Trong cộng đồng dân tộc Mông, ngoài phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống đặc sắc thì cấu trúc nhà ở cũng độc đáo không kém.
Ngôi nhà truyền thống của một gia đình người Mông ở tổ 5, thị trấn Na Hang
Đồng bào Mông ở vùng núi, nhà ở thường được xây dựng ở nơi gần nguồn nước, gần nương, đi lại thuận tiện. Ở những địa thế hiểm trở, khi làm nhà, đồng bào phải tính đến những thay đổi của thời tiết như mưa to, gió lớn làm sạt lở đất đai gây hư hỏng nhà cửa. Nguyên liệu làm nhà chủ yếu là gỗ, tre, cỏ tranh và đất. Gỗ dùng để làm cột, tre làm đòn tay, cỏ tranh để lợp mái, dùng đất để trình tường. Cũng có nhà dùng gỗ cây làm đòn tay, xẻ gỗ lợp mái và thưng vách. Đồng bào thường đun nấu ở trong nhà nên nhà ấm và tăng thêm độ bền.
Ngoài nhà trình tường truyền thống, ở nhiều nơi thuộc vùng thấp như Hàm Yên,Yên Sơn, phần lớn đồng bào Mông làm nhà nền đất, cột gỗ giống như nhà người Kinh. Tuy nhiên, về kiểu nhà, bố trí nội thất, cách trưng bày thờ cúng tổ tiên thì có những nét riêng. Cấu trúc chung của ngôi nhà dân tộc Mông là nhà nền đất, thường là cột kê, có ba gian, hai chái, mái chảy. Những gia đình làm từ một đến hai gian là những gia đình mới tách ra ở riêng, cò khó khăn về kinh tế, bố mẹ còn sống, chưa phải làm nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên. Nhà khá giả thì làm nhiều gian hơn với vật liệu tốt và cấu trúc kiên cố hơn.
Quan niệm về ngôi nhà của người Mông là: Nhà làm ba gian gồm gian bếp là gian giữ lửa, có một bếp lửa và là buồng ngủ của chủ nhà. Gian giữa là gian to rộng hơn, có cửa chính nhìn về phía trước nhà. Đây là gian thờ cúng tổ tiên, là gian chung của cả nhà, chuyên để làm những việc lớn của gia đình như hiếu, hỷ, tiếp khách. Gian thứ ba là gian bên cạnh có bếp nấu ăn, buồng ngủ của các con. Gian này có một cửa phụ mở phía đầu đốc của ngôi nhà để người nhà đi lại. Hàng ngày đi làm về, người trong gia đình chủ yếu đi lại bằng cửa này. Hầu hết các ngôi nhà thường có gác nhỏ để chứa lương thực, đồ đạc hoặc thực phẩm khô.
Ngôi nhà của dân tộc Mông có một số kiêng kỵ: Nếu có cành lá xanh cắm ở cổng hoặc cạnh cửa nhà, đấy là dấu hiệu cấm người ngoài vào nhà. Bởi vì đồng bào quan niệm con ma có thể núp dưới bóng người theo vào làm cho người trong nhà ốm. Khi bước vào nhà không được giẫm lên ngưỡng cửa, khách cũng như chủ chỉ được bước qua ngưỡng cửa đi vào. Có dòng họ, phụ nữ (con dâu và con gái) không được trèo lên gác. Con dâu không được vào buồng ngủ của bố mẹ chồng và ngược lại, bố mẹ chồng không được vào buồng con dâu. Đặc biệt, không ai được nằm ngủ nơi thờ cúng vì đồng bào quan niệm nơi đó chỉ dành riêng cho những người đã khuất.
Điều ấn tượng nhất trong kiến trúc nhà của người Mông, là đồng bào luôn trồng những cây đào, cây mận, cây mơ. Khi mùa xuân đến, những ngôi nhà được tô điểm bởi màu đỏ của hoa đào, màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận, hoa lê… tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa điệp trùng núi non.
Người Mông ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.
Theo Hoàng Anh/baotuyenquang.com.vn