
Một góc thành phố Tuyên Quang. Nguồn ảnh: baotuyenquang.com.vn
Theo các thư tịch cổ và các di vật tìm được đã khẳng định Tuyên Quang là vùng đất được hình thành từ rất sớm, trải qua các thời kỳ phong kiến Lý, Trần, Lê… đơn vị hành chính Tuyên Quang đã thay đổi nhiều lần từ châu, lộ, trấn, thừa tuyên, xứ... Đặc biệt, với sự kiện năm 1831 vua Minh Mệnh tiến hành cải cách bộ máy hành chính toàn quốc, chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, Tuyên Quang chính thức trở thành một tỉnh trực thuộc triều đình phong kiến Việt Nam.
Trong dòng chảy lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, tinh thần đoàn kết, ý thức cấu kết cộng đồng đã lắng đọng, kết tinh trở thành sức mạnh nội sinh, nền tảng vững chắc để cộng đồng các dân tộc nơi đây khắc phục khó khăn, chống chọi với thiên tai, địch họa bảo vệ vững chắc quê hương và thúc đẩy phát triển.
Hòa nhịp vào công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tích cực phát huy tiềm năng thế mạnh, tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thiên nhiên và lịch sử văn hoá đã tạo cho Tuyên Quang nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên, khoáng sản, du lịch. Tỉnh Tuyên Quang có độ che phủ của rừng trên 65% và đứng vào hàng cao nhất nước, nhiều rừng nguyên sinh được bảo tồn như Tát Kẻ, Bản Bung, Cham Chu với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Đất đai của Tuyên Quang màu mỡ, lòng đất chứa nhiều khoáng sản, có tới 200 mỏ, điểm mỏ và 86 điểm khoáng sản với 31 loại khoáng sản, trong đó có nhiều khoáng sản có trữ lượng lớn là quặng sắt, thiếc, mangan, kẽm, angtimon, barít, cao lanh, đá vôi... là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng.
Không chỉ có tiềm năng thế mạnh về thiên nhiên, Tuyên Quang còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, từ bao đời nay, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh cùng kề vai sát cánh bên nhau vun đắp nên truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá độc đáo và phong phú của mình với những truyền thuyết, những làn điệu dân ca và những lễ hội mang đậm nét riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc, sự giao thoa của nền văn hoá đa sắc tộc của Tuyên Quang đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá Việt Nam.
Thiên nhiên hùng vĩ, đất đai màu mỡ và con người đằm thắm ân tình đã tạo cho Tuyên Quang sức hấp dẫn, vẻ đẹp của người Tuyên Quang không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn chứa đựng trong tâm hồn phong phú, sự nồng hậu, chu đáo và lòng hiếu khách, đặc biệt hơn nữa đó là truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng - đó chính là cội nguồn sức mạnh, là động lực thúc đẩy sự phát triển của Tuyên Quang. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế về địa chính trị, thì Tuyên Quang lại có mặt hạn chế về địa kinh tế, là tỉnh nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, không cảng biển, chưa có đường hàng không và đường sắt. Vì vậy Tuyên Quang cần phải tìm cho mình một hướng đi thích hợp, vừa phát huy được thế mạnh vừa khắc phục được những khó khăn của tỉnh.
