Tuyên Quang, miền đất trù phú và tươi đẹp, nơi tụ cư lâu đời của 22 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Cao Lan, Pà Thẻn,…cùng chung sống đoàn kết bên nhau...Với truyền thống yêu nước cách mạng, với tinh thần cần cù trong lao động, sáng tạo, các dân tộc đã sớm gắn bó, đoàn kết bên nhau để chống thiên tai, giặc giã, cùng nhau vun đắp nên truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.

Lớp học đàn Then của các em học sinh người dân tộc Tày ở xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa.
Đồng bào các dân tộc sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, cùng chung lưng, đấu cật, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình vỡ đất, khai hoang ... tạo lập nên những bản làng, những nương đồi trù phú. Ở các vùng thung lũng, vùng chảo thấp, ven các triền sông, suối ở Tuyên Quang thuận lợi cho việc canh tác lúa nước, thường là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu,…Cùng với nghề trồng lúa nước, bà con còn dùng tri thức bản địa để chinh phục thiên nhiên làm phong phú hơn đời sống vật chất, tinh thần của mình. Người Mông, Dao, Pà Thẻn lại cư trú phần nhiều ở trên các vùng đồi núi cao, canh tác trên đồi núi khô và cạn; đồng bào Mông, Dao đã góp phần tạo nên một hệ thống ruộng bậc thang kỳ vỹ. Người Dao thờ thủy tổ của mình là Bàn Hồ, Bàn Vương và có một kho tàng tri thức dân gian phong phú, trong đó đặc biệt là các bài thuốc dân gian...
Mỗi một dân tộc thể hiện được bản sắc, linh hồn, cốt cách của mình qua bộ trang phục truyền thống. Để dệt thêu được một bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ phải rất chăm chỉ, khéo léo với đường kim mũi chỉ thêu thùa cầu kỳ, mất nhiều thời gian, công sức. Muốn có một bộ váy áo trong ngày cưới, các cô gái người dân tộc phải chuẩn bị không chỉ vài tháng mà một vài năm cho bộ trang phục của mình để làm cô dâu về nhà chồng,... Về văn hóa ẩm thực, đồng bào các dân tộc thiểu số rất giỏi trong chế biến các món ăn, đồ uống và đặc biệt là cách ứng xử trong ăn uống cũng là những nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của các tộc người. Người Tày mến khách, cởi mở, dễ gần, chân thành, mộc mạc trong ứng xử, giao tiếp, họ nổi tiếng với món sôi năm màu, bánh trứng kiến, bánh chuối gai, cá chép ruộng muối chua,… Người Dao, người Tày, người Mông ở Na Hang nấu rượu ngô làm từ men lá rất đặc biệt...ngoài ra còn có rất nhiều các đặc sản ngon và đặc sắc đó là chè San Tuyết Na Hang, Cam sành Hàm Yên, Gỏi cá bống Sông Lô, Bánh Khảo, Ngô nếp Soi Lâm, Thịt lợn đen,…
Cùng với trang phục và ẩm thực, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang còn có đời sống tinh thần phong phú: Các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, như Lễ hội xuống đồng còn gọi là Lễ hội Lồng Tông, Lễ hội cầu mùa, lễ hội động Tiên, lễ hội giã cốm...Các lễ hội nông nghiệp truyền thống này đều mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, cầu cho mùa màng bội thu, nhân dân được bình yên, no ấm. Lễ hội đình làng Giếng Tanh, lễ hội đình làng Minh Cầm của người Cao Lan huyện Yên Sơn được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tạ ơn những người đã có công tạo dựng nơi cư trú, bảo trợ dân làng làm ăn yên ổn; một số lễ hội đã được quan tâm phục dựng lại, như: Lễ rước Mẫu tại Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang); Lễ rước mẫu đình Thác Cấm (Hàm Yên)... Nhiều năm trở lại đây, tỉnh đã tổ chức Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội Trung thu độc đáo và riêng có với những Đêm hội đường phố hoành tráng, tạo nên một dấu ấn, một nét văn hóa đặc sắc, riêng có của người dân thành Tuyên. Với tài năng, với khiếu thẩm mỹ tinh tế, cùng tâm hồn bay bổng, khoáng đạt, những nghệ nhân dân gian thành Tuyên đã sáng tạo nên các mô hình trình diễn sinh động, mang đậm chất dân gian truyền thống dành cho trẻ em nhân Tết Trung thu hằng năm. Đây là Lễ hội được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.
Ngoài các lễ hội mang tính cộng đồng tiêu biểu trên, phải kể đến một kho tàng tri thức dân gian độc đáo, được đúc kết qua nhiều thế hệ, từ việc truyền miệng thơ ca, truyện cổ, ca dao, tục ngữ cho đến các làn điệu dân ca, dân vũ phong phú, đặc sắc, phản ánh trong đó là quan niệm của cộng đồng các dân tộc về vũ trụ, về tâm thế ứng xử trước thiên nhiên, con người và vạn vật...Đó chính là Dân ca - món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc, thường diễn ra trong những ngày vui, ngày lễ Tết, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào. Người Tày ở Tuyên Quang có văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu trong đó, làn điệu hát then và giai điệu của cây đàn tính là một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào. Nguồn gốc then đã có từ khi tổ tiên người Tày có nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và phát triển theo sự tiến bộ của cộng đồng dân tộc Tày. Năm 2013, Hát Then - tính tẩu ở tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; năm 2020, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” được UNESCO trao Bằng ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cùng với hát Then của người Tày, dân tộc Dao còn có hát Páo dung và Lễ cấp sắc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cấp sắc là một nghi lễ truyền thống bắt buộc đối với người đàn ông. Đây là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông trong cộng đồng. Người Dao quan niệm, người đàn ông phải trải qua lễ cấp sắc mới là người có Tâm, có Đức để biết phân biệt phải trái, mới có đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình, dòng họ, làng bản... Người cấp sắc được cấp một đạo sắc, trong đó có ghi những lời răn dạy về đạo lý sống, như: Phải biết kính trên, nhường dưới, không được làm điều ác, điều xấu, biết kính trọng ông bà, cha mẹ. Anh em phải sống hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau... Lễ cấp sắc kết thúc cũng là lúc người đàn ông Dao được công nhận là người có đầy đủ mọi tiêu chuẩn của một thành viên chính thức của cộng đồng. Tết nhảy cũng là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao trong mỗi dịp lễ, Tết. Tương truyền tổ tiên người Dao từ phía bắc vượt biển Đông vào Việt Nam, gặp cơn cuồng phong dữ dội, người Dao đã phải nhảy lên để cầu khấn thần linh, tổ tiên cứu giúp và hứa khi Trời yên bể lặng, sau này nguyện sẽ sắm sửa lễ vật, múa hát làm lễ Tết nhảy để tạ ơn. Để tổ chức Tết nhảy, đồng bào luôn có ý thức chuẩn bị rất tươm tất, công phu từ lương thực, thực phẩm (gà, lợn, rượu gạo, giấy bản...). Đây là một nghi lễ tôn nghiêm trong tâm thức người Dao, để tưởng nhớ ơn cứu mạng của tổ tiên.
Người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình có Lễ hội nhảy lửa, là một trong sinh hoạt tín ngưỡng rất đặc biệt và giàu chất nhân văn. Sau khi được thầy cúng làm phép, các chàng trai đã nhảy vào đống than hồng bằng đôi chân trần mà không hề bị bỏng...người Pà Thẻn quan niệm: lửa mang lại sự ấm áp, lửa tiếp cho họ sức mạnh của thần linh, đồng thời lửa cũng giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật...Lễ hội nhảy lửa thể hiện lòng dũng cảm, sức mạnh phi thường của con người trước thiên nhiên đầy bất trắc với mong muốn, với khát vọng muôn đời của cư dân nông nghiệp lúa nước: cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống được thuận lợi, yên vui, hạnh phúc. Lễ hội nhảy lửa đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012 nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và thu hút đông đảo cộng đồng tham gia.
Những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc, qua lớp lớp các thế hệ chung tay gìn giữ, trao truyền và bồi đắp đã tạo nên truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Đó chính là những giá trị tinh thần cao quý, là mạch nguồn sâu xa tạo nên sự gắn kết cộng đồng dân tộc, là ý chí quyết tâm đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Thúy Quang