Nền tảng tư tưởng của Đảng - “Kim chỉ nam” cho hành động
Với nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với các chiến thắng vang dội, như Điện Biên Phủ (năm 1954), Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30-4-1975). Với tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo, đưa đất nước Việt Nam từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá vươn lên trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.700USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao(1). Những thành tựu đó minh chứng cho tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn lựa. Hiện nay, Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về vai trò chủ động và tinh thần trách nhiệm. Với độ mở của nền kinh tế thuộc những nước hàng đầu thế giới, Việt Nam đồng thời khẳng định vị thế của một quốc gia không chỉ phát triển kinh tế, mà còn giữ vững bản sắc dân tộc. Những thành tựu này là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng lòng, chung sức của toàn dân tộc dựa trên nền tảng tư tưởng vững chắc là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là “kim chỉ nam”, vừa tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động.
Theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chiến lược, sống còn. Bởi lẽ, đó không chỉ là cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào con đường phát triển đất nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tham quan gian trưng bày tại Hội Báo toàn quốc 2025 _Nguồn: nhandan.vn
Thách thức đang đặt ra
Cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa bao giờ khốc liệt như trong kỷ nguyên số hiện nay. Không gian mạng, vốn là thành tựu vĩ đại của nhân loại, giờ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng biến thành “trận địa mới” để lan truyền các luận điệu chống phá, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, gieo rắc hoài nghi trong quần chúng nhân dân, đòi đa nguyên, đa đảng, hòng lật đổ chế độ. Thách thức này không chỉ đòi hỏi người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội thận trọng, nâng cao cảnh giác, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về một chiến lược phản ứng toàn diện của cả hệ thống chính trị; trong đó, báo chí đóng vai trò tiên phong.
Sự nguy hiểm của thông tin xấu, độc trong không gian số không chỉ nằm ở tốc độ lan truyền, mà còn ở khả năng tấn công vào các nhóm đối tượng và lĩnh vực nhạy cảm, gây ra hệ lụy sâu rộng đến nhận thức, niềm tin và sự ổn định xã hội. Giới trẻ - lực lượng chiếm đa số trên mạng xã hội là nhóm đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung sai lệch do thói quen tiếp nhận thông tin nhanh và dễ bị cuốn theo các trào lưu, nhất là với người chưa vững vàng trong nhận thức chính trị. Các thế lực thù địch, phản động đã tung ra hàng chục nghìn bài viết và video liên quan trên Facebook và YouTube. Với nông dân, các luận điệu xuyên tạc về chính sách đất đai là “điểm nóng” mà các thế lực thù địch thường tập trung khai thác. Chẳng hạn, vào tháng 3-2024, một bài viết giả mạo trên Facebook lan truyền thông tin rằng, “Chính phủ thu hồi đất nông nghiệp để bán cho nước ngoài” đã gây hoang mang cho nhiều người dân tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, dẫn đến tụ tập đông người trước khi cơ quan chức năng kịp làm sáng tỏ. Các tin giả không chỉ kích động bất ổn ở khu vực nông thôn, mà còn làm suy giảm sự đồng thuận xã hội - nền tảng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng ta đã dày công xây dựng. Đối với giới trí thức, các tổ chức phản động thường nhắm vào bằng cách lan truyền thông tin về “đa nguyên, đa đảng” hoặc xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng. Một ví dụ điển hình là chiến dịch trên Twitter (X) vào giữa năm 2024, khi một số tài khoản giả mạo học giả Việt Nam đăng tải bài viết kêu gọi “tự do hóa chính trị”, thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ từ các nhóm trí thức trước khi bị phát hiện và ngăn chặn. Các luận điệu này gây hoang mang về định hướng phát triển đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Ngoài ra, các thế lực thù địch, phản động còn tấn công trực tiếp vào lĩnh vực nhạy cảm, đe dọa an ninh quốc gia và niềm tin của nhân dân. Trong lĩnh vực kinh tế, đầu năm 2025, một chiến dịch tin giả về “khủng hoảng kinh tế” được tung lên mạng xã hội, kèm theo hình ảnh giả mạo lãnh đạo cấp cao thừa nhận “thất bại chính sách”. Chỉ trong vài giờ, thông tin này đã lan truyền trên TikTok và Facebook, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, dù tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 rất tích cực, là điểm sáng trên thế giới (7,05%). Trong lĩnh vực tôn giáo, chiến dịch vu khống “Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo”(?!) vào năm 2023 đã có hàng chục nghìn bài viết và video liên quan xuất hiện trên Facebook và YouTube, thu hút hàng triệu lượt xem trước khi bị gỡ bỏ. Đến năm 2024, nội dung tương tự vẫn tiếp tục xuất hiện, trong khi Việt Nam được Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế công nhận về tự do tín ngưỡng. Trong lĩnh vực quốc phòng, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam, lan truyền tin giả, như “quân đội bị thao túng bởi nước ngoài”(?!) hoặc “Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là dàn dựng”(?!). Một đoạn video sử dụng công nghệ deepfake giả mạo phát biểu của một tướng lĩnh quân đội, đăng tải trên YouTube vào cuối năm 2024. Nội dung này không chỉ bôi nhọ lịch sử, mà còn làm suy yếu mối quan hệ gắn bó máu thịt, mật thiết giữa quân đội và nhân dân - một trong những trụ cột bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bên cạnh đó, sự lan truyền với tốc độ chóng mặt của thông tin trên không gian mạng là minh chứng rõ ràng cho mức độ phức tạp ngày càng tăng trong kỷ nguyên số. Nếu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947 - 1991), các luận điệu sai trái, thù địch thường được phát tán qua đài phát thanh nước ngoài hay dưới dạng tài liệu từ các tổ chức phản động lưu vong, thì nay với sự bùng nổ của mạng xã hội, một bài viết sai sự thật hay video xuyên tạc chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể tiếp cận hàng triệu người trong tích tắc. Sự tinh vi của các thế lực thù địch, phản động không chỉ dừng ở việc tận dụng mạng xã hội, mà còn nằm ở việc ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra nội dung giả mạo và lan truyền với tốc độ chóng mặt, để lại hậu quả khó lường về mặt nhận thức và niềm tin trong nhân dân. Trong khi đó, truyền thông chính thống lại đang đối mặt với khó khăn, bất cập trong việc phản ứng với các cuộc tấn công thông tin. Khi một tin giả lan truyền với tốc độ khó kiểm soát trên mạng xã hội, thì bài viết phản bác chính thống thường xuất hiện muộn hơn.
Trước thách thức từ không gian số và sự chống phá tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, yêu cầu đối với báo chí không chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề kỹ thuật, mà còn là bài toán mang tính chiến lược.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện _Ảnh: TTXVN
Vai trò quan trọng của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Hành trình 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, từ tờ Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 đến nền tảng đa phương tiện hiện đại ngày nay, cho thấy sức mạnh của báo chí cách mạng không ngừng được tôi rèn qua thời gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động ra sức khai thác không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với cách thức tinh vi, báo chí cách mạng không thể chỉ dừng lại ở vai trò phản ứng trước tin giả, mà cần tiên phong định hướng dư luận, kiến tạo dòng chảy thông tin tích cực để ngăn chặn các luận điệu sai trái ngay từ khi mới manh nha, phản bác sắc bén các luận điệu sai trái và củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Để làm được điều này, báo chí cần triển khai đồng bộ giải pháp chiến lược, vừa phản bác kịp thời, vừa chủ động phản ánh và định hướng dư luận xã hội.
Trước hết, báo chí cần tiên phong xây dựng chiến dịch tuyên truyền tích cực, chiếm lĩnh không gian số bằng nội dung hấp dẫn, chính xác và mang tính định hướng cao. Không chỉ tập trung phản bác tin giả sau khi được lan truyền, báo chí cần tiếp tục chủ động sản xuất nội dung về thành tựu cách mạng, lịch sử dân tộc và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để lấp đầy “khoảng trống thông tin” - nơi các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng để gieo rắc luận điệu xuyên tạc. Như Báo Nhân Dân đã tiên phong đẩy mạnh tuyên truyền về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” từ thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nội dung này được Báo Nhân Dân lan tỏa qua các kênh số chính thức, như nhandan.vn và fanpage Facebook “Báo Nhân Dân” (facebook.com/baonhandan), đạt hơn 150.000 lượt tiếp cận trong vòng 48 giờ sau khi đăng tải (số liệu thống kê ngày 25-11-2024). Chiến dịch tuyên truyền này đã góp phần định hướng dư luận tích cực trước thềm Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vào cuối năm 2024, khẳng định vai trò chủ động của báo chí trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai, báo chí cần chú trọng đổi mới phương thức tuyên truyền, đa dạng hóa loại hình báo chí và kênh phân phối nội dung để phù hợp với yêu cầu của thời đại số. Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, nhấn mạnh yêu cầu “kết hợp giữa truyền thống và hiện đại” để định hướng dư luận. Thực tế, thời gian qua một số cơ quan báo chí chủ lực đã tiên phong ứng dụng công nghệ. Đáng chú ý, một số cơ quan báo chí đã triển khai hệ thống phân tích dữ liệu lớn (big data) để phát hiện sớm xu hướng thông tin sai lệch, giúp giảm 20% thời gian phản ứng so với trước đây. Có cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động theo dõi từ khóa nhạy cảm trên mạng xã hội, kịp thời đưa ra phản bác trước khi tin giả lan rộng.
