Là dân tộc chiếm số đông trong 22 dân tộc sinh sống ở Tuyên Quang, người Sán Dìu vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Và một trong những nét văn hóa truyền thống không thể không nhắc tới ấy là trang phục truyền thống.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Dìu gồm có: khăn đội đầu, áo dài, áo ngắn, váy, yếm, thắt lưng và xà cạp. Tuy nhiên, nét riêng làm nên sự khác biệt giữa trang phục của người Sán Dìu với các dân tộc khác là chiếc váy. Ở nước ta, nhiều phụ nữ dân tộc mặc váy nhưng không có dân tộc nào có kiểu váy độc đáo như phụ nữ Sán Dìu. Đó là kiểu váy không khâu, gồm có hai hoặc bốn mảnh vải cùng đính trên một cạp; mảnh này chồng lên mảnh kia khoảng 10-15cm. Nếu là váy hai mảnh thì mỗi mảnh có từ ba đến bốn tấm nhỏ can lại với nhau thành một tấm rộng. Khi mặc váy tạo thành hai khe hở dọc theo bên chân. Kiểu váy này khiến người phụ nữ Sán Dìu trông quyến rũ, hấp dẫn.
Người Sán Dìu ở Tuyên Quang vẫn gìn giữ trang phục truyền thống
Nếu chiếc váy làm nên sự khác biệt cho người phụ nữ thì chiếc túi đựng trầu đeo bên thắt lưng chính là vật làm duyên của phụ nữ Sán Dìu. Chiếc túi đựng trầu (loi thoi) hình múi bưởi, được may và thêu thùa rất công phu thể hiện sự khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ của chị em. Túi thêu bằng chỉ màu, được luồn từ bốn đến tám sợi dây tết bằng chỉ nhiều màu. Đầu dây tết nút và có tua dài đeo một chuỗi xu đồng để vắt qua vai ra sau lưng giữ lấy túi trầu. Bên cạnh túi trầu còn phải kể tới con dao cau với cái vỏ gỗ được chạm khắc rất công phu, luôn đeo bên thắt lưng vào những dịp lễ tết, hội hè.
Tuy nhiên, bên cạnh những phụ kiện làm nên sự khác biệt để không lẫn với bất cứ dân tộc nào, thì người Sán Dìu cũng rất chú trọng đến kiểu dáng, trong đó chiếc áo chính là điểm nhấn tôn thêm sự duyên dáng và trang nhã cho phụ nữ Sán Dìu. Áo dài thường mặc thành từng cặp. Riêng áo dài, áo bên ngoài bao giờ cũng làm màu chàm, còn áo bên trong có thể là màu trắng. Áo dài được cắt theo kiểu tứ thân, cổ cao, nẹp trơn, không đính khuy, bên trong táp bằng vải màu trắng, để khi mặc thì lộn ra phía ngoài. Cách mặc áo cũng có sự khác biệt giữa các lứa tuổi, người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, còn người trẻ thì ngược lại. Riêng phụ nữ nuôi con nhỏ thường mặc áo ngắn cắt theo kiểu áo năm thân nhưng không có khuy, chỉ đính dải để buộc để thuận tiện cho việc nuôi dưỡng con cái. Ngoài ra, phụ nữ Sán Dìu sử dụng chiếc thắt lưng màu tím, đỏ, hoa lý hoặc có hoa văn trang trí nhiều màu để làm nổi bật trang phục truyền thống.
Bên cạnh đó, nhằm tôn lên vẻ đẹp, phụ nữ Sán Dìu vấn tóc và đội khăn vuông màu đen, ở bốn góc khăn có trang trí hoa văn ghép vải màu và có các tua vải, khi đội người ta buộc hai tua vải lên đỉnh đầu. Tuy nhiên, hiên nay cách vấn khăn đã thay đổi ít nhiều, đó là vấn tóc trần, cắt ngắn ngang vai, tết đuôi sam hay kẹp đằng sau gáy.
Phụ nữ Sán Dìu rất tinh tế trong việc sử dụng các đồ trang sức. Khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, xà tích được thiết kế đơn giản, hài hòa với tổng thể trang phục.
Hiện nay, người Sán Dìu ở Tuyên Quang vẫn gìn giữ trang phục truyền thống. Không chỉ mặc trong dịp lễ, tết mà khi gia đình có việc quan trọng là họ lại sử dụng trang phục truyền thống như để khẳng định về sự khác biệt cũng như bản sắc độc đáo của người Sán Dìu.
Theo Hoàng Anh/baotuyenquang.com.vn