưởng Lênin.
Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã nhất tề đứng lên tạo thành cơn bão táp cách mạng, lật nhào ách thống trị của phát xít Nhật, giành lại quyền độc lập cho dân tộc. Lời kêu gọi “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra được thể hiện bằng tinh thần, ý thức tự chủ, tự lực, tự cường của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam thật vĩ đại. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất trong cống hiến của Hồ Chí Minh có thể tóm tắt như sau: Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với lý tưởng xã hội chủ nghĩa rồi với chủ nghĩa xã hội, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phát triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là một sáng tạo có giá trị đối với dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc thuộc thế giới thứ ba.”[1].
Nhà văn hóa kiệt xuất
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ giải phóng dân tộc, kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam, đưa ánh sáng văn hoá của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Và chính Người đã cùng Đảng ta dày công xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam. Nền văn hoá mới theo quan điểm Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều nội dung phong phú, rộng lớn, liên quan tới các vấn đề như ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường; chống chủ nghĩa cá nhân, luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. Người đã tạo cho văn hoá Việt Nam một cách nhìn mới, một quan niệm sống mới, một ý thức chính trị, đạo đức, pháp luật, văn hoá, nghệ thuật mới…chưa từng có trong lịch sử văn hoá Việt Nam.
Một trong những quan điểm nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa là: Người nêu rõ yêu cầu văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ... Người khẳng định văn hóa là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Văn hoá phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Văn hóa tạo sức mạnh vật chất, tinh thần thắng ngoại xâm theo tinh thần văn minh thắng bạo tàn.
Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát triển, nâng tầm văn hóa Việt Nam còn thể hiện trong việc Người đưa ra quan điểm về xây dựng một nền văn hóa mới với 5 điểm lớn định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa dân tộc: “1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4- Xây dựng chính trị: dân quyền. 5- Xây dựng kinh tế”[2].
Không chỉ để lại các quan điểm lý luận về lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa lớn với hoạt động thực tiễn phong phú, sống động. Bản thân Người là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Các tác phẩm của Người thể hiện khát vọng tự do, hòa bình, tình yêu thương vô bờ bến với Nhân dân lao động, vươn tới Chân - Thiện - Mỹ, mối quan hệ nhân văn, khoan dung giữa người với người… Theo Người, thơ phải có “thép”, nghĩa là phải có tinh thần chiến đấu, phải góp phần phục vụ sự nghiệp cách mạng:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”[3]
Trong văn hóa ứng xử, Hồ Chí Minh luôn luôn gần gũi với Nhân dân, với đồng chí, đồng bào và với bạn bè quốc tế: Người thấy rừng và thấy cả từng cây, không bỏ sót một ai cả. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, cho dù là người phụ bếp trên tàu viễn dương hay là một vị Chủ tịch nước, Người luôn là một người cộng sản mẫu mực, có cuộc sống giản dị. Suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống cuộc sống của người dân, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người dân, của dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Bác Hồ đều đến thăm, chúc Tết Nhân dân. Đó là gia đình thương binh, bệnh binh, công nhân, người gánh nước thuê,… Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh cực kỳ tinh tế, uyển chuyển, có lý, có tình, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Chính điều đó đã nhận được sự yêu mến của bạn bè năm châu, làm cho kẻ thù cũng phải khâm phục.
Khẳng định những giá trị cao quý trong sự nghiệp văn hóa và con người Hồ Chí Minh, Hélène Tourmaire, một nhà văn hóa và nhà báo phương Tây đã viết: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”. Hay như nhà thơ Xôviết Ôxíp Manđenxtam viết: “…ở người chiến sĩ cách mạng Việt Nam trẻ tuổi ấy tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”.
Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới, Người sẽ sống mãi trong trái tim của mọi người dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ, mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo./.
[1] Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb CTQG-Sự thật, H.2012, tr.182
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 458
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 424
Nguyễn Thanh Thủy