Bảo tồn trang phục truyền thống người Dao

Thứ Bảy, ngày 3 tháng 10 năm 2020 - 07:29 Đã xem: 1016

Ở tỉnh ta dân tộc Dao có trên 100 nghìn người, là dân tộc thiểu số đông thứ hai sau dân tộc Tày với đầy đủ 9 ngành: Dao Đỏ, Dao tiền, Dao Quần chẹt, Dao Quần trắng, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Thanh y, Dao Ô gang, Dao Áo dài. So với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn, dân tộc Dao có trang phục được dệt, nhuộm, thêu thùa cầu kỳ, sặc sỡ, đẹp và đa dạng nhất. Ngoài điểm chung, thì trang phục mỗi ngành Dao lại có nét riêng không lẫn vào đâu được.

Chị Triệu Thị Lập, dân tộc Dao đỏ, xã Thanh Tương (Na Hang) cho biết, trước kia rừng núi cách trở, cuộc sống tự cung tự cấp nên bà con đều tự làm lấy quần áo cho gia đình mình. Ngày nay kinh tế thị trường phát triển, đời sống khấm khá, bà con mới đi chợ mua quần áo mới là hàng phổ thông may sẵn về mặc. Nhưng không có nghĩa mặc quần áo phổ thông là bà con xa rời trang phục của dân tộc mình. Do bộ quần áo người Dao được thêu thùa cầu kỳ, cả năm trời làm cật lực chăm chỉ mới xong. Giá thành một bộ đẹp lên tới cả vài triệu đồng nên bà con thấy nó rất quý và giữ gìn. Chỉ ngày lễ, tết, hội, ngày trọng đại người Dao mới lấy ra mặc. Còn trong cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất hằng ngày bà con vẫn mặc quần áo phổ thông cho gọn, dễ di chuyển và giặt giũ.

Câu lạc bộ thêu trang phục Dao Tiền thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang).

Lý giải về vấn đề này, ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao của tỉnh khẳng định, trang phục dân tộc Dao theo ông khó bị mai một. Đó là vì đối với người Dao, nghi lễ cấp sắc vô cùng quan trọng. Thanh niên, vợ chồng muốn trưởng thành phải cấp sắc. Mà trong lễ cấp sắc không thể thiếu bộ trang phục Dao. Người được cấp sắc phải chuẩn bị quần áo từ trước, phải là của mình, không được đi mượn. Tất cả bùa phép, thần chú đều cuốn vào bộ trang phục mặc khi cấp sắc đi hết cuộc đời người Dao. Nó linh thiêng và huyền bí lắm nên người Dao rất tôn thờ bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Quả đúng như lời ông Bàn Xuân Triều, gia đình anh Đặng Văn Chu, dân tộc Dao đỏ xã Bình Phú (Chiêm Hóa) ý thức việc này từ rất sớm. Nhà anh chị có hai người con trai, đến tuổi các cháu phải làm lễ cấp sắc. Ngoài công việc đồng áng hằng hàng, vợ anh Chu lại tranh thủ mua vải về thêu thùa làm cho hai cậu con trai, mỗi người hai bộ quần áo. Một bộ để làm lễ cấp sắc, bộ kia mặc khi có hội hè, khi có công việc đại sự. Với bốn bộ quần áo, hoàn chỉnh cũng mất vài năm, đây là việc không hề đơn giản. Anh Chu bảo, đi mua cũng được, nhưng tự mình làm thì khi làm lễ sẽ linh thiêng hơn, ông bà tổ tông sẽ chứng giám cho sự tỉ mẩn và lòng thành của mình.

Người con gái Dao lúc đi lấy chồng khi thầy làm lễ ai cũng phải mặc trang phục của dân tộc mình. Các cô gái mới lớn đều được bà, mẹ dạy cho cách dệt, nhuộm vải, thêu thùa để tự tay làm trang phục cho mình và gia đình bên chồng. Em Đặng Thị Dương, dân tộc Dao tiền, xã Hồng Thái (Na Hang) ngay từ nhỏ đã được người bà của mình dạy cho cách thêu và làm trang phục truyền thống, giờ những đường thêu của em đã nhanh thoăn thoắt. Qua đó, có thể thấy trang phục người Dao có sức sống bền bỉ với thời gian. Khó có sự giao thoa kinh tế, văn hóa nào làm mai một được.

Ngày nay về các chợ phiên vùng sâu, vùng xa, hay trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp những bộ trang phục Dao. Tại chợ phiên Hùng Đức (Hàm Yên) người ta còn bày bán nhiều vải thổ cẩm, đồ nhuộm, chỉ thêu, trong đó đa phần của ngành Dao Quần trắng. Vào thôn Văn Nham vẫn thấy các bà, các chị mặc trang phục Dao Quần trắng trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày. Bà Hoàng Thị Tham, dân tộc Dao Quần trắng nói, vải thổ cẩm mặc rất mát. Từ nhỏ đến bây giờ bà toàn mặc loại vải đó nên đã quen, không mặc trang phục dân tộc bà cũng thấy nhớ.

Mặc trang phục truyền thống là ý thức dân tộc và cả yếu tố văn hóa và tâm linh. Để tôn vinh giá trị và khuyến khích công tác bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc Dao, những năm qua tỉnh ta đã tổ chức trình diễn trang phục dân tộc tại Lễ hội Thành Tuyên; thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao, trong đó bảo tồn nghề dệt vải thổ cẩm; đưa nghệ thuật thêu của người Dao vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại một số trường nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú duy trì việc mặc trang phục dân tộc thiểu số vào thứ hai đầu tuần. Các câu lạc bộ Cấp sắc, hát Páo dung, Múa màng ở cơ sở hoạt động sôi nổi, góp phần quảng bá văn hóa, trong đó có việc bảo tồn trang phục truyền thống của người Dao.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /