Chủ tịch Tôn Đức Thắng cả đời cống hiến cho dân tộc Việt Nam và phong trào đấu tranh vì tự do của các dân tộc trên thế giới

Thứ Sáu, ngày 13 tháng 8 năm 2021 - 10:44 Đã xem: 1777

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình trung nông giàu truyền thống yêu nước ở vùng sông nước trù phú Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Bác Tôn là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam từ ngày 22 tháng 9 năm 1969; trước đó là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960) - tương đương với Chủ tịch Quốc hội bây giờ, Phó Chủ tịch nước (1960-1969) và Quyền Chủ tịch nước (2/9 - 22/9/1969).

Chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980). Nguồn ảnh: baotanglichsu.vn

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Tôn từ một công nhân, người lính thợ đến việc tổ chức đấu tranh cách mạng, từ ngục tù Côn Đảo đến tham gia kháng chiến và trải qua các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận cho đến khi làm Chủ tịch nước, vẫn luôn luôn thúc đẩy phong trào đấu tranh vì khát vọng độc lập - tự do của hết thảy, từ tổ chức, cộng đồng, tới dân tộc và quốc gia. Ở Bác toát lên khí chất của một vị lãnh tụ điển hình, được biểu hiện bởi sự tự lập - quyết đoán, khiêm tốn, giản dị, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và tinh thần bác ái, cũng như sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiềm tàng.

Ngay từ thời niên thiếu, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã kiên định với hình tượng cách mạng tự do không phải là chỉ biết có tôi, cho riêng tôi. Bác Tôn Đức Thắng là người hành động theo cách mạng vô sản trước khi đến với chủ nghĩa cộng sản. Và cũng vì thế mà lý tưởng đạo đức cách mạng mà Bác Tôn theo đuổi cũng chính là lý tưởng đạo đức của chủ nghĩa cộng sản. Các phẩm chất đạo đức cách mạng của Bác Tôn Ðức Thắng được hình thành dần dần, củng cố, hoàn thiện và phát huy thông qua thực tiễn cách mạng. Từ việc trở thành hạt nhân lãnh đạo các cuộc đấu tranh bãi khóa của học sinh Trường Bá Nghệ, là người tổ chức các cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1912 cho tới trở thành lính thợ làm việc trên chiến hạm France năm 1916, hay sau khi tổ chức và tham gia kéo cờ đỏ phản chiến của Hải quân Pháp ở Biển Đen ủng hộ nước Nga Xô viết năm 1919… Bác Tôn Đức Thắng luôn làm rõ vai trò, vị trí của mình trong tập thể. Liên tục những năm 1927, 1928, 1929, Bác Tôn Đức Thắng là Ủy viên Thành bộ Sài Gòn và Ủy viên Kỳ bộ Nam Kỳ, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được phân công phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ lớn.

Lời nói và hành động của Chủ tịch Tôn Đức Thằng toát lên những giá trị cao quý của một con người vô cùng có trách nhiệm, không chỉ với bản thân mà còn với công cuộc giải phóng dân tộc - đất nước, cũng như phong trào hoà bình thế giới. Đặc biệt rõ nét về vai trò liên kết và thúc đẩy đại đoàn kết, trong giai đoạn 15 năm tù đày ở nhà tù Côn Đảo (1930-1945), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã lan toả mọi giá trị mà mình hằng tin tưởng tới đồng đội và với những người tù khác nơi đây. Quãng thời gian này được ví như một bản anh hùng ca thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường với kẻ địch và tình cảm nồng thắm, đầy tính nhân văn với mọi người của Bác Tôn. Để rồi, từ việc bị đưa vào âm mưu trở thành tay sai, mắc bẫy ly gián của kẻ thù, Bác Tôn Đức Thắng ngược lại đã vận dụng “chức vụ cạp rằng” để xây dựng khối đoàn kết, nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Bác đã lan toả tới tất cả về lý tưởng cộng sản cao cả và bác ái, đó là các giá trị bình đẳng, độc lập, tự do, để ai ai cũng tin tưởng, yên tâm phát huy mọi khả năng sức lực và trí tuệ của mình. Mỗi người đều có mỗi bổn phận, do đó phải tự vun đắp tài năng, rèn luyện nhân cách sao cho xứng đáng với bổn phận đó. Để làm được điều này, ai ai cũng phải học chữ, học ngôn ngữ. Trong lao tù, Bác Tôn Đức Thắng vẫn tìm cách truyền hơi ấm của tình đồng chí, đồng đội, truyền ngọn lửa cách mạng của người cộng sản kiên trung tới những người cùng cảnh ngộ; dạy mọi người cùng học văn hóa, học tiếng Pháp... [1].

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Tôn Đức Thắng thoát khỏi nhà tù, gông xiềng đế quốc và tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong vòng 35 năm (1945 - 1980), đồng chí Tôn Đức Thắng đã giữ nhiều chức vụ trọng trách trong Ðảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Ở cương vị trọng trách nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, cùng Trung ương Ðảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận lãnh đạo Nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng. 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về một đời cống hiến khiến Nhân dân Việt Nam đời đời ngưỡng mộ và Nhân dân các dân tộc đấu tranh vì tự do trên thế giới tỏ lòng kính mến. Trong Điện chia buồn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời ngày 30/3/1980, có đoạn: ''Đồng chí Tôn Đức Thắng..., người con trung thành của Nhân dân Việt Nam, người bạn chiến đấu của đồng chí Hồ Chí Minh, người chiến sĩ quốc tế kiên cường, người bạn lớn của Liên Xô, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình và chủ nghĩa xã hội". Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới, từ đó góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của Nhân dân Việt Nam./.

 

  1. PGS.TS. Nguyn Xuân Trung, Hc vin Chính tr Quc gia H Chí Minh, Ch tch Tôn Đức Thắng - tm gương sáng ngi v đạo đức cách mng và tinh thn đại đoàn kết, Báo Quân Đội Nhân Dân, 16/08/2018

Đỗ Hồng Thanh

 

Xem tin theo ngày:   / /