Thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Thảo/baotuyenquang.com.vn
1- Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới: Phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo tầm vóc, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Nâng cao chất lượng các tiêu chí đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là các tiêu chí về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; phát huy các giá trị rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn với phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả ngành lâm nghiệp, phát triển rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng; nâng cao năng lực chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. Liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến với người trồng rừng, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững.
2- Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh: Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, khai thác tiềm năng về du lịch lịch sử, cách mạng, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thu hút các dự án đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Xây dựng Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch Quốc gia. Xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch Việt Nam. Phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Du lịch, thương mại, viễn thông, vận tải, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, văn hóa thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo…; phát triển các ngành dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ logistic...
3- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại: Rà soát, tích hợp bổ sung quy hoạch Quốc gia, quy hoạch vùng, triển khai xây dựng, thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghệ thông tin; chú trọng phát triển các trục giao thông kết nối, liên kết vùng, trục phát triển đô thị. Xây dựng hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số...
Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình giao thông trọng điểm. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh, đường huyện, các tuyến vận tải thủy và các công trình khác theo quy hoạch; xây dựng một số cầu lớn; tiếp tục triển khai chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và đầu tư xây dựng hệ thống cầu trên đường giao thông nông thôn với quy mô phù hợp.
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
Xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II và định hướng đô thị loại I, đô thị xanh, đô thị thông minh; tập trung một số đô thị động lực tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Na Hang, Hàm Yên... gắn với quy hoạch, phát triển các cụm dân cư, phát triển các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã; từng bước hiện đại và ngầm hóa lưới điện đô thị.
4- Thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt may, da giày, điện tử.... Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, đất đai, thủ tục hành chính, nguồn nguyên liệu, lao động để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, đóng góp nhiều cho ngân sách. Huy động các nguồn lực xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics...
5- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
6- Quản lý sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, nước, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
7- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ học mầm non ngoài công lập và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
8- Tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Tuyên Quang có trí tuệ, có tinh thần vì cộng đồng, có khát vọng vươn lên, trong sáng, lành mạnh; khơi dậy trong Nhân dân tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, phát huy truyền thống quê hương cách mạng; ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống.
9- Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và công tác y tế dự phòng, chủ động phòng bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 80%. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thông y tế. Đổi mới và tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập.
10- Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và chương trình xây dụng nông thôn mới.
Với quyết tâm chính trị cao và khát vọng phát triển của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ mới, chắc chắn Tuyên Quang sẽ vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành các mục tiêu Đại hội đề ra, đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.
N.T.B.H