Cọc Vài, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Nguồn ảnh: baotuyenquang.com.vn
Trong những năm qua, ngành du lịch của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển du lịch được nâng lên; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư; tiềm năng, lợi thế về du lịch từng bước được phát huy, hình thành một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các sản phẩm du lịch đặc trưng (Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, Lễ hội Thành Tuyên, điểm du lịch sinh thái Bản Ba, các điểm du lịch cộng đồng huyện Lâm Bình, huyện Na Hang...) thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm; công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm du lịch được chú trọng trên nhiều kênh thông tin, huy động được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm du lịch; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đổi mới, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư uy tín thực hiện các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Flamingo...; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. Giai đoạn 2016-2020, đón trên 8.445.700 lượt khách (năm 2020 đón 1.708.900 lượt), tăng trưởng bình quân trên 4,8%/năm; tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 7.400 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân trên 5,2%/năm. Tuy nhiên, du lịch của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.
Để phát triển du lịch trong thời gian tới cần có định hướng mới, phù hợp tình hình, theo hướng "Sản phẩm du lịch phải đặc sắc, chất lượng cao, điểm đến an toàn, thân thiện" để phát triển ngành kinh tế quan trọng này hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tâm linh tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 làng văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch; xây dựng từ 01 đến 02 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; tập trung xây dựng 01 (một) làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh đảm bảo đồng bộ, bài bản, có đặc trưng riêng; phấn đấu đón trên 03 triệu lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch đạt trên 4.800 tỷ đồng; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm cho trên 25.000 lao động.
Đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia Tân Trào là khu du lịch lịch sử quốc gia có uy tín, chất lượng; xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí khu du lịch sinh thái quốc gia. Phấn đấu đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch; đóng góp vào GRDP toàn tỉnh từ 10% trở lên; tạo việc làm cho trên 35.000 lao động; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đáp ứng đa dạng thị trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) cũng đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, cụ thể:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch
Xác định rõ phát triển du lịch là tất yếu, phù hợp xu thế và tiềm năng, lợi thế của địa phương; là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp Nhân dân về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên kết vùng, xã hội hóa cao và mang tính văn hóa sâu sắc, có giá trị kinh tế cao, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch
Tích cực phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ khoa học Khu thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, góp phần tạo lập thương hiệu quốc tế của du lịch địa phương.
Quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng các quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt. Rà soát, lập, bổ sung quy hoạch không gian, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng các khu, điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế. Tập trung huy động nguồn lực, trọng tâm là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và trong Nhân dân để đầu tư, hỗ trợ cho các chương trình, đề án phát triển du lịch.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin; cơ sở vật chất... ở các khu, điểm du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, ưu tiên xây dựng các cơ sở đạt tiêu chuẩn cao cấp, tiêu chuẩn quốc tế.
Ba là, Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có đáp ứng thị trường
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, trọng tâm là sản phẩm du lịch lịch sử, nghỉ dưỡng, tâm linh, lễ hội, sinh thái, cộng đồng... Phát huy tiềm năng, lợi thế và xu thế thị trường du lịch, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới có tính đặc trưng, riêng có, đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiến tới tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung vào sản phẩm du lịch khám phá; du lịch mạo hiểm; du lịch trải nghiệm không gian, cảnh quan; du lịch cộng đồng; du lịch chăm sóc sức khỏe... Nghiên cứu, triển khai xây dựng các khu "kinh tế ban đêm", các khu trình diễn di sản văn hóa; trưng bày và tiêu thụ sản phẩm quà lưu niệm độc đáo, đặc sản ẩm thực của địa phương... tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu, điểm du lịch, tạo không gian du lịch đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn mạnh, khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với thị hiếu của cả du khách trong nước và khách quốc tế. Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng, nông sản an toàn, đặc sản, phục vụ nhu cầu của thị trường và du khách.
Bốn là, Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, theo hướng xây dựng hệ thống du lịch thông minh, tiến tới chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của địa phương. Phát huy sức mạnh công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm du lịch bảo đảm chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng. Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các khu dịch vụ du lịch phức hợp, du lịch sinh thái, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Xây dựng các chương trình, kế hoạch quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm và có chiến lược cho từng loại hình, sản phẩm du lịch. Tăng cường đăng cai tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực, quốc gia và quốc tế.
Năm là, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch
Nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, trọng tâm là cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng; phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đào tạo nguồn nhân lực; truyền thông, xúc tiến quảng bá; xây dựng hạ tầng viễn thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch mới; sản xuất sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch... để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức, cá nhân có uy tín, tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư, phát triển du lịch ở địa phương.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục, thu gọn đầu mối, giảm tối thiểu thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng; công bố, công khai đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của địa phương cho cộng đồng xã hội, nhất là doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tạo môi trường thực sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình đầu tư, kinh doanh phát triển du lịch ở địa phương.
Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Cấp ủy, chính quyền các cấp xác định đây là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng quyết định phát triển du lịch địa phương nhanh, bền vững. Tập trung các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực du lịch đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, trọng tâm là đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động trực tiếp làm du lịch, bảo đảm có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cao, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với từng loại hình, sản phẩm du lịch.
Bảy là, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch
Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, biên chế các cơ quan, đơn vị phụ trách lĩnh vực du lịch, bảo đảm đáp ứng và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nhanh, bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch.
Trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc tích cực tham gia các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, hy vọng du lịch tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.
NTH