Giữ gìn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang

Thứ Ba, ngày 21 tháng 9 năm 2021 - 18:47 Đã xem: 63652

Trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay.

Niềm vui trong Hội thi dệt thổ cẩm huyện Lâm Bình. Ảnh Quang Minh.

Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống  của các dân tộc là vô cùng cần thiết. Không chỉ ở Việt Nam, mà các dân tộc trên thế giới cũng rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn trang phục của họ, bởi đây chính là bản sắc dân tộc, là linh hồn, cốt cách của các dân tộc thể hiện qua bộ trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống cũng thể hiện trình độ canh tác sản xuất của nền nông nghiệp, thể hiện sự hòa hợp của con người với môi trường cảnh quan, với thiên nhiên và xã hội của các dân tộc…Trang phục dân tộc sẽ còn đồng hành với con người lâu dài và trở thành một tổng thể không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một đi sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, trước hết đối với những người làm công tác văn hóa và được chính chủ thể là đồng bào các dân tộc quan tâm. 

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 50% dân số của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ tỉnh: Năm 2021 đã tổ chức được 07 lớp tập huấn “Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia giữ gìn, bảo tồn trang phục, tiếng nói trong cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang” tại 7/7 huyện, thành phố cho 498 cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội LHPN của 138 xã, phường , thị trấn; Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ; Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm CLB “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan” của xã Kim Phú, huyện Sơn Dương. Ngành giáo dục coi trọng việc giáo dục ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống cho học sinh. Từ năm 2014 đến nay, các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS trên địa bàn tỉnh đã quy định học sinh phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời phải mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ hai hàng tuần và mặc vào những ngày lễ, những sự kiện quan trọng của trường, ngành, địa phương; tổ chức cho học sinh trình diễn trang phục dân tộc, trao giải cho các học sinh mặc trang phục truyền thống đẹp để khuyến khích các em. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lâm Bình thành lập các nhóm  giúp học sinh biết cách tự thuê thùa, kỹ thuật nhuộm vải, tạo phom dáng cho môt bộ trang phục truyền thống,…Ngành văn hóa định kỳ tổ chức các liên hoan, hội diễn văn hóa các dân tộc thiểu số, tổ chức các lễ hội đầu xuân, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc,... Tuy nhiên, một thực trạng chung hiện nay do sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ, đa số đồng bào các dân tộc đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục phổ thông, phổ biến là lớp trẻ. Chỉ trong các dịp lễ, tết, hội, đồng bào mới mặc trang phục truyền thống, nhưng được may bằng vải công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống nhau, bày bán trên thị trường. Trang phục truyền thống bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng khó phân biệt trang phục của dân tộc nào; nhiều người cho rằng sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho công việc, sinh hoạt, vừa gây tốn kém, trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ. Đáng nói hơn, những làng nghề dệt thổ cẩm còn rất ít. Mặt khác, đồng bào các dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống nhưng không đủ sức cạnh tranh với hàng thổ cẩm hiện đang bán trên thị trường, điều đó khiến đồng bào không còn mặn mà với nghề truyền thống. Các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một. Trong một khảo sát về thực trạng đời sống văn hóa của đồng bào Mông ở Tuyên Quang do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện đối với 564 hộ gia đình người Mông ở các thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy chỉ có 21/564 hộ người Mông trả lời thường xuyên mặc trang phục truyền thống, bằng 3,7%; 327/564 hộ trả lời thỉnh thoảng mới mặc, bằng 57,9%; còn lại gần nửa số hộ người Mông trả lời không mặc trang phục truyền thống. Nhìn ra các tỉnh trong khu vực việc giữ gìn và phát huy bộ trang phục truyền thống cũng gặp những khó khăn tương tự. Theo thống kê của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hiện có 40/54 dân tộc ở Việt Nam không còn mặc trang phục truyền thống đúng như những gì mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ.

Trước thực trạng trên, cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc. Các địa phương cần xây dựng trang web để giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống gắn với giới thiệu quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số; tiếp tục khuyến khích học sinh trường dân tộc nội trú trong toàn tỉnh mặc trang phục hai buổi /tuần.

Tích cực tổ chức mở các gian hàng ở các phiên chợ nơi có danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, qua đó khuyến khích đồng bào mặc trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; tạo không gian, môi trường văn hóa cho đồng bào các dân tộc có dịp trưng diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các cơ quan chức năng cần ghi hình nhằm lưu lại hình ảnh trang phục mà đồng bào dân tộc sử dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, như khi lên nương rẫy, ra đồng, trong dịp lễ hội, nghi lễ tâm linh,… để có tư liệu cho việc khôi phục.

Muốn khôi phục và làm ra những bộ trang phục truyền thống, đòi hỏi phải quy hoạch vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất cho các làng nghề dệt truyền thống, thêu thủ công; phải có các đơn vị cung cấp vải sợi, thuốc nhuộm, chỉ thêu cũng như công cụ hỗ trợ cho làng nghề, đồng thời cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Trang phục của đồng bào dân tộc đều tự làm thủ công bằng tay, khâu từng đường kim mũi chỉ, trang trí họa tiết ở trang phục phong phú từ khăn đội đầu, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, thân váy, xà cạp; kỹ thuật thêu hoa văn cũng rất phức tạp, thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ. Chính vì vậy những nghệ nhân thợ giỏi là rất quý cần có sự quan tâm và chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với họ. Tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào, trong đó Hội Phụ nữ các cấp đóng vai trò quan trọng vì họ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ để đáp ứng nhu cầu    của bản thân, gia đình mà họ còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trong đó có bộ trang phục truyền thống.

Tin tưởng rằng, bằng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, trong đó có trang phục truyền thống theo từng địa phương, cơ sở phù hợp, đi vào thực chất, tạo chuyển biến rõ nét và hiệu quả, góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang.

Đặng Thị Quang

 

 

 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 1248 | Trang: 1 trên tổng số 125 trang  
Xem tin theo ngày:   / /