Bước vào năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ở trong nước, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phong trào kháng Nhật, cứu nước trong cả nước phát triển mạnh mẽ thành cao trào, các cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, trong đó có Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên,… Trên thế giới, ngày 09/5/1945, phát xít Đức bại trận tại chiến trường Châu Âu. Ở Châu Á, phát xít Nhật cũng đang bị dồn vào thế chân tường. Tình hình trong nước và thế giới đang có những biến động lớn, mở ra những vận hội mới cho cách mạng Việt Nam. Trước tình hình đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh lúc này đang ở Côn Minh (Trung Quốc) bàn bạc kế hoạch hợp tác chống Nhật với đại diện quân Đồng minh đã lập tức về nước, sau đó quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang).
Xuất phát từ Cao Bằng vào ngày 04/5/1945, xuyên rừng vượt suối, vượt quãng đường rừng núi quanh co dài gần 400km, qua 10 huyện thuộc 3 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang), ngày 21/5/1945, Bác Hồ đã về đến xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Kể từ đây, Tân Trào - đã chứng kiến những năm tháng hào hùng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tại Tân Trào, sau khi nghe đồng chí Trường Chinh từ dưới xuôi lên báo cáo về nội dung bản Chỉ thị ngày 12/3/1945 của Thường vụ Trung ương và nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về kết quả Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ, Bác Hồ đã chỉ thị cần phải triển khai: Thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang lấy tên chung là Quân giải phóng, triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu và mở trường đào tạo cán bộ. Chấp hành chỉ thị của Bác Hồ, đầu tháng 6/1945 Trường quân chính kháng Nhật khai giảng khóa đầu tiên ở Khuổi Kịch; ngày 4/6/1945, Hội nghị cán bộ được triệu tập, quyết định thành lập Khu giải phóng bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên với trung tâm căn cứ địa là Tân Trào.
Với vai trò trung tâm căn cứ địa, Thủ đô của Khu giải phóng, Tân Trào là địa phương đầu tiên vinh dự được chọn làm nơi xây dựng chế độ mới, triển khai thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Phát hiện ra sự nguy hiểm từ đại bản doanh của Việt Minh ở Tân Trào, cuối tháng 6/1945, quân Nhật tập trung một lực lượng lớn mở cuộc tiến công vào đây. Trước tình hình đó, nhất là trong bối cảnh lực lượng không cân sức, một số ý kiến đề nghị nên chuyển đại bản doanh của Bác Hồ vào sâu trong rừng để bảo đảm an toàn, nhưng Người đã không đồng ý vì Người tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân địa phương ở đây. Chấp hành chỉ thị của Bác, lực lượng Giải phóng quân làm nòng cốt cùng quần chúng nhân dân kịp thời triển khai thế trận, tổ chức chiến đấu bẻ gãy cuộc tiến công của quân Nhật, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của Đảng và Bác Hồ.
Tại Tân Trào đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao của Bác Hồ và Trung ương Đảng, trung tuần tháng 7/1945 tại Lũng Cò (Minh Thanh), Bác Hồ chỉ đạo xây dựng một sân bay dã chiến để đón nhóm người Mỹ trong Đội “Con Nai” thuộc lực lượng quân Đồng minh nhảy dù xuống Tân Trào để huấn luyện cho Việt Minh sử dụng các loại vũ khí, trang bị mà quân đội Đồng minh giúp Việt Minh đánh quân Nhật. Dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, lần đầu tiên một Đại đội Việt-Mỹ với quân số hơn 200 người do đồng chí Đàm Quang Trung và một sỹ quan người Mỹ - Thiếu tá Thomas- chỉ huy đã ra đời ngay tại Thủ đô Khu giải phóng Tân Trào.
Cuối tháng 7/1945, giữa lúc tình hình đang diễn biến hết sức sôi động thì Hồ Chí Minh bị ốm nặng. Tỉnh lại giữa hai cơn sốt mê man, tại căn lán Nà Nưa đơn sơ, Người đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập. Câu nói vừa thể hiện quyết tâm của vị lãnh tụ kính yêu; đồng thời là một chỉ thị lịch sử mang tầm chiến lược trước thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước đã thực sự chín muồi.
Sau khi Hồng quân Liên Xô mở mặt trận Viễn Đông tiến công đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu, cuộc chiến tranh Châu Á-Thái Bình Dương đang dần đi vào hồi kết; ở trong nước, một cao trào kháng Nhật, cứu nước bùng lên mạnh mẽ và lan rộng khắp nơi. Trước thời cơ thuận lợi “có một không hai” đó, mặc dù đang rất mệt, lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị phải triệu tập ngay Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân. Từ ngày 14 đến 15/8/1945, tại Tân Trào đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Từ Tân Trào, Ủy ban khởi nghĩa đã phát đi bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Tuy sức khỏe còn rất yếu, nhưng ngày kết thúc Hội nghị quan trọng này, Bác Hồ vẫn gắng gượng để đến dự. Người không quên nhắc Hội nghị nên kết thúc sớm để các đại biểu kịp trở về địa phương sớm để lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa.
Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa bế mạc thì ngay ngày hôm sau, từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945 tại đình Tân Trào đã diễn ra Đại hội quốc dân. Đại hội đã thông qua chủ trương của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thống nhất quốc kỳ, quốc ca... Dưới mái đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Lời tuyên thệ, đồng thời phát đi lời kêu gọi quốc dân Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Trong thời khắc quyết định vận mệnh của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với phái bộ Đồng minh ở Trung Quốc. Nhân danh Ủy ban dân tộc giải phóng - Mặt trận Việt Minh, Người gửi thư sang Côn Minh, thông qua những người bạn Mỹ, nhờ Chính phủ Hoa Kỳ chuyển thông điệp tới Liên hợp quốc, tới các nước Đồng minh, trong đó có Chính phủ Pháp bày tỏ khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, thể hiện quyết tâm cũng như tỏ rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam. Người cũng gửi thư cho những người bạn Mỹ đã giúp đỡ Người trong thời gian ở Trung Quốc, cũng như từ khi trở về Việt Nam...
Từ Tân Trào, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ xuất phát, tiến về phía nam giải phóng thị xã Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân khắp mọi miền đất nước đã đứng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chỉ trong vòng hai tuần, tổng khởi nghĩa đã diễn ra và thành công trên toàn quốc. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời Tân Trào trở về Hà Nội khép lại 92 ngày đêm đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với đồng bào các dân tộc nơi đây. Tân Trào -Thủ đô Khu giải phóng, không chỉ là nơi nơi ra đời những chủ trương quan trọng quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, mà còn gắn liền với những năm tháng hoạt động sôi động và hết sức vẻ vang của Bác Hồ kính yêu.
Nguyễn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
2. Tỉnh ủy Tuyên Quang - Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản: Tuyên Quang Thủ đô Khu Giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới đất nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2025.
3. Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Lịch sử Khu căn cứ cách mạng Tân Trào (1941-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.