Trong những năm qua, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, tiềm năng thế mạnh, huy động mọi nguồn lực, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay, kinh tế của tỉnh có bước phát triển khá. Đặc biệt trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,45%; năm 2020, tổng sản phẩm GRDP đạt 34.624 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015, tăng 79,96 lần so với năm 1991. GRDP bình quân đầu người đạt 44,57 triệu đồng, tăng 1,55 lần so với năm 2015. Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, tập trung vào một số ngành có tiềm năng. Hiện nay, tỉnh đã có 2 khu, 5 cụm công nghiệp, một số sản phẩm của tỉnh đã cạnh tranh được trên thị trường như thép, gỗ tinh chế, bột giấy, xi măng, các sản phẩm dệt may. Cùng với phát triển công nghiệp, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,3%, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt kết quả tích cực. Năm 2020 toàn tỉnh có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 62 sản phẩm đạt 3 sao; một số sản phẩm nông sản tiêu biểu của Tuyên Quang đã được người tiêu dùng tin chọn như: Cam Sành Hàm Yên – một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam đã được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Chè hữu cơ Shan tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá Lăng được bình chọn “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 thương hiệu – nhãn hiệu nổi tiếng, trâu Chiêm Hóa và trâu ngố Tuyên Quang được xây dựng nhãn hiệu tập thể…Một số sản phẩm của Tuyên Quang đã được xuất khẩu ra nước ngoài như gỗ tinh chế, chè khô, trâu, lợn, đường kính, lạc củ, chuối... Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác đứng đầu cả nước; tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC gần 35.000 ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong 5 năm 2015 – 2020 đạt trên 4 triệu m3, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy của tỉnh.
Tỉnh đã có nhiều sáng tạo trong huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Trong 30 năm qua, nhiều cây cầu lớn đã được xây dựng bắc qua sông Lô, sông Gâm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trong sinh hoạt và phát triển kinh tế- xã hội, như cầu Nông Tiến, cầu Bợ, cầu Chiêm Hóa, cầu Quẵng, cầu Tân Yên, cầu An Hòa, cầu Kim Xuyên, cầu Tứ Quận, cầu Tân Hà, cầu Ba Đạo, cầu Bình Ca, cầu Tình Húc. Dự án đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và đang tích cực triển khai thực hiện; các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp. Giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Diện mạo đô thị từ thành phố tỉnh lỵ đến trung tâm các huyện, xã, thị trấn đều đổi mới khang trang. Đặc biệt thành phố Tuyên Quang đã lên đô thị loại II với các công trình xây dựng có giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ như Quảng Trường Nguyễn Tất Thành, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, hồ công viên Tân Quang, Đường Nguyễn Tất Thành, đại lộ Tân Trào, đường Bình Thuận, Trung tâm hội nghị tỉnh…
Tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 32, tăng 16 bậc so với năm 2015; chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp thứ 16, tăng 33 bậc so với năm 2015; chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI xếp thứ 36; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS xếp thứ 26 trong 63 tỉnh, thành phố. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào tỉnh như các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Mường Thanh, Dệt may Việt Nam, DABACO, Công ty cổ phần Woodslands… .
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các lĩnh vực văn hóa- xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, kế thừa thành tựu của các thời kỳ, đến nay, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh có nhiều tiến bộ, toàn tỉnh có 210/474 trường đạt chuẩn quốc gia, kết quả thi trung học phổ thông quốc gia hằng năm đều đạt trên 90%, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, giảo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chăm lo, đến nay đã có 111/138 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (đạt 80,4%); quy mô giường bệnh đạt 34,2 giường bệnh/10.000 dân, số bác sỹ đạt 8,3 bác sỹ/10. 000 dân. Công tác phòng, chống dịch covid 19 được triển khai quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phát triển sâu rộng, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tiềm năng văn hóa đạt được kết quả quan trọng; tôn vinh giá trị văn hóa, góp phần hình thành sản phẩm văn hóa hấp dẫn, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5%/năm, toàn tỉnh còn 9,03% hộ nghèo.
Những kết quả được đã tạo cho tỉnh Tuyên Quang hôm nay một diện mạo mới, ổn định và phát triển, tiến bộ, giàu bản sắc, tỉnh đã vươn mình đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, có được thành tựu đó là sự cố gắng, nỗ lực, được xây dựng qua nhiều thế hệ đã không ngừng đúc kết kinh nghiệm, phát huy mọi tiềm năng lợi thế của tỉnh, khai thác mọi nguồn lực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đó là động lực để Đảng bộ, chính quyền nhân dân vững vàng vững bước trong chặng đường đổi mới.
Nguyễn Văn Đức