Trong khi các thế lực thù địch, phản động dùng video ngắn, ảnh “bắt mắt” để thu hút giới trẻ, báo chí không thể mãi “đóng khung” trong bài viết theo kiểu truyền thống, mà cần đa dạng hóa cách thức thể hiện cũng như cách thức tiếp cận công chúng. Cụ thể, báo chí cần sáng tạo trong cách tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ gần gũi, hình thức thể hiện sinh động để thu hút độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Báo chí cần tận dụng các nền tảng số, như mạng xã hội, ứng dụng di động để đưa thông tin chính thống đến gần hơn với công chúng; giảm tác động tiêu cực của các hình thức truyền bá thông tin không chính thống. Thời gian qua, Báo Nhân Dân đã chú trọng sản xuất loạt video ngắn đăng tải trên TikTok về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thu hút rất đông người xem, trong đó chủ yếu là người trẻ. Trong đợt tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Nhân Dân đã tổ chức chuyên trang bao gồm 6 chuyên mục: Tin tức; Diễn tiến chiến dịch; Dư luận quốc tế; Điện Biên hôm nay; Hỏi đáp về chiến dịch Điện Biên Phủ; Multimedia. Đáng chú ý tại chuyên mục Hỏi đáp về chiến dịch Điện Biên Phủ, tư liệu lịch sử được thiết kế dưới dạng Quiz tương tác, từ mỗi câu hỏi sẽ kết nối với một câu chuyện lịch sử cung cấp thông tin ngắn gọn, thú vị, dễ hiểu, dễ nhớ nên đã thu hút được lượt xem và tương tác cao của bạn đọc, góp phần định hướng nhận thức lịch sử cho độc giả trước các luận điệu xuyên tạc trên mạng xã hội. Thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025, Báo Nhân Dân đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên nền tảng số, góp phần chiếm lĩnh “trận địa” thông tin, định hướng dư luận, nhân lên niềm tự hào dân tộc trong cộng đồng. Tiêu biểu có thể kể đến dự án “Yêu lắm Việt Nam” với ý tưởng “non sông liền một dải, kết nối mọi miền bằng du lịch”; hay việc phủ sóng tin tức của Báo Nhân Dân trên các ứng dụng VNeID, Momo và FPT Long Châu,... Đây là minh chứng cho việc khi đổi mới nội dung cùng với việc tận dụng tốt công nghệ, báo chí có thể vượt lên, làm tốt công tác phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa báo chí và các cơ quan chức năng. Một hệ thống cảnh báo sớm, kết nối báo chí với cơ quan có thẩm quyền có thể giúp phát hiện và ngăn chặn thông tin xấu ngay từ khi vừa xuất hiện. Năm 2024, nhờ sự phối hợp này, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube với tỷ lệ 91%. Nếu hệ thống này được nâng cấp, tích hợp với các tòa soạn báo lớn thì có thể rút ngắn 30% thời gian phản ứng; từ đó, hạn chế tối đa tác động của tin giả trước khi chúng kịp tiêm nhiễm vào nhận thức của một bộ phận công chúng.
Thứ tư, nâng cao năng lực và bản lĩnh của đội ngũ nhà báo là giải pháp cốt lõi. Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 yêu cầu nhà báo giữ vững lập trường chính trị, đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm. Một số người làm báo vẫn còn yếu kém về nhận thức, không thường xuyên trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị dẫn đến tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo kẽ hở cho đối tượng phản động khai thác, lợi dụng. Do đó, bên cạnh việc phát huy tính chủ động của mỗi cá nhân người làm báo, cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp cần thường xuyên tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu về lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phản biện. Đồng thời, việc bồi dưỡng, đào tạo nhà báo có kỹ năng phân tích dữ liệu và sản xuất nội dung số cũng hết sức quan trọng. Người làm báo hiện đại không chỉ cần ngòi bút sắc sảo, mà còn phải thành thạo công nghệ, từ phân tích big data đến chỉnh sửa video, để đáp ứng nhịp độ nhanh của thời đại.
Cuối cùng, chú trọng nâng cao nhận thức chính trị cho công chúng trước sự chống phá tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, góp phần tạo “lá chắn” bền vững để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí cần phối hợp với hệ thống giáo dục và tổ chức xã hội, đề ra các hình thức tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng. Nếu có thể tổ chức tốt chiến dịch nhận diện tin giả thì sẽ giúp công chúng có kỹ năng phân biệt thông tin chính thống và luận điệu xuyên tạc; từ đó, tự tạo khả năng “miễn dịch” về tư tưởng, như vậy các thế lực thù địch, phản động sẽ khó lòng gieo rắc hoài nghi, đầu độc bằng thông tin gây hại.
Các giải pháp trên, nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ giúp báo chí không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu về việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, mà còn là lực lượng tiên phong, đủ sức làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch, phản động trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, hùng cường, tự tin tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Theo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam/tapchicongsan.vn
--------------------------
(1) Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 5-5-2025