Tuyên Quang thực hiện phát triển đô thị và bố trí dân cư

Thứ Tư, ngày 22 tháng 9 năm 2021 - 10:42 Đã xem: 1700

Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá trọng tâm của giai đoạn này là: “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ theo hướng hiện đại”[1]. Nhận thức rõ vai trò, vị thế, tầm quan trọng của phát triển đô thị và bố trí dân cư, những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đầu tư phát triển các đô thị nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phối cảnh khu đô thị Việt Mỹ Villas, Thành phố Tuyên Quang (Internet)

Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh từng bước được nâng lên, diện mạo các đô thị có nhiều đổi mới, khởi sắc, nhất là trung tâm các huyện, thành phố, nội dung các quy hoạch bám sát định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, các quy hoạch liên quan, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu phát triển đô thị của tỉnh.

Khi tái lập tỉnh năm 1991, toàn tỉnh có 01 thị xã và 05 thị trấn. Sau 30 năm phát triển, tỉnh đã có 07 đô thị, gồm 01 đô thị loại II, 06 đô thị loại V, công tác quản lý nhà nước về đô thị, nhất là công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô, chất lượng các đô thị không ngừng được cải thiện, bước đầu đã phát triển, kết nối, hình thành mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh. Các đô thị đã phát huy được vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, tài chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông…Từ năm 2015 đến nay, có 08 đồ án quy hoạch chung, 111 đồ án quy hoạch chi tiết đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chỉ tiêu về phát triển nhà ở:  Năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh là 23,9m2/người. Tỷ lệ nhà kiên cố đạt 51%. Trên địa bàn tỉnh có 01 đô thị loại II và 06 đô thị loại V; tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 21,45%. Cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt được quản lý chặt chẽ, hiệu quả; tỷ lệ sử dụng nước sách của dân cư thành thị năm 2020 đạt 97,5%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 98%;  tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 98%; tỷ lệ chiếu sáng đô thị năm 2020 đạt 96,2%, tổng chiều dài đường đô thị năm 2020 đạt 303,8km[2].

Hoàn thành xóa bỏ 100% lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh; hiện có 05 cơ sở với 06 dây chuyền sản xuất gạch tuynel đất sét nung có tổng công suất là 99,5 triệu viên/năm; 11 cơ sở sản xuất gạch không nung với công suất có 43,5 triệu viên/năm; 02 cơ sở sản xuất bê tông đúc sẵn; 08 cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm; 01 cơ sở sản xuất thép cán và một số cơ sở sản xuất đá, cát sỏi cung cấp làm vật liệu xây dựng[3].

Thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung mới bắt đầu phát triển, đã thu hút được một số nhà đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tỉnh chỉ đạo thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, thành phố gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư; giao cho các huyện, thành phố thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng các quy định hiện hành, thông qua việc bán đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển xây dựng các khu đô thị mới, xây dựng trung tâm thương mại lớn trên địa bàn tỉnh; ngoài ra còn có những hoạt động giao dịch mua, bán về nhà đất riêng lẻ của người dân đảm bảo theo các quy định của pháp luật.

Diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, khang trang, sạch đẹp, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Quy hoạch chung các đô thị được lập, thẩm định và phê duyệt kịp thời, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã và đang được triển khai tại các đô thị, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý trật tự đô thị và các dự án đầu tư xây dựng trên dịa bàn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp; hệ thống đô thị phát triển không đồng đều và chưa có đô thị loại III, IV; số lượng nhà ở tuy có tăng về chất và lượng nhưng chưa đồng đều, một số chỉ tiêu về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trong giai đoạn 2017-2021 chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Những hạn chế có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cấp ủy, chính quyền các cấp có nơi, có lúc nhận thức chưa đầy đủ về công tác quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị; bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về trách nhiệm, năng lực, nhất là công tác tham mưu, thẩm định, quản lý quy hoạch; việc ban hành, cập nhật, chỉnh sửa các quy định, quy chế về quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị chưa kịp thời; kinh phí bố trí cho công tác quy hoạch còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị ở một số khu đô thị, khu dân cư còn hạn chế...

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác phát triển đô thị và bố trí dân cư ở Tuyên Quang, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị, tập trung vào một số đô thị động lực; chương trình phát triển đô thị, xác lập lộ trình nâng cấp đô thị phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cải tạo và nâng cấp các đô thị, trong đó tập trung xây dựng và phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại I và phát triển các đô thị, thị trấn mới, đạt tiêu chí đô thị loại IV; ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm huyện lỵ mới đảm bảo phù hợp với điều kiện địa lý và thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng các đô thị gắn với phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; tập trung thực hiện tốt công tác phát triển đô thị và bố trí dân cư nhằm nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho sinh viên, công nhân các khu, cụm công nghiệp.

Hai là, lập và triển khai quy hoạch chung 16 đô thị mới theo đúng hướng tiêu chí đô thị loại V ở trung tâm các xã; 100% các xã, phường, các khu đô thị mới thuộc thành phố Tuyên Quang và những nơi có điều kiện của các huyện được lập quy hoạch phân khu chức năng, phấn đấu nâng cao tỷ lệ lấp đầy quy  hoạch chi tiết, quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị theo quy định.

Ba là, quy hoạch, xây dựng các đô thị động lực, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào và những nơi có điều kiện; các khu công nghiệp, cm công nghiệp theo hướng đô thị hiện đại, thông minh… Thực hiện tốt quản lý trật tự, kiến trúc đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, cấp giấy phép xây dựng, quản lý đất đô thị, thực hiện đời sống văn minh đô thị, quy tắc ứng xử văn hóa, cộng đồng lành mạnh, an toàn, đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh... bảo đảm công tác quy hoạch và phát triển đô thị được thực hiện chặt chẽ, nền nếp, đúng quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát công tác quy hoạch đô thị; phát hiện, điều chỉnh kịp thời những bất cập, xử lý các vi phạm, kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo chất lượng, chậm tiến độ.

Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang chủ trương tiếp tục thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển bền đô thị và bố trí dân cư bền vững, phấn đấu đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại I. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các Chương trình, Đề án, đặc biệt là thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tích cực xây dựng hạ tầng đô thị đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, hoàn thiện các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vệ sinh và môi trường./.

Nguyễn Thanh Thuỷ

----------------------------

[1]: Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.173).

[2],[3]: Báo cáo số 83-BC/TU ngày 06/8/2021 về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.

Xem tin theo ngày:   / /