Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của tổ chức, là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của tổ chức. Năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ là một yếu tố rất quan trọng góp phần chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Ảnh minh họa.Nguồn ảnh: mattran.org.vn
Năng lực thực tiễn là khả năng hiểu biết thực tiễn ở góc độ tư duy, nhận thức và được trải nghiệm trong thực tế trên cơ sở tư duy, nhận thức đó. Người có năng lực thực tiễn là người biết vận dụng một cách linh hoạt lý luận vào thực tiễn, có khả năng giải quyết hiệu quả những tình huống nảy sinh trong thực tế; đồng thời có khả năng hướng dẫn người khác ứng xử kịp thời trong những hoàn cảnh và môi trường tương tự. Năng lực thực tiễn của cán bộ được tạo bởi khả năng xác định về mục đích, phương pháp, cách thức, lực lượng, phương tiện có đúng, phù hợp hay không; phát hiện, giải quyết mâu thuẫn tạo ra động lực cho hoạt động; hình thành tình cảm gắn bó say mê với nghề nghiệp và kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động thực tiễn. Trong hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ bao giờ cũng có sự thống nhất không thể tách rời giữa quyền lợi và nghĩa vụ, thuận lợi và khó khăn, thành công và thất bại. Cán bộ tâm huyết, gắn bó với hoạt động thực tiễn sẽ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, không chỉ tìm thấy niềm vui khi thuận lợi, thành công, mà còn tìm thấy niềm vui chinh phục được khi những khó khăn, thử thách, vượt qua được chính mình và được xã hội thừa nhận. Thực tiễn không chỉ là cơ sở mục đích, động lực, tiêu chuẩn để kiểm tra lý luận mà thông qua thực tiễn giúp cán bộ học hỏi, rèn luyện, trưởng thành.
Để tiếp tục nâng cao năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả một số giải pháp: Thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, về xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ thành các quy định và chính sách cụ thể đối với cán bộ để cán bộ chủ động, tích cực, yên tâm công tác khi được điều động, luân chuyển, biệt phái đảm nhiệm nhiệm vụ ở cơ sở. Xây dựng quy chế đối với cán bộ là người đứng đầu cơ quan, đơn vị không phải là người địa phương để tránh tâm lý ngại khó khăn, ngại vất vả, ngại đi cơ sở, ngại va chạm trong hoạt động thực tiễn. Ban hành qui định xây dựng và bồi dưỡng cán bộ yêu cầu phải thông qua hoạt động thực tiễn, trưởng thành từ hoạt động thực tiễn.
Bản thân mỗi cán bộ cần tích cực, chủ động tự học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh, đồng thời thâm nhập vào hoạt động thực tiễn cuộc sống mới giúp nâng cao năng lực thực tiễn và hoạt động có hiệu quả. Kế thừa, đúc rút kinh nghiệm của các thế hệ trước, học hỏi ở Nhân dân, học hỏi từ chính những hoạt động thực tiễn, từ đó tìm ra hướng đúng đắn, hiệu quả nhất trong việc nâng cao khả năng hoạt động thực tiễn phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời, từ những công việc trong hoạt động thực tiễn cán bộ sẽ tích lũy, đúc rút kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý các tình huống khó khăn, phức tạp… tạo nên phẩm chất, năng lực toàn diện của cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Một trong những đòi hỏi đối với cán bộ trong hoạt động thực tiễn là phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có như vậy năng lực thực tiễn của cán bộ mới ngày càng được nâng cao. Thông qua lời nói và việc làm của cán bộ trong các hoạt động thực tiễn hằng ngày mang lại lợi ích thiết thực cho người dân thì lòng tin của người dân với cấp ủy, chính quyền, với hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc; thông qua đó, uy tín của cán bộ với nhân dân được nâng cao.
Hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đang triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; hiện thực hóa Nghị quyết thông qua việc ban hành các Đề án, chương trình cụ thể, các phong trào đi đua yêu nước đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định đó là phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là năng lực hoạt động thực tiễn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra./.
N.T.B.H