Đình Tân Trào - nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam trong cách mạng Tháng tám năm 1945

Chủ nhật, ngày 15 tháng 8 năm 2021 - 08:14 Đã xem: 19599

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước và con người Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son chói lọi mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc ta.

Quốc dân Đại hội Tân Trào. Tranh tư liệu. 

Tháng 10-1944, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân, để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta, tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.

Tháng 5-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang lãnh đạo cách mạng. Ngày 04-6-1945, Hội nghị Cán bộ Việt Minh đã quyết nghị thành lập Khu giải phóng, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên và thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng. Uỷ ban có nhiệm vụ lãnh đạo toàn Khu về các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội. Chính sách chung của Uỷ ban lâm thời dựa vào ba điểm chính, đó là: Tổng động viên nhân dân trong khu để kháng Nhật; căn cứ vào điều kiện cụ thể và nhu cầu của cuộc kháng chiến mà thực hiện chương trình Việt Minh, kiến lập nền Dân chủ cộng hòa và ban bố các quyền phổ thông đầu phiếu, tự do dân chủ, dân tộc tự quyết, nam nữ bình quyền; cải thiện sinh hoạt cho nhân dân: Bỏ sưu, bỏ thuế thân, vận động sinh sản, v.v... Tân Trào được chọn là Thủ đô lâm thời của Khu giải phóng, là căn cứ địa chính của cách mạng cả nước, là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới. Hơn một triệu đồng bào trong Khu giải phóng bắt đầu được hưởng thành quả cách mạng. Tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút họp Đại hội đại biểu Quốc dân. Lúc bấy giờ, cao trào Kháng Nhật cứu nước đang cuồn cuộn dâng lên từ Nam chí Bắc. Toàn quốc đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập.

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Ngay đêm hôm đó, Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ lệnh khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1, kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 16-8-1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã được khai mạc tại đình Tân Trào, thuộc thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang (Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được dựng năm 1923 với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng). Về dự Quốc dân Đại hội có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa.

Chiều ngày 16-8-1945, trước khi Quốc dân Đại hội được khai mạc, lễ xuất quân của quân giải phóng Việt Nam được tổ chức, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Các vị đại biểu về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân địa phương đã ra cây đa đầu làng Tân Lập để tiễn đưa đoàn quân. Đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Đại biểu quốc dân nói lời cổ vũ động viên bộ đội quyết chiến, quyết thắng.

Sau lễ xuất quân của quân giải phóng Việt Nam, Quốc dân Đại hội được khai mạc ở đình Tân Trào. Hôm đó đình được trang hoàng đẹp đẽ, xung quanh đình được căng vải đỏ, gian giữa dùng để triển lãm một số sách báo tuyên truyền cách mạng như: Báo Việt Nam mới, Cờ giải phóng… và một số vũ khí ta thu được của địch. Chái phía tây là nơi nghỉ ngơi của các vị đại biểu, chái phía đông là nơi họp Đại hội, trên sàn có những dãy ghế ghép lại bằng tre mai, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng và bàn chủ tịch. Chủ trì Đại hội là đồng chí Trường Chinh, trong Đại hội, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được bầu vào đoàn chủ tịch với tên gọi kính yêu Hồ Chí Minh. Tại Đại hội các vị đại biểu được nghe các bản báo cáo như: Báo cáo của đồng chí Trường Chinh phân tích tình hình thế giới, trong nước làm rõ quân Đồng Minh đang thắng lớn trên các mặt trận và ngày thất bại của phát xít Đức - Ý - Nhật sắp đến. Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, thời cơ khởi nghĩa cả nước đã điểm, bản báo cáo nêu rõ yêu cầu cấp bách cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng, để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Báo cáo cũng nêu lên 10 điều cần thực hiện để giành chính quyền, đảm bảo độc lập tự do cho đất nước, lợi ích của các tầng lớp nhân dân; đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân. Đồng chí Trần Đức Thịnh báo cáo về phong trào nông dân. Đồng chí Nguyễn Đình Thi báo cáo về văn hoá và trí thức. Đồng chí Hoàng Đạo Thuý báo cáo về phong trào hướng đạo. Đồng chí Vũ Oanh thay mặt cho đoàn báo cáo phong trào cách mạng sôi nổi tại Hà Nội. Các bản báo cáo  được đồng chí Hồ Chí Minh cùng các đại biểu rất hoan nghênh. Sau đó các đại biểu Bắc - Trung - Nam lần lượt phát biểu ý kiến đều đồng tình với chủ trương khởi nghĩa trong cả nước để giành chính quyền.

Đại hội đã sôi nổi thảo luận một số vấn đề về thái độ của nhân dân ta khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Đồng chí Hồ Chí Minh phân tích: ta với tư thế là người làm chủ đất nước và đón tiếp quân Đồng Minh với thái độ người chủ nhân đất nước. Người cũng nêu rõ phải cảnh giác đề phòng bọn thực dân Pháp, có thể nấp sau quân Đồng Minh thâm nhập vào nước ta để hy vọng đặt nhân dân ta dưới ách nô lệ một lần nữa. Người căn dặn các địa phương phải có thái độ bình tĩnh để không mắc vào âm mưu khiêu khích của Pháp và bọn phản động.

Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, bao gồm: (1) Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; (2) Võ trang nhân dân, phát triển quân Giải phóng Việt Nam; (3) Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo; (4) Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ; (5) Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền, Tài quyền (quyền sở hữu), Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền; (6) Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân; (7) Ban bố Luật lao động, ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm; (8) Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở Quốc gia ngân hàng; (9) Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hóa mới; (10) Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ”. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là cờ đỏ, sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Sáng ngày 17-8-1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng đọc lời tuyên thệ: "Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội  bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân  ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo  nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!".

Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa, với tinh thần quật cường của Quốc dân Đại hội Tân Trào, cả nước đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ hai trong lịch sử dân tộc ta. Quốc dân Đại hội Tân Trào chính là tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này là Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 10 chính sách của Việt Minh cũng chính là tiền đề của bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta.

76 năm đã trôi qua, Quốc dân Đại hội vẫn mãi mãi là niềm tự hào của Đảng, của quân và dân ta, là động lực cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Nguyễn Văn Đức

 

Xem tin theo ngày:   / /