Bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (Covid-19) có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng, khó kiểm soát do có thể lan nhanh cả từ người có biểu hiện bệnh cũng như người mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây truyền từ người sang người qua giọt bắn đường hô hấp, giọt nước bọt, dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua việc bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng, khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như nhà máy, nhà ga, bến tàu xe, sân bay, lễ hội, trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, trường học... sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan. Thời gian ủ bệnh diễn ra trong vòng 14 ngày, tuy nhiên đến nay tính chất của dịch bệnh đã có những diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới, khó phát hiện và thời gian ủ bệnh kéo dài hơn, do đó Bộ Y tế đã nâng thời gian cách ly y tế lên 21 ngày. Đặc biệt, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; các biện pháp phòng, ngừa chủ yếu dựa vào biện pháp sử dụng vắc xin tiêm phòng Covid-19, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp có yếu tố dịch tễ… Người mắc bệnh có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong cao, nhất là ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh lý nền.
Dịch Covid-19 chưa có thuốc đặc trị xong có thể phòng ngừa nếu thực hiện đúng các biện pháp khuyến cáo của Bộ Y tế, cụ thể như:
- Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải đúng cách tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Giữ vệ sinh nhà cửa thông thoáng, khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, điện thoại, mặt bàn, ghế…
- Khoảng cách: Giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn với người khác.
- Không tụ tập đông người.
- Khai báo y tế: thực hiện khai báo y tế.
Cho đến nay, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng kinh tế cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; tình hình dịch trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đã bùng phát dịch trở lại, dự báo trong thời gian tới số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 13/5/2021, toàn cầu đã ghi nhận 161.080.616 ca nhiễm (trong đó có: 18.872.080 ca đang nhiễm, 138.863.518 ca khỏi bệnh, 3.345.018 ca tử vong). Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút vào Việt Nam; công tác phòng chống dịch Covid-19 huy động sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân; trong đợt bùng phát lại lần thứ 4, dịch Covid-19 ở nước ta hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, so với 3 đợt dịch trước, đợt dịch lần này có độ nguy hiểm cao với nhiều ổ dịch, chủng vi rút có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, phạm vi rộng hơn và kiểm soát khó khăn hơn (đó là chủng Ấn Độ với đột biến kép làm tăng khả năng lây nhiễm lên nhiều lần; nếu như chủng của Anh lây gấp 1,7 lần so với các chủng trước đó, thì chủng Ấn Độ còn lây nhiễm mạnh hơn chủng của Anh), nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên toàn quốc là rất cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nếu xảy ra sẽ gây hậu quả khôn lường. Tính đến ngày 13/5/2021, Việt Nam ghi nhận 3.658 ca nhiễm (trong đó có: 983 ca đang được điều trị, 2.636 ca khỏi bệnh, 35 ca tử vong).
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tính đến ngày 13/5/2021, tại tỉnh Tuyên Quang chưa ghi nhận ca bệnh dương tính Covid-19; có 70 trường hợp F1 đã được cách ly tập trung, các F2, F3 được cách ly theo dõi theo quy định; ngành Y tế đã tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 được 5.734/4.800 liều được cấp trong tổng số 4.500 liều vắc xin trong toàn tỉnh (bao gồm 4500 liều cho tỉnh và 300 liều riêng cho công an); có 2.267 mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc Covid-19, trong đó có 2.212 mẫu có kết quả âm tính, 55 mẫu đang chờ kết quả (số liệu mẫu xét nghiệm từ ngày 29/4/2021 đến nay).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và người đứng đầu các tổ dân phố cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình trước cộng đồng, cụ thể như sau:
1. Trách nhiệm của người sống trong hộ gia đình
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà.
- Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tập trung đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét tại các khu vực công cộng.
- Vệ sinh nhà cửa, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện,...vệ sinh ít nhất 01 lần/ngày.
- Thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.
- Đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà; thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ.
- Liên hệ các cơ sở y tế để khai báo và được tư vấn, cập nhật tình hình sức khỏe qua ứng dụng khai báo y tế khi hộ gia đình có người già, người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết (BlueZone), ứng dụng khai báo y tế (NCOVI).
- Không khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.
- Khai báo tạm trú, tạm vắng khi có khách đến lưu trú.

2. Trách nhiệm của Bí thư chi bộ; Tổ trưởng dân phố, trưởng thôn (bản)
- Hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách tối thiểu 1 mét, hạn chế tập trung đông người tại nhà và các biện pháp phòng, chống dịch tại hộ gia đình.
- Yêu cầu chủ hộ gia đình thực hiện nghiêm việc khai báo tạm trú, tạm vắng khi có khách đến lưu trú.
- Phối hợp với các cơ quan y tế, chính quyền cơ sở, công an tại triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; kiểm tra, theo dõi, giám sát những người phải cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, những người có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, khó thở trên địa bàn.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân.
- Kịp thời báo cáo với cấp trên khi phát hiện có người nhập cảnh trái phép vào địa bàn mình.

Để đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đã có khung pháp lý và thể chế đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả để đấu tranh phòng, chống dịch bệnh. Dưới đây là một số quy định mà người dân cần biết để tránh vi phạm:
- Hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19:
Phạt từ 10 đến 15 triệu đồng khi đưa tin không chính xác về tình hình dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 3 ngày theo quy định của pháp luật” (điểm a, khoản 3 và điểm a, khoản 4, Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ).
Ngoài ra, nếu đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
- Hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vứt khẩu trang có thể làm lây lan dịch bệnh: Người cố tình không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng/trường hợp (điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định 117 của Chính phủ). Hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan dịch bệnh Covid-19 sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng (Khoản 1, Điều 6, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ).
- Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh Covid-19: Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng (Điểm a, Khoản 3, Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ). Ngoài ra, nếu làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
- Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19: Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế” (Điểm b, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ). Và có thể bị xử lý hình sự trong trường hợp làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
- Trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh Covid-19; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 40 triệu đồng đối với tổ chức (Điểm a, Khoản 3, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ).
Ngoài ra, sẽ xử lý hình sự những trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ massage, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.
- Hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khấn cấp dịch bệnh Covid-19: Phạt từ 30 đến 40 triệu đồng (Điểm b, Khoản 5, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ).
- Những đối tượng nào có hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép: Phạt từ 15 đến 25 triệu đồng, nếu là tổ chức sẽ bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể còn bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, hành vi này còn bị xử lý hình sự liên quan đến quy định về xuất cảnh nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điểm a, Khoản 5 và Khoản 2, Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ).
Trước tình hình diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát của đợt dịch bùng phát trong thời gian gần đây, các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình, tổ dân phố, công dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm, không lơ là, chủ quan, không hoang mang, sáng suốt trong lựa chọn và tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế; cùng chung tay ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Trần Minh Ngọc