Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ Hai, ngày 19 tháng 5 năm 2025 - 14:27 Đã xem: 167

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Những chỉ dẫn quý báu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tấm gương sáng ngời về đạo đức, phong cách của Người là tài sản vô giá của Đảng và Nhân dân ta, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta ra đời và trưởng thành trong lòng xã hội, do vậy cũng bị lây nhiễm những tật bệnh có trong xã hội. Để xứng đáng là Đảng cách mạng chân chính, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân, Đảng phải thường xuyên chăm lo, xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.

Trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng, năm 1927,  Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người đã đặt tư cách của một người cách mệnh lên hàng đầu, theo đó người cách mệnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ đạo chấn chỉnh những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ cương vị cao trong bộ máy chính quyền non trẻ. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17-10-1945, Người đã phê phán, răn đe, cảnh tỉnh một số căn bệnh của cán bộ nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy chính quyền các cấp, như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Đặc biệt, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Người xác định 12 chuẩn mực về tư cách của Đảng chân chính cách mạng và đúc kết, nhắc nhở: “Muốn cho Đảng được vững bền/Mười hai điều đó chớ quên điều nào”(1); nêu rõ phận sự của người đảng viên và cán bộ là: “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết... lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”(2); phải rèn luyện đạo đức cách mạng: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm....

Ngày 18-6-1968, phát biểu tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, để bàn về cách thực hiện xuất bản loại sách "Người tốt, việc tốt", Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (3). Đó là lời nhắc nhở các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, các cá nhân phải triệt để đấu tranh khắc phục tư tưởng sống thỏa mãn trong hào quang, chiến thắng của ngày hôm qua, phải luôn tiến về phía trước, đấu tranh loại trừ ra khỏi hàng ngũ của Đảng, bộ máy nhà nước những người “sa vào chủ nghĩa cá nhân” không còn đủ tư cách, tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân. Những năm tháng cuối đời, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người cũng đề ra những yêu cầu cơ bản về đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (4).

Trọn cuộc đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước Nhân dân. Đặc biệt là nêu gương về thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phong cách nêu gương thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, xuất phát từ lẽ sống tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, yêu thương con người.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, nhất là những nhiệm kỳ đại hội gần đây, Đảng ta luôn xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ngày 16-1-2012, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định nêu gương, Quy định những điều đảng viên không được làm….(5). Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với quyết tâm làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Đặc biệt, trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, Đại hội Đảng lần thứ XII đã quyết định tách nội dung "đạo đức" trong xây dựng Đảng về tư tưởng thành một thành tố riêng ngang tầm nhiệm vụ chiến lược với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên công tác xây dựng Đảng được xác định toàn diện với 5 phương diện: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ nhằm phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của tình hình thực tiễn.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/01/2025 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã tiếp tục thể hiện sự quyết liệt của Đảng ta trong việc đẩy lùi nguy cơ tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đồng thời tiếp tục kế thừa, vận dụng, phát huy những giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành niềm tin yêu, thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp cách mạng gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (6). 

Trên thực tế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và trong thời gian tới tiếp tục khẳng định những giá trị bền vững của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương của Người, Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục kiên định, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững bước trên con đường đổi mới, đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trọng tâm là xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời./.

Thu Trang

 

------------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.672

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622

(5) Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ…

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXb.Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.25

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 303 | Trang: 1 trên tổng số 31 trang  
Xem tin theo ngày:   / /