Củng cố mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 5 năm 2025 - 07:06 Đã xem: 142

Trong học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản, mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là mối quan hệ gắn bó mật thiết. Đảng từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ. Vận dụng Học thuyết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng Nhân dân và quan tâm đến mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; củng cố mối quan hệ mật thiết ấy.

Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm tất cả mọi người dân thuộc các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, dân tộc, tôn giáo, miễn là có lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Đảng ra đời đã lãnh đạo Nhân dân làm cách mạng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân được thể hiện trước hết ở việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của Nhân dân. Mặc dù quan niệm về dân ở mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “nước lấy dân làm gốc”(1). Quan điểm này bắt nguồn từ truyền thống nhân văn, trọng nghĩa tình, đạo lý, yêu thương, quý trọng con người, biết gắn lợi ích chung với lợi ích riêng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, cùng đoàn kết chống thiên tai, địch họa của người Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, với trách nhiệm cầm quyền, Đảng đánh giá cao vai trò của Nhân dân thì Đảng phải chăm lo đến đời sống Nhân dân. Người chỉ dẫn: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi,  nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi´(2). Người quan niệm hễ còn một người Việt Nam bị áp bức, bóc lột thì Đảng chưa làm tròn nhiệm vụ. Đây thật sự là nét độc đáo trong quan niệm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền đối với Nhân dân, thể hiện ý thức trách nhiệm, lương tâm, xuất phát từ bản chất, mục đích, lý tưởng của Đảng cũng như bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân. Độc lập, tự do, hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của Nhân dân, cũng là nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ có một “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Người hiểu rõ: muốn thực hiện được hoài bão đó, phải dựa vào sức mạnh của Nhân dân. Chỉ có Nhân dân mới sáng tạo được cuộc đời mới cho chính mình.

Xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là thể hiện trách nhiệm của Đảng với Nhân dân. Trong bản Di chúc trước lúc đi xa, Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (4). Người cũng chỉ rõ: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”(5). Đảng ra đời, tồn tại không phải vì mục đích tự thân mà để phục vụ Nhân dân. Giành độc lập dân tộc là tiền đề để xây dựng xã hội mới, mang lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân.

Đảng là tổ chức chính trị gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, kính trọng. Sự ra đời và tồn tại của Đảng là do nhu cầu của xã hội, của Nhân dân. Quá trình lãnh đạo Nhân dân, Đảng luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đáp ứng yêu cầu lịch sử. Đảng luôn là đội quân tiên phong. Nhân dân luôn trung thành với Đảng.

Để giữ vững và phát huy mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân, trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân. Thường xuyên lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Kiên quyết khắc phục bệnh quan liêu, xa dân.

Thường xuyên vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng bằng mọi hình thức: tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng; đóng góp ý kiến với các tổ chức đảng trên tinh thần xây dựng; giới thiệu người ưu tú để Đảng xem xét kết nạp…

Tích cực nâng cao trình độ hiểu biết của từng cá nhân và xã hội, tham gia phong trào “học tập suốt đời”; học tập lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, “bình dân học vụ số”… để không bị lạc hậu, đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Gần gũi, kính trọng dân, tin yêu học hỏi dân, nâng cao trình độ giác ngộ cho dân. Những vấn đề dân đưa ra bàn bạc phải được xem xét, phân tích kỹ trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Không hoang mang trước những ý kiến trái chiều, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Có Nhân dân giúp sức, đồng tình ủng hộ sẽ tạo nên sức mạnh của Đảng. Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ lãnh đạo Nhân dân bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng văn minh, thịnh vượng./.

Nguyễn Nhung

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011 tập 5,tr 501
  2. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 9, tr 518
  3. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr 187
  4. ; (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd tập 15, 621-622

 

Xem tin theo ngày:   / /