Tuyên Quang trong tiến trình hội nhập và phát triển

Thứ Năm, ngày 9 tháng 9 năm 2021 - 16:24 Đã xem: 1652

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đến nay, Tuyên Quang đã đạt được những kết quả khả quan, vị thế của tỉnh được nâng lên, mở rộng cơ hội phát triển và hội nhập.

Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2017 _ Nguồn baotuyenquang.com.vn

Việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của Tỉnh uỷ, do đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần thực hiện đạt kết quả tốt đối với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình hành động số 12-CTr/TU, ngày 16/02/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế của tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quảng bá hình ảnh, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng trong khu vực và trên thế giới.


Tỉnh đã chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối tác đầu tư; thường xuyên tham dự các hội nghị, toạ đàm gặp gỡ đối tác nước ngoài (1); tăng cường quan hệ với các cơ quan đại diện của một số nước tại Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở một số nước. Các cuộc toạ đàm, gặp gỡ với các nước Hoa Kỳ, Azerbaijan, Vương quốc Anh... đã mở ra cơ hội mới để tìm hiểu phát triển thị trường, đồng thời quảng bá hình ảnh Tuyên Quang với các nước lớn. Quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống được tiếp tục củng cố và phát triển toàn diện; các hoạt động hợp tác với các tỉnh Xiêng Khoảng, Phông Sa Lỳ (Lào); thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggy (Hàn Quốc); Châu Vân Sơn (Trung Quốc)... diễn ra thường xuyên, liên tục trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá và hỗ trợ đào tạo cán bộ.

Về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, năm 2017, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và quảng bá du lịch Tuyên Quang, với sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; triển khai chương trình xúc tiến thương mại hằng năm nhằm quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản, các sản phẩm được chế biến từ nông lâm nghiệp để mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trung tâm chất lượng cao tại thành phố Tuyên Quang và các thị trấn, các chợ đầu mối, hệ thống kho bãi trung chuyển hàng hoá, đầu tư các chợ nông thôn.

Tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại và đặc biệt, với sáng kiến tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” hằng quý, việc trao đổi, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đã được tháo gỡ dần, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được cải thiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó việc cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Tuyên Quang. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được 45 dự án công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 13.000 tỷ đồng (2).

Xác định giữ vững quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW: hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội. Trong thời gian qua, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành kịp thời các nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững và củng cố quốc phòng – an ninh. Trong đó, có các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo đó, trong các sự kiện văn hoá cấp quốc gia, khu vực tổ chức tại Tuyên Quang, tỉnh đã chỉ đạo mời một số đại sứ quán và đoàn nghệ thuật nước ngoài tham gia nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương về văn hoá, đồng thời quảng bá những nét văn hoá độc đáo của địa phương với du khách nước ngoài như: Lễ hội Thành Tuyên; lễ hội nhảy lửa; di sản thực hành Then Tày...; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, văn hoá, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, cổ động trực quan bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như EVFTA, CPTPP). Trong quá trình thực hiện các cam kết chung, tỉnh đã chủ động xử lý các vấn đề phát sinh nhằm ổn định xã hội như: các vấn đề về môi trường được giải quyết tốt. Hiện nay, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (3); giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 121.964 người, đạt 122% kế hoạch đề ra, tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực thành thị giảm từ 3% năm 2015 xuống còn 2,5% năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 75% (4) ...

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra của cả nước nói chung và Tuyên Quang nói riêng. Là một tỉnh miền núi, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Tuyên Quang rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc giới thiệu các nhà đầu tư lớn, có uy tín, đủ tiềm lực tài chính đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Tuyên Quang, nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và du lịch của tỉnh là hết sức quan trọng. Để tỉnh Tuyên Quang có bước đột phá, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý để bảo đảm khả năng tự chủ kinh tế, đồng thời phát triển nhanh, phát triển bền vững. 

Xác định rõ quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chưa tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh hiện có, vì vậy trong giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhấn mạnh đến vấn đề tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè quốc tế; bên cạnh đó, để tiếp tục vững bước trên con đường hội nhập, khẳng định vị thế của Tuyên Quang tỉnh đã đề ra phương hướng: Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có kỹ năng, tay nghề cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và thu nhập. Chăm lo phát triển văn hoá, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện tốt các chính sách vùng đặc biệt khó khăn; chính sách dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

Nguyễn Thị Mai Lan

---------------------------

(1)(2)(4) Báo cáo số 84-BC/TU, ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW

(3) Năm 2020: Tuyên Quang có 425.365 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng là trên 65%.

 

Xem tin theo ngày:   / /