Một số điểm cần lưu ý trong sinh hoạt chi bộ chuyên đề

Thứ Năm, ngày 29 tháng 7 năm 2021 - 18:36 Đã xem: 7812

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung, chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyên đề nói riêng là nội dung quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy dự sinh hoạt Chi bộ Trường Mầm non Hòa An, xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa. Nguồn ảnh: chiemhoa.gov.vn

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 16-ĐA/TU ngày 03/01/2020, xác định việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một nhiệm vụ đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, yêu cầu cấp thiết, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và từng đảng viên; được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn là việc “điển hình”trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh.

Sau hơn một năm thực hiện Đề án, chất lượng sinh hoạt chi bộ đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, qua khảo sát, thấy rằng việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại nhiều chi bộ còn hạn chế. Kết luận Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU ngày 03/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2020 - 2025 chỉ rõ: “Một số cấp ủy, chi bộ chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức sinh hoạt chi bộ chuyên đề; nội dung sinh hoạt chi bộ chuyên đề chưa sát với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị…”. Một số hạn chế các chi bộ thường mắc phải là: Không xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề; lựa chọn chủ đề sinh hoạt chuyên đề chưa phù hợp; chưa tuân thủ các bước của kỳ sinh hoạt chuyên đề; cách thức điều hành kỳ sinh hoạt chuyên đề chưa đúng hướng dẫn; chưa ban hành kết luận sau sinh hoạt chuyên đề…

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, các cấp ủy cần nghiên cứu kỹ Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương; Hướng dẫn số 03-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Hướng dẫn số 41-HD/BTGTU ngày 24/4/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về Sinh hoạt chi bộ chuyên đề gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cần thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

1. Xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề ngay từ đầu năm, trong đó ít nhất mỗi quý phải có một kỳ sinh hoạt chuyên đề. Kế hoạch phải thể hiện rõ chủ đề sinh hoạt hằng quý, nghĩa là phải có ít nhất 4 kỳ sinh hoạt chuyên đề trong một năm; Phân công cá nhân chuẩn bị nội dung, báo cáo kế hoạch với cấp ủy cấp trên trực tiếp để theo dõi, chỉ đạo.

2. Lựa chọn chủ đề sinh hoạt chuyên đề: có thể nói đây là việc khó nhất, cần phải được nghiên cứu, bàn bạc cụ thể trong cấp ủy trước khi đưa vào kế hoạch của chi bộ. Có thể tham khảo một số nhóm vấn đề sau:

- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương, tổ chức đảng cấp trên.

- Triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ.

- Các giải pháp phòng, chống, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

- Giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống của cơ quan, đơn vị, địa phương cho cán bộ, đảng viên.

- Các nội dung khác theo đặc điểm của  loại hình chi bộ…

3. Chi bộ phân công đảng viên có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề chuẩn bị dự thảo bằng văn bản. Bí thư chi bộ cần trao đổi mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện chuyên đề với đảng viên được phân công. Nội dung dự thảo phải thông qua bí thư chi bộ và gửi đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Trường hợp chi bộ không thể chuẩn bị bằng văn bản, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cách thức sinh hoạt nhưng phải đảm bảo chất lượng theo đúng quy định.

4. Bí thư chi bộ cần nắm vững các bước sinh hoạt chuyên đề để điều hành. Mở đầu bí thư chi bộ phải nêu mục đích, yêu cầu buổi sinh hoạt chuyên đề. Tiếp theo, đảng viên được phân công chuẩn bị trình bày dự thảo. Bí thư chi bộ chủ trì, điều hành đảng viên phát biểu, nêu nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đè đối với bản thân; liên hệ với chi bộ, cơ quan, đơn vị, tổ dân phố…, trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thành dự thảo chuyên đề. Quá trình điều hành sinh hoạt chuyên đề phải dân chủ, cởi mở, phát huy trí tuệ của đảng viên, khơi dậy được sự tham gia góp ý của toàn thể đảng viên. Đảng viên được phân công chuẩn bị tiếp thu ý kiến để hoàn thiện nội dung.

5. Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề: Bí thư chi bộ cần đánh giá việc chuẩn bị chuyên đề, ý nghĩa tác dụng của chuyên đề với chi bộ, đảng viên. Kết luận các nội dung cần tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo. Chuyên đề đã hoàn thiện phải gửi đến đảng viên hoặc tổ đảng để nghiên cứu, học tập và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Một số điểm cần lưu ý: Không tổ chức sinh hoạt thường kỳ lồng ghép với sinh hoạt chuyên đề; Có thể tổ chức sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề trong cùng một buổi, nhưng phải thực hiện lần lượt từng nội dung; Đối với các chi bộ xã, phường, chi bộ vùng sâu, xa, cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của chi bộ để lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề cho phù hợp.

                                                                               Nguyễn Nhung

Xem tin theo ngày:   / /