Mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp trong xây dựng và phát triển đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Vận dụng vào hoàn thiện cơ cấu ngành kinh tế hiện nay

Thứ Ba, ngày 14 tháng 9 năm 2021 - 16:22 Đã xem: 5858

Công nghiệp và nông nghiệp có mối quan hệ biện chứng trong quá trình phát triển ở mọi quốc gia. Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước càng cho thấy rõ giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp trong quá trình phát triển. Hiểu rõ và vận dụng đúng đắn tư tưởng của Người sẽ giúp Việt Nam giải quyết tốt mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa thời gian tới.

1- Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến mối quan hệ giữa các yếu tố hợp thành của nền kinh tế quốc dân. Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công nghiệp và nông nghiệp là hai ngành kinh tế quan trọng nhất và có tác động qua lại với nhau rất mật thiết. Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Người dùng từ “què”, “khập khiễng” để phê phán sự phát triển không đồng bộ giữa công nghiệp và nông nghiệp. Là “hai chân của nền kinh tế” phải phát triển vững chắc cả hai: “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh, và nhanh chóng đi đến mục đích”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (năm 1960)_Nguồn: hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm thấy được rằng: Muốn nâng cao đời sống của nhân dân, tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ...”(2), trước hết phải không ngừng phát triển nền kinh tế quốc dân. Mà vấn đề cơ bản hàng đầu để phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đó chính là bắt đầu từ nông nghiệp: “Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay”(3). Phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, giải quyết đời sống cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp.

Đánh giá vị trí, vai trò của nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi phát triển nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, tiên quyết giải quyết mọi vấn đề xã hội. Nông nghiệp giải quyết nhu cầu quan trọng nhất, cơ bản nhất, cấp thiết nhất của con người là nhu cầu ăn, mặc, ở. Trong đó, ăn là nhu cầu đầu tiên. Chỉ khi nào thỏa mãn được các nhu cầu ăn trên một mức độ nhất định thì người ta mới nghĩ đến những nhu cầu cao hơn. Người nhấn mạnh: “Dân dĩ thực vi thiên”, “nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn thì không có trời”.

Người cho rằng: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc, do vậy: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(4). Bên cạnh đó, ở nước ta công nghiệp chưa phát triển, tỷ trọng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của công nghiệp còn thấp. Phải từ nông nghiệp để giải quyết vấn đề đời sống trước mắt. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc tập trung phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và yêu cầu các ngành khác phải lấy việc phục vụ nông nghiệp làm trung tâm. Người viết: “Hiện nay Đảng và Chính phủ có quyết định khôi phục kinh tế, mà sản xuất nông nghiệp là chính(5).

Như vậy, trong mối quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh
chỉ rõ, do chỗ bắt đầu đi lên của ta là nông nghiệp, nên trước mắt chúng ta phải lấy nông nghiệp làm chính, tức là theo cơ cấu nông - công nghiệp. Nhưng nông nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh, có sản phẩm dồi dào khi mà dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi, mà muốn có nhiều máy thì “phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”(6). Bởi theo Người, muốn đi tới chủ nghĩa xã hội, phải trải qua một thời kỳ quá độ để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Đã nhiều lần Người khẳng định vai trò của nông nghiệp, coi nông nghiệp là gốc, đồng thời Người vẫn nhấn mạnh công nghiệp hóa mới là con đường cơ bản để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Người nêu rõ: “Hiện nay, chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu... Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”(7).

Trong quá trình công nghiệp hóa (CNH) đất nước, Người luôn đánh giá rất cao vị trí và vai trò của nông nghiệp. Ở chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp”(8). Điều này rất phù hợp với điều kiện nước ta khi đó, một nước nông nghiệp lạc hậu, chiếm bộ phận lớn trong kinh tế. Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to lớn không chỉ những hàng hóa thiết yếu cho đời sống hằng ngày mà cả những hàng hóa, thiết bị, máy móc, công cụ các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp muốn phát triển, phải có vốn tích lũy từ nông nghiệp để mua máy móc, phải có #n cho công nhân, nhà máy phải có nguyên liệu. Điều đó chỉ có thể trông cậy ở một nền nông nghiệp phát triển mới có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho ngành công nghiệp.

