Tích cực đóng góp cho quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19

Thứ Hai, ngày 21 tháng 6 năm 2021 - 15:06 Đã xem: 303

Sau một khoảng thời gian dài kiên cường chiến đấu với đại dịch COVID-19, tới nay Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có số ca lây nhiễm liên quan đến bệnh dịch này ít nhất trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19. Ảnh VGP/baochinhphu.vn

Từ đầu tháng 5/2021, chúng ta đang phải đối diện với những tình huống cam go hơn, khi những ca lây nhiễm khó xác định F0 ngày càng nhiều và dịch bệnh trở nên khó kiểm soát. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam đã có 13.211 ca nhiễm COVID-19 và 5.229 ca điều trị đã hồi phục. Trên địa bàn tỉnh có một ca nhiễm  mã bệnh nhân BN4191 đã được điều trị khỏi bệnh và được đưa về tỉnh tiếp tục cách ly, theo dõi tại Bệnh viện phổi Tuyên Quang từ ngày 10/6/2021. Số bệnh nhân F0 đã được điều trị khỏi bệnh từ tỉnh Bắc Giang trở về tỉnh là 29 bệnh nhân, đang được cách ly theo dõi, tại bệnh viện Phổi Tuyên Quang.

Cũng từ đầu năm 2021, trên cơ sở sử dụng vắc xin COVID-19 đã được sản xuất và cấp phép sử dụng, nhiều quốc gia đã thực hiện khả thi mục tiêu miễn dịch trong cộng đồng, với thực tế đã giảm tỷ lệ lây nhiễm đáng kể. Việt Nam cũng đồng hành cùng chính sách này giống như nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới. Chúng ta chưa sản xuất được vắc xin nhưng đã có khả năng tiếp cận các nguồn vắc xin là: BIBP vaccine; Oxford, AstraZeneca vaccine và Sputnik V vaccine… Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 17/6/2021, Việt nam đã tiêm 1.991.059 liều vắc xin phòng covid-19. Trong đó, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng covid-19 là 89.833 người [1]. Tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 2, từ 15/6/2021 đến 20/6/2021. Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số. Ai cũng hiểu, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin vô cùng khan hiếm trên toàn cầu thì mỗi liều vắc xin về đến Việt Nam đều vô cùng quý giá. 

Với bối cảnh trên, để có đủ kinh phí mua vắc xin tiêm cho nhân dân nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19. Ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 và giao cho Bộ Tài chính quản lý. Tại lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, tổ chức tối ngày 5/6 tại Hà Nội, Thủ tướng đã quan tâm về nỗi lo chung cho đất nước và Nhân dân, cũng đặt vấn đề để bảo đảm được ý nghĩa và hiệu quả của việc thành lập quỹ: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước, nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết”.

Có thể nói, sự chung tay đóng góp vào Quỹ vắc xin “mang tính hoàn toàn tự nguyện” lúc này không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy vận dụng tiến bộ khoa học, mà còn thể hiện tinh thần đạo đức, sự thấu hiểu và chia sẻ gánh nặng với Chính phủ trong quá trình đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới. Dưới góc nhìn cộng đồng, điều này thúc đẩy tinh thần đoàn kết dân tộc của người Việt Nam ở khắp mọi nơi. Dưới những góc nhìn cá nhân, sự đóng góp tự nguyện không kể ít nhiều của mỗi em nhỏ, cụ già, người lao động, doanh nghiệp… còn thể hiện được giá trị nhân văn và nền tảng yêu nước của dân tộc Việt Nam ta. 

Tuy nhiên, để nhận diện được các vấn đề này chúng ta cần tới hai chìa khóa: một là trí tuệ và hai là đạo đức.

Chìa khóa đạo đức để nhìn được vấn đề nền tảng của Quỹ là tự nguyện, tức là tạo cơ sở cho những cá nhân không có khả năng đóng góp được tiêm vắc xin miễn phí. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, dù đóng góp nguồn lực ủng hộ qua Chính phủ hay qua MTTQ Việt Nam thì tất cả đều được chuyển trực tiếp vào Quỹ vắc xin để phục vụ tiêm chủng cho người dân và hướng đến việc phát triển sản xuất vắc xin nội vào cuối năm 2021. “Chính phủ thành lập Quỹ vắc xin nhằm thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước đối với việc tiêm vắc xin miễn phí cho người dân. Để đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng nếu không có nguồn vắc xin để phòng chống dịch thì Việt Nam không thể chấm dứt được sự lây lan của dịch bệnh”. Đạo đức là hành vi thiện lương cá nhân, ảnh hưởng của nó trước hết ở trong một gia đình, đến cả xã hội. Động thái tích cực của một người trong gia đình ảnh hưởng đến toàn bộ các thành viên khác của mình. 

Ảnh hưởng của chìa khóa trí tuệ thì khác. Một khi chân lý hay thành tựu khoa học nào đó đã được khám phá và công bố thì không bao lâu sẽ lay động lòng dân của cả nước. Do đó, trí tuệ sẽ giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng và vai trò của việc nhanh chóng có đủ vắc xin cho người dân cả nước. Đồng thời có trí tuệ, ai cũng có thể tự đọc, tự tìm hiểu từ những trang web của chính phủ và các tổ chức uy tín về những thành tựu khoa học khi con người đã nhanh chóng sản xuất ra vắc xin chống lại bệnh dịch. Ai cũng sẽ nắm được những con số biết nói và chính xác về tỷ lệ giảm lây nhiễm khi người dân được tiêm vắc xin ở một quốc gia có con số lây nhiễm kỷ lục. Ai cũng sẽ chọn lọc để nghe tiếng nói chính thống từ những nhà khoa học, y - bác sĩ uy tín.

Ngay sau lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ. Tổng cộng, số tiền và đăng ký, từ Trung ương đến địa phương ủng hộ vào Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 20/6/2021 lên tới 5.776 tỷ đồng [2]. Chúng ta tiếp tục hãy cùng nhau tin tưởng vào tương lai tốt đẹp, đồng lòng chiến đấu giống như bao trận chiến mà dân tộc ta đã trải qua trong lịch sử. Truyền thống đoàn kết và yêu nước đó đã hằn sâu và sẽ chảy mãi trong tâm trí và dòng máu mỗi người dân Việt Nam./.

[1]. Nguồn: https://www.moh.gov.vn
[2]. Nguồn: httts://www.quyvacxincovid19.gov.vn

Đỗ Hồng Thanh
 

Xem tin theo ngày:   / /