Lựa chọn Tân Trào - Tuyên Quang làm trung tâm căn cứ địa cách mạng để chỉ đạo cách mạng tháng Tám năm 1945 - Tầm nhìn chiến lược và tu duy kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Ba, ngày 20 tháng 5 năm 2025 - 14:57 Đã xem: 127

Mùa hè năm 1945, trước tình hình thế giới và trong nước ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam, thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã đến. Bác Hồ quyết định di chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Hành trình từ Pác Bó về Tân Trào thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy kiệt xuất và sự nhạy bén cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 28/01/1941, Bác Hồ về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Cao Bằng cùng với quá trình xây dựng lực lượng cách mạng, Bác Hồ và Trung ương Đảng rất quan tâm chỉ đạo là xây dựng căn cứ địa, với quan điểm nơi đó phải có phong trào cách mạng vững vàng; có địa thế hiểm yếu và được quần chúng ủng hộ; phải phát triển được lực lượng vũ trang; có chính quyền cách mạng của địa phương. Người cũng chỉ rõ: Cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang, Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận lợi làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài (1).

Năm 1945, tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đêm 09/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Pháp chống trả yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Ngay sau khi Chỉ thị ra đời, cao trào kháng Nhật cứu nước dâng lên mạnh mẽ, các cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, đặc biệt tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước đã đến gần, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận thấy phải gấp rút tìm địa bàn gần với Hà Nội và các tỉnh miền xuôi để thuận lợi chỉ đạo phong trào cách mạng. Sau khi lựa chọn địa điểm trong chặng đường tiếp theo của quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định về Tân Trào, Tuyên Quang làm căn cứ địa chuẩn bị mọi điều kiện cho một cuộc Tổng khởi nghĩa ghành chính quyền trong cả nước. Ngày 04/5/1945 Bác Hồ cùng đoàn cán bộ của Đảng xuất phát từ Pác Bó (Cao Bằng) đến ngày 21/5/1945 Đoàn về tới Tân Trào (Tuyên Quang). Từ đây, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang trở thành trung tâm căn cứ địa, Thủ đô Khu giải phóng nơi diễn ra sự kiện quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc. 

Việc lựa chọn Tân Trào - Tuyên Quang làm trung tâm căn cứ địa cách mạng không phải là sự lựa chọn tình cờ hay ngẫu nhiên mà là một sự tính toán kỹ lưỡng với tầm nhìn chiến lược của một một vị lãnh tụ thiên tài. Sở dĩ Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn Tân Trào (Tuyên Quang) làm trung tâm căn cứ địa của cách mạng Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa là căn cứ vào các yêu cầu khách quan, khoa học cần có đối với một căn cứ địa cách mạng.

Trước hết, Tuyên Quang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa vùng núi non trùng điệp, địa thế hiểm yếu, dễ cơ động, tiến có thể đánh, lui có thể giữ, có đường giao thông liên lạc thuận tiện, từ Tuyên Quang có thể dễ dàng lui về Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, sang Yên Bái, lên Hà Giang, khi Nam tiến cũng rất dễ dàng mở rộng xuống Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Trong đó, căn cứ cách mạng Tân Trào nằm ở phía đông bắc tỉnh Tuyên Quang, bao gồm  các xã liền kề thuộc ba huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa; giáp huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn về phía bắc; hai huyện Định Hóa và Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về phía đông. Căn cứ Tân Trào chia thành hai vùng: Vùng đông nam, được coi là vùng  trung tâm,  địa hình chủ yếu là đồi núi, núi đá lẫn núi đất. Vùng tây bắc, được xem là vùng vành đai, địa hình hiểm trở hơn, nhiều núi đá. Gần 90% diện tích căn cứ Tân Trào là rừng núi, xen giữa đồi núi là những thung lũng hẹp được khai phá thành ruộng cấy lúa  nước. Bao quanh căn cứ Tân Trào ở phía đông bắc có núi Khau Quế, Bản Lá; phía đông có Núi Hồng, phía tây có núi  Ba Xứ; phía nam là dãy Tam Đảo. Các dãy núi  nối liền nhau tạo nên một phòng tuyến tự nhiên. Phần lớn căn cứ Tân Trào nằm trong lư­u vực sông Phó Đáy với nhiều ngòi, khe, suối như ngòi  Lê, ngòi Thia, ngòi Nho, ngòi Khoắc, Khuôn Nếch, Khuôn Quy, Khuôn Pén, khe Cả, khe Bòng.

Nội địa căn cứ Tân Trào có hệ thống đ­ường xuyên rừng nối các làng bản với nhau và có thể đi về nhiều hướng. Ngược lên hướng bắc là đi Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng lên biên giới Việt - Trung. Phía đông, v­ượt các dãy núi cao tới các huyện Định Hóa, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên rồi xuôi về Bắc Giang, Bắc Ninh. Xuống phía nam, men chân núi Tam Đảo là đi tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội. Đi về hướng tây là sang Phú Thọ, Yên Bái. Giao thông tuy có gặp khó khăn như­ng cũng có thể cơ động linh hoạt. Cách trung tâm căn cứ về phía nam có đường quốc lộ 37 từ Bờ Đậu (Thái Nguyên) qua Đèo Khế, huyện lỵ Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang đi tỉnh Yên Bái. Một đư­ờng mòn từ huyện lỵ Sơn Dương theo bờ sông Phó Đáy, xuống huyện Lập Thạch, gặp quốc lộ 2 ở thành phố Vĩnh Yên. Hai con đường có khả năng cơ động lực l­ượng tác chiến khi có chiến tranh. Nhìn chung, căn cứ Tân Trào “ nội đô” của Khu Giải phóng là vùng địa lợi.