Như vậy, mặc dù coi trọng sự phát triển đồng bộ nông nghiệp và công nghiệp, nhưng theo Người, trong giai đoạn đầu, nông nghiệp có vai trò quan trọng, là cơ sở trong mối quan hệ kinh tế - nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trong quá trình CNH, từ đó Người xác định “các ngành này phải lấy phục vụ nông nghiệp làm trung tâm”. Điều đó đòi hỏi trong giai đoạn này những đường lối, phương châm, kế hoạch, mục tiêu phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế khác phải lấy nông nghiệp, nông thôn là đối tượng phục vụ. Đối với phát triển công nghiệp nặng, Người nói: “Công nghiệp nặng cũng phải cung cấp đủ máy móc các loại cho công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp phát triển nhanh chóng”(9). Với quan điểm đó, giai đoạn này nhiều ngành công nghiệp nặng ra đời, đặc biệt trong ngành cơ khí phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long_Ảnh: TTXVN

Có thể thấy, tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp trong thời kỳ quá độ thể hiện quan điểm xuyên suốt là: Tập trung phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ tác động biện chứng với phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp trước hết cũng để phục vụ nông nghiệp. Muốn cho nông nghiệp phát triển, công nghiệp phải được phát triển và công nghiệp muốn phát triển phải nhằm phục vụ cho nông nghiệp. Giải quyết đúng đắn, hợp lý mối quan hệ này thì kinh tế xã hội chủ nghĩa mới phát triển, đời sống nhân dân mới không ngừng được cải thiện.

2- Xuất phát điểm thấp, từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, nước ta đã chú trọng phát triển nông nghiệp trong giai đoạn đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhờ chính sách đúng đắn đó, sau bao nhiêu năm chiến tranh, người dân được ăn no, mặc ấm. Nông nghiệp còn tạo tiền đề cho phát triển ngành công nghiệp non trẻ của Việt Nam, vì bên cạnh cung cấp lương thực, nông nghiệp còn giúp một nước còn nghèo như Việt Nam có tích lũy ban đầu để đổi lấy máy móc, vật tư cho phát triển công nghiệp.

Cùng với đó, để tạo dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, không có con đường nào khác là phải đẩy mạnh CNH, thực hiện chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội, từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại. Đường lối về công nghiệp hóa đất nước đã được Đảng ta đưa ra tại Đại hội lần thứ III (năm 1960). Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, miền Nam chưa giải phóng, quá trình công nghiệp hóa lúc bấy giờ được tiến hành ở miền Bắc với nền kinh tế gần như khép kín, hướng nội và ưu tiên cho công nghiệp nặng. Giai đoạn này, với mục đích đẩy mạnh CNH để phục vụ trước hết là nông nghiệp nên công nghiệp nhẹ được ưu tiên phát triển. Trong đó, công nghiệp chế biến - một bộ phận của công nghiệp nhẹ - đã hỗ trợ rất nhiều cho nông nghiệp.

Từ khi đổi mới năm 1986, cơ chế kế hoạch hóa tập trung được chuyển dần sang cơ chế thị trường, mở cửa nền kinh tế, bắt đầu chú trọng nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và những ngành hàng có thể xuất khẩu. Chính điều kiện mới này mà tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa VII, năm 1994, Đảng ta đã xây dựng Chiến lược công nghiệp hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập. Cũng từ đây, nhiệm vụ CNH, hiện đại hóa (HĐH) nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm, chú trọng.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã xác định nhiệm vụ cơ bản của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của nông nghiệp, và cần gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp trong quá trình CNH đất nước.

Từ những chính sách đó, nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, đặc biệt giai đoạn sau đổi mới, từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất với nhiều mặt hàng đứng trong nhóm đầu của thế giới, như gạo, hồ tiêu, hạt điều,... Sự phát triển của nông nghiệp tạo rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhờ có công nghiệp chế biến mà giá trị của nông sản tăng lên nhiều lần, tạo ra nhiều hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Công nghiệp còn tạo ra nhiều việc làm, giải quyết việc làm tại chỗ, thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, tận dụng lao động thời vụ ở nông thôn,... Công nghiệp cũng là tiền đề cho phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng HĐH, đó là hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi, kết cấu hạ tầng xã hội nông thôn, các trung tâm khoa học - kỹ thuật phục vụ nông nghiệp,...

Cơ cấu tổng thể các ngành kinh tế nước ta dịch chuyển theo hướng hiện đại, từng bước gắn với phát triển bền vững. Nếu như năm 1990, nông nghiệp đóng góp 38,7% trong GDP thì đến năm 2000 chỉ còn 24,5%, năm 2010 là 21% và đến năm 2020 còn 14,85%.

Tuy nhiên, trong giải quyết mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp, chúng ta cũng rút ra một số bài học khi chưa vận dụng đúng tư tưởng của Người trong giải quyết mối quan hệ này:

- Khi chủ trương tách phát triển công nghiệp với nông nghiệp, tập trung cho phát triển công nghiệp nặng.

