
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và tuyên dương học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh!
Thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh yêu quý!
Trong không khí cả nước dành sự quan tâm đặc biệt cho năm học mới 2021-2022, Hôm nay, Tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, rất vinh dự đến dự Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và tuyên dương học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Tôi kính chúc các đồng chí đại biểu, các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo có mặt tại điểm cầu Trung tâm hội nghị và các điểm cầu huyện, thành phố mạnh khoẻ, hạnh phúc; chúc các em học sinh luôn chăm ngoan, học giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện; chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh thân mến!
Năm học 2020-2021, diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt; là năm học đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; là năm học bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên, công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh đã hoàn thành chương trình, các nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả, thành tích đã được nêu đầy đủ, cụ thể trong Báo cáo tổng kết, Tôi xin khái quát một số kết quả nổi bật như sau:
Một là, những năm qua và năm học 2020-2021, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp và Nhân dân đã dành sự quan tâm nhiều hơn cho công tác giáo dục - đào tạo nói chung, ngành Giáo dục - Đào tạo nói riêng. (Cấp ủy, chính quyền đã dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội phối hợp ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn; nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo: Chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; hỗ trợ cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ đi nhà trẻ, phát triển hệ thống trường bán trú, nội trú... được ban hành; nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được bố trì nhiều hơn…).
Ngành Giáo dục - Đào tạo đã tham mưu và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về giáo dục - đào tạo. Trọng tâm là, tham mưu ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, như: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; kế hoạch xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn; kế hoạch phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú...
Hai là, mặc dù gặp ít khó khăn, nhưng cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trong toàn tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chưa có tiền lệ, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch, với phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”, vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa triển khai tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo năm học 2020-2021 đã đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó nhiều địa phương, nhiều trường, nhiều lớp, nhiều cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo, nhiều em học sinh đạt kết quả, thành tích rất cao.
Ba là, chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được duy trì, nhiều mặt được nâng lên. Nổi bật là, tiếp tục cao nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt trên 99,9%, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt 37,1% (cao hơn bình quân của cả nước gần 09%; vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2,5%); triển khai thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa mới và chương trình giáo dục địa phương lớp 1, tỷ lệ học sinh học lớp 1 được học 2 buổi/ngày đạt 86,2% (tăng 20,4% so với đầu năm học); tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 98,9%; điểm trung bình các môn thi xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố (tăng 09 bậc so với kỳ thi năm 2020). Chất lượng giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên, trong năm học toàn tỉnh có 20 em đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia.
Thay mặt Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tôi xin ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành Giáo dục - Đào tạo của tỉnh đã đạt được trong năm học vừa qua; nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương 52 em học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi năm học 2020-2021 và các tập thể, giáo viên bồi dưỡng học sinh đạt giải quốc gia được tôn vinh, khen thưởng ngày hôm nay.
Thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh thân mến!
Bên cạnh những kết quả đạt được, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá thẳng thắn, công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong Báo cáo tổng kết đã nêu tương đối đầy đủ, Tôi xin trao đổi thêm mấy ý để các các đồng chí nhìn nhận và xem xét bổ sung, hoàn thiện báo cáo, đó là:
Thứ nhất, đánh giá một cách khách quan thì sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong tỉnh dành cho công tác giáo dục - đào tạo nói chung, ngành Giáo dục - Đào tạo nói riêng có lĩnh vực chưa thỏa đáng so với yêu cầu yêu cầu của ngành giai đoạn hiện nay (có thể nói, trong chỉ đạo, điều hành, chúng ta có lĩnh vực chưa đồng bộ, chưa kịp thời; chưa bố trí, sắp xếp đủ, hợp lý đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các đơn vị trường học; chưa thường xuyên quan tâm động viên, khích lệ chia sẻ với những khó khăn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho các trường, các thầy giáo, cô giáo; chưa cân đối, bố trí hợp lý nguồn lực cho công tác giáo dục - đào tạo; chưa kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xã hội hóa lĩnh vực giáo dục còn hạn chế…) đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh.
Thứ hai, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục - Đào tạo chưa đồng đều và còn thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực; tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, giáo viên tuy đã đạt chuẩn về trình độ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ chuyên môn, không dám đổi mới, sáng tạo. Tỷ lệ giáo viên các bậc học đạt chuẩn theo quy định còn thấp. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, giáo viên chưa hợp lý, chất lượng chưa đáp ứng nhiệm vụ (thừa - thiếu cục bộ; trình độ, năng lực chưa đồng đều, còn chênh lệch khá cao giữa các khu vực...). Công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị trường học còn hình thức, bệnh thành tích chưa được khắc phục, chưa phản ánh đúng năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ quản lý, giáo viên... cần phải khẩn trương, quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục. Hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải pháp trong thời gian qua.
Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có tính chuyên sâu, bài bản, sát với tình hình thực tế của địa phương, có tính đột phá về chất lượng, về công tác giáo dục - đào tạo của Ngành, trực tiếp là Sở Giáo dục - Đào tạo còn hạn chế, nhất là chưa phát hiện những tồn tại, hạn chế, yếu kém về tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh để có giải pháp khắc phục.
Thứ ba, mặc dù chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước được nâng lên, nhưng còn vẫn còn thấp, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều, còn chênh lệch rất lớn giữa khu vực đô thị với vùng sâu, vùng xa và thấp hơn so với nhiều tỉnh trong khu vực. Kết quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn thấp; chất lượng giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện còn hạn chế; việc dạy, học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin; xã hội hóa giáo dục, phối hợp giữa ngành giáo dục với các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, phụ huynh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục còn hạn chế; việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu...
Những hạn chế này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực, kể cả đội ngũ tri thức và lao động phổ thông, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng phát triển của tỉnh trong những năm vừa qua.
Thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh thân mến!
Đảng và Bác Hồ đã xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; “Không có giáo dục thì không nói đến kinh tế, văn hóa...”; con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu quan trọng nhất của sự phát triển. Quán triệt vai trò, ý nghĩa đó, bước vào năm học mới 2021-2022 và những năm học tiếp theo, hệ thống chính trị toàn tỉnh nói chung, trực tiếp là ngành Giáo dục - Đào tạo có trọng trách lớn và cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt cạnh tranh về lao động, việc làm trong quá trình hội nhập, cạnh tranh về phát triển giáo dục ở trong nước và khu vực, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nhiệm vụ, giải pháp phải căn cơ, bài bản, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thì mới đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2021-2022, đến năm 2025 và các năm tiếp theo đã được xác định rất đầy đủ, cụ thể trong các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và của Ngành. Tại hội nghị hôm nay, Tôi nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm có tính định hướng, gợi mở để các đồng chí nghiên cứu, tập trung thực hiện:
Một là, chuẩn bị thật tốt các điều kiện để vừa triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học mới 2021-2022, vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Giáo dục - Đào tạo và của tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo. Trọng tâm là, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, ứng phó với dịch Covid-19; các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và của Ngành về công tác giáo dục - đào tạo giai đoạn 2020-2025, phấn đấu đưa chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh phát triển nhanh, vững chắc trong giai đoạn 2021-2025.
Hai là, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Đây là đòi hỏi rất quan trọng và cấp thiết để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cả trước mắt và lâu dài của tỉnh. Theo đó, cần sớm rà soát, đánh giá rõ hơn về mức độ tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn để từ đó xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp một cách căn cơ, bài bản, có lộ trình và phải có tính đột phá về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bổ sung, sắp xếp hợp lý, để nâng cao có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp; năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, động viên, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình, tiên tiến, tiêu biểu, nhằm khơi dậy nhiệt huyết, niềm tự hào về nghề nghiệp, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo. Thực hiện thi tuyển chức danh hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đối với các trường học; "đặt hàng", "giao nhiệm vụ” đổi mới, đột phá cho cán bộ quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc Sở, trưởng, phó phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thành phố; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị trường học. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là phải thực chất. Lấy kết quả đánh giá làm căn cứ luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, quy định điều kiện, tiêu chuẩn việc bổ nhiệm lại, việc miễn nhiệm các chức danh cán bộ quản lý, nhất là ở các đơn vị trường học.
Thưa các thầy giáo, cô giáo!
Phía sau thành công của các thế hệ học trò là sự tận tâm, tận lực của mỗi thầy, cô giáo. Bằng nguồn cảm hứng, đam mê, tinh thần tự học của bản thân, các thầy, cô giáo đã thắp lên trong lòng các thế hệ học trò tinh thần chủ động, sáng tạo, hứng khởi học tập; tình cảm yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng. William A. Ward có câu danh ngôn rất ý nghĩa: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Tôi rất mong các thầy giáo, cô giáo suy ngẫm để cùng thấy rõ hơn vai trò, ý nghĩa của người thầy, cô đối với các em học sinh, đối với chất lượng của nền giáo dục.