Thứ hai, Tuyên Quang là nơi có cơ sở cách mạng sớm, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh của nhân dân Tuyên Quang chống chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến tay sai phát triển mạnh mẽ. Trước yêu cầu của giai đoạn mới của cách mạng, ngày 20/3/1940, Chi bộ Mỏ Than được thành lập, đưa phong trào đấu tranh của nhân dân Tuyên Quang hòa vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ sở cách mạng, các phong trào quần chúng đã được xây dựng ở nhiều xã thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và thị xã Tuyên Quang,....

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, đòi hỏi tổ chức và chỉ huy chặt chẽ, ngày 18/2/1944, Hội nghị cán bộ chiến khu Hoàng Hoa Thám (Hội nghị Khuổi Kịch) họp tại Tân Trào quyết định chia chiến khu Hoàng Hoa Thám thành hai Phân khu: Phân khu Quang Trung (Phân khu A), Phân khu Nguyễn Huệ (Phân khu B). Dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ, những cuộc mít tinh, biểu tình nhằm biểu dương lực lượng, tập dượt cho quần chúng chuẩn bị tổng khởi nghĩa diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Ngày 10/3/1945, Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã quyết định phát động khởi nghĩa Thanh La và nhanh chóng giành được thắng lợi. Thắng lợi của khởi nghĩa Thanh  La tạo bước ngoặt hết sức quan trọng: Giải phóng huyện lỵ Sơn Dương và các xã trong vùng; ra đời chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cả nước; khí thế quần chúng lên cao; lực lượng vũ trang cách mạng thu hút nhiều thanh niên tham gia. Khởi nghĩa Thanh La là biểu hiện rõ rệt của nhất tiến trình khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa.  

 Phát huy thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La, Cứu quốc quân, các đội tự vệ tỏa đi các hướng hỗ trợ, lãnh đạo nhân dân đứng lên  giành chính quyền, mở rộng vùng giải phóng. Tháng 5/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng  lâm thời được thành lập ở các châu, huyện: Chiêm Hóa (12/5/1945), Yên Sơn (12/5/1945), Sơn Dương (15/5/1945), Hàm Yên (15/5/1945) (2)… đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng Tuyên Quang.

Là địa phương có địa hình thuận lợi, nhân dân có truyền thống đoàn kết, yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng. Tuyên Quang có lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang mạnh, phong trào cách mạng sâu rộng, có vùng giải phóng gồm nhiều huyện, có căn cứ địa cách mạng vững chắc, có cơ sở cách mạng được xây dựng từ sớm. Do vậy, Tuyên Quang trở thành vành đai vững chắc cho cách mạng, đây là một trong những nhân tố để Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, Tuyên Quang là nơi có điều kiện thuận lợi để tự cấp, tự túc lương thực, chuẩn bị và đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho lực lượng cách mạng. Tuyên Quang là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều sông suối, lớn nhất là sông Lô và sông Gâm, ngoài ra còn có các con sông nhỏ như: Sông Năng (Na Hang), sông Phó Đáy (Sơn Dương) cùng hàng trăm ngòi lạch tạo thành một mạng lưới sông ngòi dày đặc, là nguồn thủy sinh quan trọng của nhân dân trong tỉnh. Phía Nam của tỉnh là vùng đồi núi thấp và các bãi rộng màu mỡ cùng các thung lũng lớn, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân và đáp ứng được nhu cầu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ cách mạng. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi và truyền thống yêu nước, đức tính cần cù, lòng dũng cảm, sự sáng tạo trong lao động, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã biến những đầm lầy, gò bãi rậm rạp thành những tràn ruộng, ao hồ... để  phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

Từ Tân Trào - Trung tâm căn cứ đại cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Bác Hồ đã được nhanh chóng đưa vào thực tế, trở thành những chủ trương lớn để dẫn dắt cách mạng đi đến thành công. Ngày 4/6/1945, tại Tân Trào, Tng b Vit Minh tuyên b chính thc thành lp Khu gii phóng Việt Bắc để làm căn cứ địa chung cho cả nước, ly Tân Trào làm trung tâm, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Sau khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, đêm 13/8/1945, Đảng ta đã kịp thời thành lập Uỷ ban khởi nghĩa và ra Quân lệnh số 1, khẳng định: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”(3), với tinh thần “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (4). Ngày 14 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng tổ chức tại Tân Trào. Hội nghị quyết định: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa, đề ra những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong công tác đối nội, đối ngoại sẽ thi hành sau khi giành chính quyền. Ngày 16 đến ngày 17/8/1945, Quốc dân Đại hội khai mạc tại đình Tân Trào, nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, lập ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định Quốc ca, Quốc kỳ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi từ Tân Trào, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy làm nên thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Năm tháng trôi qua, nhưng những dấu ấn của những ngày đầu tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám vang dậy con sông và cuộc kháng chiến thần thánh, oanh liệt vẫn mãi còn ghi nơi đây, cùng với “mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào” và bao di tích lịch sử cách mạng khác, như lán Nà Nưa, đình Thanh La, Hang Bòng, Thác Dẫng… mãi không phai mờ trong ký ức của các thế hệ người Việt Nam và trong trang sử chói ngời của dân tộc.

Sự kiện Bác Hồ rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) chọn đây làm trung tâm căn cứ địa của cả nước là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, phản ánh tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, đáp ứng kịp thời đòi hỏi khách quan và phong trào cách mạng trong cả nước. Quyết định này không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn cho cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng căn cứ địa cách mạng, đó là: Bài học về dự báo nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về xác định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công… Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

Nguyễn Đức

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (4). Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.

(2). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940- 1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

(3). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.

Xem tin theo ngày:   / /