Chủ trương “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, sau đó tiếp tục được kế thừa tại Đại hội Đảng lần thứ IV (năm 1976) đã được đôn đốc thực thi ráo riết trong nhiều năm. Tuy có đạt được một số kết quả khiêm tốn, song vì quá chú trọng đến quy mô, đến mặt lượng, đến nhanh, nhiều, rẻ mà chưa dựa vững vào khoa học và công nghệ tiên tiến, cho nên hiệu quả không cao, năng suất thấp, lãng phí nguyên, vật liệu, sản phẩm kém chất lượng, đẩy cả nền kinh tế và xã hội vào khó khăn gây gắt. Hậu quả là sản xuất không phát triển, lương thực, thực phẩm cùng với hàng tiêu dùng ngày càng thiếu thốn hơn.

Đây vẫn là biểu hiện của tư tưởng nóng vội trong việc xác định bước đi, và sai lầm trong việc lựa chọn ưu tiên giữa công nghiệp và nông nghiệp. Kết quả là thời kỳ 1976 - 1980 nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, suy thoái, cơ cấu kinh tế mất cân đối nghiêm trọng.

Đại hội lần thứ V của Đảng (năm 1982) đã có những điều chỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này vẫn không có mấy thay đổi so với trước. Mặc dù nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu nhưng Đại hội vẫn xác định “Xây dựng cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp hiện đại, lấy hệ thống công nghiệp nặng tương đối phát triển làm nòng cốt”. Sự điều chỉnh không dứt khoát đó đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam không tiến xa được bao nhiêu, trái lại, còn gặp nhiều khó khăn và khuyết điểm mới, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân sau 5 năm không những không ổn định được mà còn lâm vào khủng hoảng trầm trọng.

Đại hội VI (năm 1986) đã cụ thể hóa nội dung chính của CNH xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu tiên là thực hiện cho bằng được 3 chương trình lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Ba chương trình này liên quan chặt chẽ với nhau. Phát triển lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng là nhằm bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho đời sống nhân dân.

Như vậy, chính sách CNH của Đại hội VI đã đưa ra một thứ tự ưu tiên mới: Nông nghiệp - công nghiệp hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu - công nghiệp nặng.

Tiếp theo, Đại hội VII (năm 1991) Đảng ta tiếp tục có những nhận thức mới, ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn về CNH gắn với HĐH. Đại hội đã xác định rõ vai trò “mặt trận hàng đầu” của nông nghiệp, và trên thực tế, đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách đã tăng lên. Đại hội VIII (năm 1996) đã điều chỉnh chính sách CNH theo hướng lấy nông nghiệp làm khâu đột phá, coi nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến là mặt trận hàng đầu.

- Khi không coi trọng phát triển nông nghiệp đúng mức.

Do nông nghiệp khó có mức tăng trưởng cao như công nghiệp và dịch vụ nên nông nghiệp thường không được ưu tiên phát triển. Ở Việt Nam cũng vậy, đặc biệt sau khi đẩy mạnh mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, do quá ưu tiên phát triển công nghiệp, đặc biệt tập trung tại các đô thị lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dẫn đến cư dân nông thôn di cư ra đô thị ngày càng nhiều. Hệ quả là nông thôn ngày càng thiếu lao động, đặc biệt là lao động trẻ có tri thức. Điều này dẫn đến nông nghiệp lại càng thiếu động lực phát triển, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng doãng ra. Năng suất lao động và thu nhập khu vực nông thôn chỉ bằng khoảng 1/2 so với thành thị, trong khi có tới hơn 60% dân cư sống tại nông thôn thì sự chậm phát triển này để lại nhiều hệ quả kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực, cản trở quá trình CNH, HĐH.

Bên cạnh đó, sự ưu ái cho phát triển công nghiệp dẫn đến hiện tượng nhiều địa phương đua nhau làm khu công nghiệp, kể cả những nơi còn thiếu thốn các điều kiện tối thiểu. Hàng nghìn héc-ta đất lúa “bờ xôi, ruộng mật” bị thu hẹp, nhường chỗ cho các khu công nghiệp mọc lên tràn lan. Các khu công nghiệp mọc lên ở hầu khắp các địa phương, hệ quả để lại là ô nhiễm môi trường và hàng trăm dự án “treo” gây khốn khó về sinh kế cho nông dân.

