

Một góc hồ thủy điện Na Hang. Nguồn ảnh: Internet
Những năm gần đây, Na Hang đã chú trọng phát triển du lịch, liên kết vùng. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phối hợp cụm phát triển tiềm năng văn hóa du lịch vùng giữa các huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), huyện Na Hang, Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang), huyện Pắc Nặm, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), luân phiên các huyện chủ trì sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hằng năm.
Triển khai liên kết vùng giữa các huyện giáp ranh về phát triển tiềm năng văn hóa du lịch vùng giữa các huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang), huyện Pắc Nặm, Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, vệ sinh môi trường nước, an ninh trật tự khu vực. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển du lịch trên địa bàn huyện và giữa các huyện giáp ranh như phối hợp tổ chức lễ hội Mù Là, xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn; duy trì tổ chức hằng năm Ngày hội văn hóa du lịch vùng cao Na Hang; tổ chức Hội nghị giáp ranh về an ninh trật tự; đã triển khai hoàn thành thông tuyến đường đất (chưa cứng hóa) nối từ Phường Chủ, thôn Phai Khằn, xã Đà Vị, huyện Na Hang đến thác Đầu Đẳng, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, tạo điều kiện thuận lợi kết nối với Vườn quốc gia Ba Bể thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn để đón khách du lịch đến với hồ thủy điện Tuyên Quang, huyện Na Hang; tham dự Hội nghị Căng Bắc Mê (Hà Giang) và khai trương các tuyến du lịch trải nghiệm của Hà Giang; phối hợp thực hiện Chương trình khảo sát và tọa đàm kết nối doanh nghiệp hưởng ứng Chương trình Kích cầu du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2021 (đoàn farmtrip)…
Liên kết, hợp tác phát triển là xu thế của nhiều ngành nghề, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, cần phải có sự liên kết với các địa phương để tạo ra những sản phẩm, tour, tuyến hấp dẫn du khách. Tăng cường quảng bá, giới thiệu tuyến du lịch liên vùng đã và đang triển khai thực hiện để thu hút khách du lịch trên các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại, các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội như tuyến: Bắc Mê (Hà Giang) - Lâm Bình, Na Hang (Tuyên Quang) - Ba Bể (Bắc Kạn); Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) - Bắc Mê (Hà Giang); Thành phố Tuyên Quang - Na Hang (Tuyên Quang) và Pắc Nặm (Bắc Kạn) - Ba Bể (Bắc Kạn) và ngược lại; Thành phố Tuyên Quang - Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) - Bắc Mê (Hà Giang) và ngược lại. Huyện tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) đề nghị UNESSCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện Na Hang tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, các cơ quan liên quan xây dựng các dự án đầu tư thu hút vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển mạnh hơn nữa về du lịch và các ngành dịch vụ. Phối hợp tổ chức tham gia Chương trình “Khám phá dòng sông Năng và Vườn Quốc gia Ba Bể - Một hành trình hai điểm đến”; thường xuyên tham dự những hội nghị quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và tham gia gian hàng giới thiệu quảng bá tài nguyên thiên nhiên du lịch tại các hội chợ thương mại du lịch trên cả nước, liên kết phối hợp tổ chức chương trình khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình và tích cực quảng bá trên website của Trung tâm xúc tiến đầu tư như: “Lễ hội Thành Tuyên”, “Du lịch Tuyên Quang” và trang dulichsinhthainahang.gov.vn; triển khai ứng dụng Cổng du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang https://mytuyenquang.vn; Nâng cấp Trang thông tin điện tử của huyện thành Cổng thông tin điện tử...
Mới đây, hai tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn đã đề xuất xây dựng tuyến đường kết nối hồ Ba Bể (Bắc Kạn) với lòng hồ sinh thái Na Hang (Tuyên Quang), với tổng số vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Nhằm phát huy hết tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, hồ sinh thái Na Hang, hai tỉnh rất quan tâm đến các hoạt động kết nối du lịch với các tỉnh liền kề, hình thành các tour du lịch ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) - Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) - thác Bản Giốc (Cao Bằng)...Dự án đường liên kết vùng kết nối hạ tầng du lịch Ba Bể - Na Hang được triển khai sẽ tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang. Dự kiến sau khi tuyến đường được hoàn thiện, sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch từ Na Hang sang hồ Ba Bể và ngược lại, góp phần vào sự phát triển chung của cả vùng.
Việc chú trọng phát triển du lịch, liên kết vùng thời gian qua đã góp phần tạo nên những kết quả quan trọng: Thu hút khách du lịch đến với Na Hang năm 2020 đạt 102.575 nghìn lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 74,9 tỷ đồng. Kết quả thu hút khách du lịch quý I/2021 đạt: 32.210 nghìn lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 25 tỷ đồng [1]. Hoạt động du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để xây dựng huyện Na Hang là điểm đến du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, liên kết vùng trong phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Việc khai thác các tuyến, điểm du lịch liên kết giữa các vùng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm du lịch còn dựa vào thiên nhiên, nguồn lực kinh phí dành cho du lịch của các địa phương còn hạn chế, chưa đầu tư dài hạn và đồng bộ, các tour còn kém hấp dẫn và chưa rõ tính đặc thù, chưa tạo ra điểm nhấn của từng địa phương. Vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa được chú trọng. Hoạt động du lịch của vùng thời gian qua còn gặp khó khăn trong việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương chỉ dừng lại ở mức độ ban đầu, chưa có cơ quan điều phối hoạt động phát triển du lịch chung của vùng để xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, liên kết hiệu quả. Tài nguyên về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá chậm được đầu tư khai thác. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật quy mô còn nhỏ, thiếu đồng bộ; việc khai thác các điểm du lịch còn ở dạng tự nhiên, mang tính thời vụ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế, chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, các dịch vụ du lịch chưa đa dạng, thời gian lưu trú của du khách đạt chưa cao. Sự gắn kết giữa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử chưa đồng bộ, một số di tích lịch sử, văn hóa chậm được đầu tư, tu bổ.
Trong thời gian tới, để thực hiện công tác phối hợp cụm phát triển tiềm năng văn hóa du lịch vùng tại Na Hang, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp cụm phát triển tiềm năng văn hóa du lịch vùng; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Chương trình hành động số 25-CTr/HU ngày 15/9/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về miền đất, văn hóa và con người; về tiềm năng thế mạnh du lịch của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các huyện kết nối tua, tuyến, điểm du lịch với các huyện Lâm Bình; huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang; huyện Ba Bể, Pác Nặm tỉnh Bắc Kạn và phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển du lịch.
Ba là, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và tôn tạo các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh; gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa các dân tộc và sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mang tính đặc thù của vùng.
Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư; khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển các dịch vụ du lịch; phát triển các sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị các sản phẩm hàng hóa là đặc sản của địa phương
Năm là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, các xã có điểm, khu du lịch, các doanh nghiệp, các cá nhân hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 khâu đột phá, trong đó khẳng định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” [2]. Ngày 16/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Những chủ trương đúng đắn này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch Na Hang phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Vượt lên những khó khăn của huyện vùng cao, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Na Hang tiếp tục chủ động nắm bắt thời cơ, đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
[1] Báo cáo số 169/BC-UBND ngày 06/4/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Na Hang về Sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
[2] Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr.173
Nguyễn Thanh Thủy