Ba là, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực và lấy học sinh làm trung tâm”; đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học...” triển khai thực hiện tốt việc dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới; đề án về nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; kế hoạch xây dựng trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn; kế hoạch phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú... phấn đấu giữ vững, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; chất lượng điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10; nâng cao số lượng và chất lượng giải các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, nhất là thi học sinh giỏi Quốc gia; nâng cao tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, sớm khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá, xếp loại học sinh, sinh viên, bảo đảm “Học thật, thi thật, chất lượng thật và nhân tài thật”. Chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, truyền thống cách mạng, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên. Thực hiện giao chỉ tiêu phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở; thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học trong định hướng đào tạo, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển Trường Đại học Tân Trào đến năm 2025 và các đề án đảm bảo mục tiêu phấn đấu xây dựng Trường thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, khoa học và chuyển giao công nghệ của tỉnh và khu vực; tham mưu Đề án xây dựng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh theo hướng gắn lý thuyết với thực hành và gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về việc làm và nhân lực cho sự phát triển của địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục nói chung, công tác dạy và học, công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường nói riêng. Triển khai đồng bộ phần mềm quản lý trường học, khai thác có hiệu quả các ứng dụng, tài liệu trên mạng Internet góp phần vào đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học cũng như công tác kiểm tra, đánh giá trong nhà trường; tiếp tục nhân rộng mô hình dự giờ, sinh hoạt chuyên môn và dự học trực tuyến giữa các đơn vị trường, lớp học. Hỗ trợ học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận tốt với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Bốn là, tiếp tục củng cố, sắp xếp hệ thống trường, lớp học gắn với phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đảm bảo chặt chẽ, hợp lý, giảm tối đa các điểm trường lẻ, nhất là đối với bậc tiểu học để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; Kế hoạch phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2021-2025. Nghiên cứu xây dựng các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trọng điểm có chất lượng cao ở các huyện, thành phố. Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập các bậc học; mở rộng, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các phòng học thông minh, phòng học trực tuyến và các phần mềm ứng dụng cho các trường mầm non, phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh xã hội hoá phát triển giáo dục và đào tạo; nghiên cứu, tham mưu xây dựng đề án, kế hoạch phát triển giáo dục ngoài công lập của tỉnh.
Năm là, nghiên cứu xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Trọng tâm là, chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao, sinh viên sư phạm đỗ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về tỉnh công tác; có chính sách hỗ trợ học sinh có kết quả học giỏi đi học ngành sư phạm cam kết về công tác tại tỉnh để tạo nguồn giáo viên có trình độ, chất lượng cao, tâm huyết với nghề cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục ngoài công lập, mở rộng các loại hình giáo dục - đào tạo, đáp ứng tình hình, xu thế mới...
Sáu là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội các cấp đối với công tác giáo dục - đào tạo; xác định công tác giáo dục - đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đảm bảo hiệu quả, thực chất, bền vững.
Đối với các em học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong năm học vừa qua, đây là điều rất đáng mừng và tuyên dương, song đây chỉ là kết quả ban đầu. Tôi mong các em sẽ không thỏa mãn với kết quả đạt được, phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, xác định rõ trách nhiệm của người học sinh, sinh viên đối với những yêu cầu của xã hội để sống có lý tưởng, không ngừng học tập, rèn luyện sáng tạo, đạt nhiều thành tích cao trong tương lai. Đồng thời phải biết quan tâm giúp đỡ bạn bè, nhất là các bạn có hoàn cảnh khó khăn, cùng thi đua, cùng nhau tiến bộ.
Thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh thân mến!
Trước khi dừng lời, Tôi xin đọc câu nói nổi tiếng về giáo dục của Nelson Mandela, Cựu Tổng thống, biểu tượng vĩ đại của Nam Phi, ông nói “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giao dục và cho phép gian lận trong thi cử. Bệnh nhân sẽ chết dưới tay các bác sỹ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sụp đổ của một Quốc gia”. Qua câu nói này, chúng ta thấy, giáo dục là nhiệm vụ rất trọng yếu, tức là rất quan trọng nhưng cũng là khâu rất yếu, nếu thực hiện không tốt thì rất dễ nguy hại cho Quốc gia, cho địa phương...
Thưa các đồng chí đại biểu!
Thưa các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh thân mến!
Với những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, với tinh thần cầu thị, đổi mới cùng sự nỗ lực không ngừng vươn lên của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh; sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, Tôi tin tưởng rằng, ngành Giáo dục - Đào tạo của tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021-2025; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, đưa chất lượng giáo dục của tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới...
Trong không khí hân hoan năm học mới 2021-2022, Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tôi gửi đến các thế hệ cán bộ, thầy giáo, cô giáo, công chức, viên chức, nhân viên ngành giáo dục toàn tỉnh, những người đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp “Trồng người” của tỉnh lời thăm hỏi và cảm ơn sâu sắc nhất. Kính chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công; tiếp tục có những cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.
Một lần nữa, xin chúc các đồng chí đại biểu mạnh khoẻ; chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức của Ngành cùng toàn thể các em học sinh một năm học mới với nhiều thắng lợi mới. Xin chân thành cảm ơn!