Chủ tịch Hồ Chí Minh có phương pháp diễn đạt hết sức đặc biệt, gần gũi, nhuần nhị, tự nhiên, có sự kết hợp giữa dân gian và bác học, truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bất kỳ ai đã được nghe và đọc những bài nói, bài viết của Người đều để lại trong lòng những ấn tượng sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, ngày 25-11-1961. (Ảnh tư liệu)
Diễn đạt được thể hiện trong cách nói và cách viết. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn nói và viết đạt hiệu quả, trước hết phải xác định chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết. Phải nắm được nội dung chuẩn bị nói và viết, tức là nói và viết cái gì, nói và viết cho ai, nói và viết để làm gì. Trên cơ sở đó, xác định cách nói và viết phù hợp để đạt mục đích.
Trước khi nói và viết phải tìm hiểu kỹ nội dung để chuẩn bị đề cương. Nói và viết phải chân thực, không bịa đặt, nói ẩu, nói không có căn cứ. Nghĩa là nói và viết phải đúng sự thật. Trong Lời căn dặn cán bộ tuyên truyền đăng trên Báo Cứu quốc, số 137, ngày 09/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: cần chú ý đối tượng tuyên truyền, đồng thời phải tôn trọng sự thực, “có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe…”. Nói đúng sự thật là nói cả ưu và khuyết điểm, không chỉ ca ngợi thành tích mà che giấu khuyết điểm. Nói và viết phải có đầu, có cuối, nhưng phải ngắn gọn, cô đọng, hàm súc. Mỗi câu nói đều có mục đích, ý nghĩa, phải đạt được tối đa về ý, tối thiểu về lời. Không nói ba hoa, sáo rỗng. Điều quan trọng là phải làm rõ được nội dung của vấn đề cần nói, vấn đề mà quần chúng quan tâm. Sử dụng ngôn ngữ nói và viết phải giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm, không lạm dụng chữ nước ngoài, tránh bệnh nói chữ, hay dùng chữ. Cán bộ, đảng viên muốn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền quần chúng thì phải học cách nói của quần chúng để dùng chữ, dùng lời cho hợp thì tuyên truyền mới đạt hiệu quả.
Xác định mục đích học tập, nghiên cứu lý luận để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất mộc mạc, giản dị, gần gũi với quần chúng nhân dân. Với trí tuệ thiên tài, học vấn uyên bác và những trải nghiệm phong phú từ thực tiễn, Người đã lựa chọn cách nói, cách viết mà ở bên trong, ở đằng sau những câu, những chữ ấy là tư tưởng rộng lớn, triết lý sâu xa, có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn để dễ hiểu và dễ làm theo.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nghị quyết của Đảng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp cần học tập phương pháp diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung chú ý một số điểm sau:
Một là, xác định mục tiêu cần đạt của buổi tuyên truyền và tìm hiểu đối tượng để lựa chọn phương pháp diễn đạt phù hợp.
Hai là, phải chuẩn bị kỹ, nghiên cứu sâu sắc nội dung nghị quyết. Cách thức tuyên truyền nghị quyết phải chính xác, chân thực, không bịa đặt, nói ẩu. Khi phân tích vấn đề phải chú ý quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể, không chỉ nói mặt tốt mà không nhắc đến sai lầm, khuyết điểm. Những việc đã làm tốt thì phải khen ngợi, nêu gương. Còn những hạn chế, khuyết điểm phải được nhìn nhận, đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Cần có những ví dụ cụ thể để minh chứng, giúp người nghe hiểu sâu, nhớ lâu, rút kinh nghiệm trong thực hiện nghị quyết.
Ba là, muốn tuyên truyền thuyết phục thì phải chuẩn bị phần mở đầu hấp dẫn. Quá trình thuyết trình, sau mỗi phần phải neo chốt ý cơ bản. Kết thúc bài nói, phải tóm lược toàn bộ nội dung và đi sâu vào hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể.
Bốn là, ngôn từ sử dụng tuyên truyền phải trong sáng, giản dị, cô đọng, hàm súc, không lan man, dài dòng mà phải dễ hiểu, dễ nhớ; những vấn đề phức tạp, khó hiểu phải được chuyển tải bằng những lời lẽ ngắn gọn, rõ ràng để giúp người nghe dễ tiếp thu và vận dụng vào thực tiễn.
Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền nghị quyết để buổi tuyên truyền sinh động, hấp dẫn, thu hút người nghe.
Để nghị quyết của Đảng thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trở thành hành động cụ thể, thiết thực, báo cáo viên, tuyên truyền viên cần nghiên cứu sâu sắc, học tập và làm theo phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi người phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nỗ lực học tập, thực sự tâm huyết, trách nhiệm để làm tròn vai trò “cầu nối”, đưa Nghị quyết của Đảng thấm sâu vào quần chúng Nhân dân, cổ vũ Nhân dân thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đề ra.
Nguyễn Nhung