Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, hành động quyết liệt của chính quyền đến sự hưởng ứng tích cực của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và đội ngũ trí thức, Tuyên Quang đã có những bước tiến vững chắc, góp phần đưa khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở động lực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Phát huy vai trò nòng cốt về phát triển khoa học và công nghệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; ngày 19/9/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 989/QĐ-UBND về việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang (Liên hiệp Hội), đây là một bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị. Từ khi thành lập đến nay, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm đến công tác củng cố, kiện toàn, sắp xếp tinh gọn và phát triển tổ chức Liên hiệp Hội; cơ cấu Ban Chấp hành được chú trọng, đảm bảo sự tham gia của đại diện các hội thành viên, các ngành liên quan và đội ngũ trí thức có kinh nghiệm. Liên hiệp Hội đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát tôn chỉ, mục đích, giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của của đội ngũ trí thức và liên minh công nhân – nông dân – trí thức, góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đến nay, Liên hiệp Hội quy tụ 11 hội thành viên với trên 10.000 hội viên là những nhà khoa học, kỹ thuật và trí thức tâm huyết của tỉnh, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với đội ngũ trí thức. Từ năm 2015 đến năm nay, tỉnh đã đầu tư 9.654 triệu đồng cho hoạt động của Liên hiệp Hội và các hoạt động khoa học và công nghệ. Để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của khoa học, công nghệ và vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong phát triển kinh tế - xã hội, Liên hiệp Hội đã phối hợp tổ chức 230 buổi tập huấn, thực hiện trên 1.200 buổi tuyên truyền cho các thành viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân qua đó nâng cao uy tín và vị thế của Liên hiệp Hội trong cộng đồng.
Phát huy sức mạnh, vai trò đội ngũ trí thức
Cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn nhận thức sâu sắc vai trò then chốt của đội ngũ trí thức trong sự phát triển. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ trí thức như Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 và Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 06/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ... Đến nay, toàn tỉnh có 1.380 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ Thạc sĩ và chuyên khoa cấp I; 56 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trình độ Tiến sĩ và chuyên khoa cấp II; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 92,98% (2.519/2.709 người), tỷ lệ đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao cấp là 90,25% (2.445/2.709 người)... đến nay, tỉnh đã thu hút được 148 trí thức có trình độ cao về làm việc dài hạn và hỗ trợ 599 người đào tạo sau Đại học với số tiền trên 16 tỷ đồng; đã trao 174 giải thưởng về Khoa học công nghệ, đặc biệt đã tôn vinh danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" cho 15 cá nhân tiêu biểu của tỉnh… qua đó đã tạo động lực lớn cho đội ngũ đội ngũ trí thức trong lao động, học tập và cống hiến cho sự phát triển của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang trao tặng danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” cho các cá nhân
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực tăng trưởng và phát triển bền vững của tỉnh
Xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của Nhân dân và doanh nghiệp. Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 90-NQ/TU ngày 29/5/2023 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư; định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Chương trình hành động số 52-CTr/TU ngày 23/01/2024 thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Chương trình hành động số 70-CTr/TU ngày 20/02/2025 thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2065/QĐ-UBND lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là “Ngày Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang”… tỉnh đã ban hành 103 văn bản pháp quy về lĩnh vực khoa học và công nghệ, qua đó đã tạo thuận lợi cho sự tham gia của Liên hiệp Hội vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn… đây là những minh chứng rõ nét cho sự chủ động và tầm nhìn dài hạn của tỉnh đối với khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Tỉnh đã triển khai các giải pháp thực hiện công tác chuyển đổi số bảo đảm đồng bộ và toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; toàn tỉnh đã thành lập 1.868 Tổ Công nghệ số cộng đồng, phủ khắp 100% xã; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100% và 100% công chức trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã được gắn định danh số trong xử lý công việc... Từ năm 2015 đến nay, tỉnh cũng đã phê duyệt thực hiện 131 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 86 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và chuyển đổi số. Đã quan tâm thực hiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 412 sản phẩm, dịch vụ, trong đó có trên 80 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và 04 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương cho 18 dự án, đề tài (14 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, 03 đề tài cấp quốc gia và 01 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ) với tổng kinh phí 67,829 tỷ đồng…

Liên hiệp Hội tham gia Hội đồng đánh giá nghiệm thu Đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu nâng cao chất lượng mỹ thuật, kỹ thuật nhãn mác, bao bì, hộp đựng, túi đựng một số sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP của tỉnh Tuyên Quang"
Sau 15 năm nỗ lực, Tuyên Quang đã gặt hái được những thành quả quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị số 42. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, ý chí quyết tâm cao, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hiệu quả, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng, phát huy vai trò nòng cốt của Liên hiệp Hội và đội ngũ trí thức trong tỉnh… trong thời gian tới hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phong trào "Bình dân học vụ số" sẽ là động lực quan trọng trong xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, công dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Tuyên Quang hôm nay, đang cùng cả nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới một tương lai tươi sáng, vững tin đến năm 2045, sẽ trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Trần Văn Mạnh