Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Thứ Ba, ngày 11 tháng 5 năm 2021 - 14:49 Đã xem: 530

Mỗi công dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức về bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, thực hiện bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước.

Như chúng ta đã biết, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946 được tổ chức thành công là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn của "thù trong, giặc ngoài", tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn. Tuy nhiên, đại đa số người dân tham gia bầu cử luôn xúc động và tự hào vì “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình” (1).

Trong quá trình vận động và phát triển, tính dân chủ trong bầu cử và ứng cử ở Việt Nam ngày càng được mở rộng và quy trình bầu cử cũng như lựa chọn nhân sự ngày càng chặt chẽ và khoa học. Chúng ta nhận thấy và khẳng định một điều rằng chất lượng đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ngày càng được nâng cao. Điều này được minh chứng trên diễn đàn của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tiếng nói đại diện cho quyền lực nhân dân trong hoạt động kiểm tra giám sát của các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, trong các phát biểu, kiến nghị, góp ý và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, trong giải quyết những vấn đề mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Để đạt được những thành tựu trên, một trong những yếu tố quyết định và không thể không nói đến đó là tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân ngày càng được nâng cao thông qua việc lựa chọn những người đại diện xứng đáng nhất để thay mặt quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc, của địa phương. 

Trải qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, người dân đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, tích cực tham gia vào cuộc bầu cử từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến giai đoạn bỏ phiếu bầu để ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội, một dịp sinh hoạt chính trị của đồng bào, nhân dân cả nước. Những vấn đề chưa phù hợp trong quy chế, quy định bầu cử đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo cho quyền lực của người dân được thực hiện tốt hơn trên thực tế.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã xuyên tạc bản chất vấn đề, đưa ra những luận điệu sai trái, khi cho rằng bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự. Những luận điệu xuyên tạc này của chúng nhằm hướng lái dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa mục đích "cài cắm mầm mống dân chủ" vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với mưu đồ biến nghị trường thành diễn đàn để các đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và thực hiện "chiến lược diễn biến hòa bình" làm nước ta tự suy yếu từ bên trong. 

Trên thực tế, sau khi chỉ thị của Bộ Chính trị được ban hành, hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử được tổ chức để kịp thời quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng tiến hành khẩn trương, nghiêm túc các công việc chuẩn bị bầu cử và lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử ở các cấp. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập theo đúng quy trình và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Việc chuẩn bị nhân sự ứng cử đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp,

nhiệm kỳ 2021-2026

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thông qua công tác cán bộ nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Đảng sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự. Bởi vì, Đảng chỉ định hướng cơ cấu, số lượng nhân sự và xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định trong việc lựa chọn người đại diện cho tiếng nói của mình thuộc về nhân dân, ngay từ khâu chuẩn bị nhân sự thông qua việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú và trực tiếp thông qua những lá phiếu cử tri trong quá trình bầu cử.

Những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động cho rằng: "Việc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự"... là hoàn toàn xuyên tạc, sai sự thật, nhằm xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thềm bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Do vậy, mỗi công dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức về bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, thực hiện bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước.

Cao Dũng

------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.166-167.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 297 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /