Chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu

Thứ Hai, ngày 12 tháng 10 năm 2020 - 09:04 Đã xem: 218

Một lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến là tỉnh ta đã quy hoạch các vùng nguyên liệu với nhiều chuỗi liên kết bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Đây là kết quả nổi bật trong phát triển công nghiệp nhiệm kỳ qua, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông, lâm sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch

Tỉnh đã chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển nguyên liệu chè, mía, gỗ rừng trồng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến. Có thể khẳng định, đây là lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực và uy tín triển khai các dự án trên địa bàn.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tỉnh đã xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển vùng chè, mía, gỗ rừng trồng với nhiều giống cây trồng mới, có chất lượng được đưa vào trồng, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cho ngành công nghiệp chế biến. Hiện toàn tỉnh có trên 8.000 chè, 3.000 ha mía và trên 140.000 ha rừng trồng. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng giống cây trồng với nhiều loại giống chè mới đưa vào canh tác, bảo đảm nâng cao năng suất chè và giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Năng suất chè của tỉnh hiện đạt hơn 9 tấn/ha, tăng 3,4%/năm. Phát triển chè an toàn, chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tiếp tục được các địa phương đẩy mạnh với 798ha chè VietGAP; tỷ lệ diện tích chè lai, chè đặc sản chiếm 62,5%. Hiện nay, đang triển khai 2 dự án trồng mới, trồng lại chè năng suất cao, vùng trồng nguyên liệu cho Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Tân Trào với tổng diện tích 890 ha. 

Mặc dù thời gian qua diện tích mía của tỉnh sụt giảm nhưng cây mía vẫn là cây giảm nghèo của người dân. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho hai nhà máy đường Sơn Dương, Tuyên Quang của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hoạt động, tỉnh chỉ đạo thực hiện thâm canh tăng năng suất mía, như sử dụng các giống mía mới, mô hình thâm canh đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, mô hình cánh đồng mía lớn. Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, hiện công ty đang trồng giống mía  Roc22, LK 92-11, KK3, mía mô… thực hiện trồng mía bằng phương pháp cuốc hố, tưới ẩm, năng suất mía niên vụ vừa qua đạt 58 tấn/ha, vụ này ước đạt 62 tấn/ha.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang
kiểm tra rừng FSC tại xã Phú Thịnh (Yên Sơn). Ảnh Duy Hùng

Tỉnh đã triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, đạt được kết quả quan trọng. Để nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả rừng trồng, tỉnh đầu tư sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. Trung bình mỗi năm,  sản xuất được trên 2 triệu cây keo mô phục vụ trồng rừng. Có nguồn cây giống chất lượng, là tiền đề quan trọng để triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC bền vững, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có gần 28.000 ha rừng đạt chuẩn FSC; sản lượng gỗ khai thác hàng năm bình quân trên 880.000m3/năm, đáp ứng với yêu cầu chế biến gỗ trong tỉnh. Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC không chỉ giúp người dân nâng cao giá trị gỗ rừng trồng lên 15-20%/ha trong một chu kỳ mà phù hợp với điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc hiện nay. Bởi, người trồng rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chặt chẽ như không đốt thực bì, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học... làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Rừng được cấp chứng chỉ FSC là giấy "thông hành" để đưa sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh ta ra thế giới...

Phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu chế biến nông lâm sản góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 

Động lực phát triển

Được đánh giá là “thủ phủ” rừng trồng chế biến gỗ, đây là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (tháng 8-2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng lớn của Tuyên Quang là rừng trồng, tỉnh phải trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của cả nước.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi, Tuyên Quang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này như Tập đoàn Geleximco đầu tư xây dựng Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) công suất các loại sản phẩm 170.000m3 sản phẩm/năm, với các sản phẩm ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất từ gỗ rừng trồng, tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động. Các sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa với công suất tiêu thụ trên 500.000 m3 gỗ nguyên liệu giấy và 195.000 tấn nguyên liệu sợi dài/năm, tạo việc làm cho trên 800 lao động địa phương. Hiện tại, Công ty cổ phần Giấy An Hòa chuẩn bị các điều kiện đầu tư xây dựng thêm nhà máy bột giấy công suất 150.000 tấn/năm, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Công ty hiện xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladet, đồng thời mở rộng sang thị trường các nước Trung Đông, khai thác thị trường nội địa. Năm nay, công ty sẽ hoàn thành xuất khẩu 30 nghìn tấn giấy, 20 nghìn tấn bột giấy, doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công

Ngoài các công ty lớn chế biến lâm sản, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này như Nhà máy đũa Phúc Lâm công suất 250 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang công suất 7.500 tấn sản phẩm/năm và khoảng 230 nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản hoạt động hiệu quả, góp phần tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.

Hoạt động của các công ty, cơ sở chế biến chè cũng được duy trì, phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở chế biến theo hướng công nghiệp, trong đó có 3 công ty lớn là Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Sông Lô, Tân Trào. Tổng công suất chế biến của các cơ sở đạt trên 80.000 tấn chè búp tươi năm, trung bình mỗi năm các công ty chè đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 180 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoảng 3.000 cơ sở chế biến chè thủ công với tổng doanh thu đạt khoảng gần 300 tỷ đồng mỗi năm. Vừa qua, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang được chế biến bởi Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) được người tiêu dùng trong cả nước đón nhận, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8-2019. Đây là tín hiệu vui cho ngành chè của tỉnh, mở ra cơ hội làm giàu cho người trồng chè.

Sản xuất mía đường tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp được tỉnh và Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương triển khai như khai thác thị trường trong nước để bán các sản phẩm đường kính, bảo đảm ổn định việc làm cho công nhân nhà máy và người dân vùng nguyên liệu.

Phát triển vùng nguyên liệu gắn với thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông lâm sản đã góp phần làm phong phú bức tranh công nghiệp của tỉnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp đã mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho người dân nhờ phát triển vùng nguyên liệu, sản phẩm làm ra được bao tiêu, không có tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, tạo niềm tin của người dân vào tương lai phát triển của tỉnh.

Theo Tuyên Quang online

Xem tin theo ngày:   / /