Nhiều địa phương, trong quy hoạch phát triển nông nghiệp và công nghiệp không tính đến đặc thù thổ nhưỡng, các điều kiện thiên nhiên khác để phát triển. Tính về hiệu quả lâu dài, 1ha đất công nghiệp với công nghệ trung bình không hiệu quả bằng sản xuất nông nghiệp với công nghệ trên trung bình.

Dây chuyền sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu bằng công nghệ hiện đại tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai_Ảnh: TTXVN

3- Mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp cũng là bài toán trong quá trình phát triển đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự hình thành và phát triển của công nghiệp, đô thị là kết quả tất yếu, mang tính quy luật của phân công lao động xã hội. Trình độ phát triển của công nghiệp, đô thị là chỉ báo quan trọng về mức độ sâu sắc của phân công lao động xã hội. Tuy nhiên, trong sự phân công này có sự tác động qua lại lẫn nhau. Nếu quá coi trọng phát triển công nghiệp, quá trình CNH có thể để lại hệ quả nặng nề cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều nước đã đẩy mạnh quá trình CNH, như một số nước “con rồng châu Á”, đã phải trả giá cho sự thành công của quá trình này, đó là sự mất đất, mất không gian sinh tồn của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cùng với đó là nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Để khắc phục những sai lầm này, nhiều nước đã phải sửa sai, như đưa công nghiệp từ đô thị về các vùng nông thôn, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân cùng phát triển.

Kinh nghiệm của các quốc gia, vùng lãnh thổ đi trước cho thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình CNH, HĐH, phải song song đầu tư phát triển nông nghiệp, phù hợp với khả năng vốn, trình độ kỹ thuật của nông thôn giai đoạn đầu. Đến khi nông nghiệp có quy mô đủ lớn thì bên cạnh việc tiếp tục phát triển đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, cần phát triển những ngành công nghiệp, dịch vụ cần nhiều lao động và các ngành thu hút nhiều lao động. Nhờ đó, vừa giải quyết lao động dư thừa, vừa mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp. Tiếp đến, sẽ thực hiện phát triển các ngành kinh tế theo chiều sâu nhằm giảm cầu lao động. Đẩy mạnh đầu tư đưa khoa học - công nghệ vào nhằm thay thế lực lượng lao động đang dần trở nên thiếu hụt. Các ngành sử dụng ít lao động đang dần thay thế các ngành sử dụng nhiều lao động trong cơ cấu kinh tế.

Như vậy, để bảo đảm phát triển bền vững, nông nghiệp và công nghiệp đều cần được chú trọng, việc ưu tiên phát triển nông nghiệp hay công nghiệp phụ thuộc vào từng giai đoạn. Đây cũng chính là những giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp.

Trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp quốc gia vững mạnh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Dựa trên công nghệ mới, hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp vẫn còn lợi thế (chế biến nông sản, dệt may, da giày,...), tạo nhiều việc làm, sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp lớn vào giá trị gia tăng quốc gia. Bố trí lại công nghiệp trên các địa bàn lãnh thổ hợp lý hơn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp”; “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”(10).

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước yêu cầu và bối cảnh mới, trong thời gian tới cần lưu ý những vấn đề sau trong giải quyết mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp:

Thứ nhất, coi trọng cả nông nghiệp và công nghiệp trong phát triển.

Trong các văn kiện của Đại hội Đảng gần đây, nội dung CNH, HĐH đều được xác định là nội dung quan trọng nhằm thực hiện quá trình CNH rút ngắn để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đẩy mạnh CNH, HĐH phải dựa trên những thế mạnh sẵn có. Việt Nam là một nước có lợi thế về nông nghiệp có điều kiện để xây dựng nên lợi thế cạnh tranh của mình để thực sự trở thành một cường quốc nông nghiệp. Đặc biệt, trước những thách thức về an ninh lương thực, môi trường sinh thái, dân số... nông nghiệp sẽ luôn là một trong những ngành giữ vị trí quan trọng đối với đời sống xã hội và nông nghiệp, nông thôn đã trở thành vấn đề chính trong sự phát triển của quốc gia. Nông nghiệp và công nghiệp cần được phát triển hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu không có sự phát triển của nông nghiệp và kinh tế nông thôn mà chỉ đơn thuần có sự tăng trưởng về công nghiệp thì sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong nền kinh tế và kết quả là, các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Cùng với quá trình CNH, một xu hướng tất yếu là giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp nhưng cần bảo đảm hài hòa giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông thôn và đô thị sao cho sự tăng giảm này hỗ trợ nhau và không cản trở nhau hay mâu thuẫn nhau để phải “hy sinh” cái này cho cái kia. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam cần phát triển một nền sản xuất nông nghiệp tổng hợp hướng về xuất khẩu, gắn với công nghiệp chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng cho nông sản, từng bước CNH nông nghiệp. Đồng thời, với hơn 60% dân số sống ở nông thôn, cần chú trọng chuyển đổi nghề nghiệp nông nghiệp, đây là nguồn cung lao động dồi dào cho sản xuất công nghiệp.

