Nét đẹp văn hóa người Tày Tuyên Quang

Thứ Tư, ngày 2 tháng 6 năm 2021 - 22:29 Đã xem: 11789

Một trong những chủ nhân của miền sơn cước đã góp phần xây dựng nên những bản làng trù phú, làm giàu đẹp thêm cho quê hương Tuyên Quang - đó chính là đồng bào dân tộc Tày. Người Tày có dân số đông thứ hai ở Tuyên Quang, sau dân tộc Kinh. Đây cũng là một trong những dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời nhất ở tỉnh. Vì vậy, người Tày đã tạo ra cho mình những nét văn hóa đặc sắc thể hiện trong chính cuộc sống hàng ngày của dân tộc mình.

Thầy Then đang thực hiện nghi lễ. Ảnh: Hồ sơ đệ trình UNESCO. Ảnh: dsvh.gov.vn

Người Tày thường cư trú ở những huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang như Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong sắc màu xanh mướt của núi rừng và cảm nhận những vẻ đẹp văn hóa độc đáo của bà con nơi đây. Theo lời truyền dạy của những thế hệ đi trước để lại, người Tày thường định cư trong các thung lũng, nơi gần các con sông, con suối hoặc có nguồn nước lần sạch, trong từ trên núi đổ về để tiện cho sinh hoạt. Họ sống tập trung thành từng làng bản, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng nước và nương rẫy.

Người Tày ở nhà sàn. Nhà thường có ba gian, hai trái. Tuy nhiên, nếu gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống thì có thể làm nhà dài, rộng hơn, có thể là 8 hoặc 9 gian. Đây là kiểu nhà nằm ngang, được làm bằng gỗ vững chãi, sàn nhà làm bằng tre hoặc gỗ, giữa nhà có bếp lửa làm bằng khuôn gỗ hình vuông, đắp đất nện. Nhà có hai cầu thang, một đi vào cửa chính và một cầu thang phụ. Dưới chân cầu thang thường kê một tảng đá và máng hoặc vại nước để mọi người rửa chân trước khi lên nhà. Người Tày thích ở nhà sàn vì nhà cao, thoáng mát hợp với kiểu khí hậu ngày nóng, đêm lạnh của vùng núi rừng. Hiện nay, mặc dù xã hội ngày càng phát triển và cuộc sống ngày càng được hiện đại hóa nhưng bà con vẫn giữ được nếp nhà sàn xưa. Bếp lửa đỏ nơi giữa căn nhà vẫn là nơi đoàn tụ, quây quần của mỗi gia đình khi đêm về.

Trong văn hóa gia đình, bà con Tày rất coi trọng tình cảm anh em, ruột thịt. Họ thương yêu con cháu hết mực. Nếu con, cháu hư họ thường dạy bảo nhẹ nhàng chứ ít khi đánh mắng. Trong gia đình, người đàn ông thường là trụ cột nhưng cũng là người nấu ăn chính trong nhà, cả trong những bữa ăn hàng ngày cũng như khi gia đình có khách hoặc lễ tết. Để có thể đảm đang được công việc nấu ăn, đàn ông người Tày thường rất khéo tay và nắm rất chắc các công thức nấu ăn truyền thống mang đậm hương vị của người Tày. Đối với họ, nấu ăn không chỉ là công việc gia đình mà còn là sự yêu thích tạo thành nét văn hóa truyền thống của gia đình, của tộc người. Người phụ nữ Tày tuy không phải là người nấu ăn chính trong nhà, nhưng họ lại là người rất khéo tay trong việc làm các loại bánh như bánh gai, bánh trưng gù, bánh củ chuối… và nấu xôi ngũ sắc. Phụ nữ Tày giỏi chăn nuôi và đan lát. Họ có thể đan nón và các vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày.

Kho tàng văn hóa của người Tày có nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Đến với Tuyên Quang, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu hát then mê đắm lòng người. Những âm thanh tưởng chừng như quen thuộc của cây đàn tính hòa trong những lời then mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước đổi thay như những dòng suối mát thanh lọc tâm hồn mỗi người. Hiện nay, ở một số huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập được các câu lạc bộ hát then với sự tham gia của nhiều người, cả nam và nữ, với các lứa tuổi khác nhau. Điều đó góp phần lưu giữ làn điệu then cho các thế hệ mai sau.

Với truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, người Tày Tuyên Quang luôn tự hào với những giá trị văn hóa đẹp đẽ và đầy tính nhân văn của dân tộc mình. Vì vậy, ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa đó luôn hiện hữu trong tâm hồn mỗi bà con người Tày nơi đây, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa đó.

Theo tuyenquang.gov.vn

Xem tin theo ngày:   / /