Thứ hai, cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Mặc dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng về cơ bản, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp. Vì vậy, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Phát triển các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương.

Hình thành vùng nông sản ổn định, bền vững, xây dựng thương hiệu nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tại các vùng chuyên canh nông nghiệp, cần tạo điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng cũng như có chính sách để hình thành các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp và các cụm công nghiệp dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, khôi phục và phát triển các làng nghề gắn với ngành, nghề tiểu, thủ công nghiệp. Những quá trình này có ý nghĩa quan trọng để tạo việc làm, thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, tăng thêm sản phẩm hàng hóa cho nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dần hình thành đội ngũ công nhân nông nghiệp.

Chúng ta không phát triển nông nghiệp kiểu truyền thống, theo chiều rộng, mà hướng đến gia tăng giá trị thông qua chuyên môn hóa, thâm canh hóa, áp dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ trong nuôi, trồng, bảo quản, chế biến,... Làm sao để tỷ trọng của giá trị nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế giảm xuống theo xu hướng tất yếu cùng với quá trình CNH, HĐH, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên không ngừng.

Kiểm tra chất lượng cây mía trong phòng nuôi cấy mô vô trùng tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa)_Ảnh: TTXVN

Thứ ba, đưa công nghiệp về nông thôn.

Đưa công nghiệp về nông thôn để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến, thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, đưa các thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Làm tốt công tác quy hoạch, dồn điền, đổi thửa để có những vùng sản xuất tập trung cho phép tập trung đầu tư vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, như giao thông, thủy lợi, công nghiệp chế biến,...

Để đáp ứng yêu cầu của phát triển nông nghiệp, trong phát triển công nghiệp cần ưu tiên phát triển các ngành cung cấp đầu vào của sản xuất nông nghiệp, như phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc cơ giới, công nghiệp chế biến,... Bố trí sản xuất công nghiệp phải gắn chặt với các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp và các vùng phát triển dịch vụ, như các ngành phục vụ cho dịch vụ lô-gi-stíc, kho tàng, bến bãi, vận tải.

Thứ tư, thay đổi tư duy trong quy hoạch.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước cho thấy, khi quá tập trung phát triển công nghiệp, cũng như các hoạt động kinh tế ở các siêu đô thị sẽ dẫn đến nền kinh tế bị chia cắt. Các nền kinh tế Đông Bắc Á trong giai đoạn đầu CNH là minh chứng điển hình. Để khắc phục các sai lầm này, các quốc gia này đều phải đưa các khu công nghiệp từ đô thị về các vùng nông thôn, phát triển các khu công nghiệp hướng vào những vùng đất cằn cỗi khó phát triển nông nghiệp.

Vì vậy, cần quy hoạch phát triển theo hướng đưa công nghiệp về nông thôn. Phát triển công nghiệp ở những khu đất cằn cỗi, dành những khu đất “bờ xôi, ruộng mật” cho phát triển nông nghiệp.

Việc phát triển các vùng sản xuất không thể tùy tiện mà phải đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, đồng thời gắn với lợi thế tự nhiên và khả năng cạnh tranh của từng vùng, tránh tình trạng tỉnh nào cũng đua nhau phát triển các khu công nghiệp cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng hỗ trợ, như sân bay, cảng biển,... Tập trung phát triển công nghiệp ở những vùng có điều kiện về kết cấu hạ tầng, khả năng kết nối và không gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp như một số khu vực ở Đông Nam Bộ, trung du Bắc Bộ, duyên hải Trung Bộ. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ở những vùng có lợi thế đặc biệt về nông nghiệp, như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, một phần Đông Nam Bộ và một phần đồng bằng sông Hồng. Trong mỗi vùng, xác định các sản phẩm có thế mạnh; để từ đó, hình thành các khu vực chuyên canh, vừa tạo lợi thế cạnh tranh, cho năng suất cao, vừa dễ tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp bảo quản và chế biến./.

Theo TS. Phạm Việt Dũng/tapchicongsan.org.vn

---------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 376, 438
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 12, tr. 413
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 246
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 10, tr. 184
(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 12, tr. 445, 445, 635
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 14, tr. 439
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 123, 124

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 293 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /