Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

Thứ Ba, ngày 9 tháng 11 năm 2021 - 10:14 Đã xem: 3643

Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng đưa ra 12 định hướng lớn phát triển đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó đã xác định: "Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam" [1]. Hội nhập quốc tế là một xu thế khách quan, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: tuyengiao.vn

Sau 35 năm đổi mới Việt Nam đã chủ động, từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành thành viên có trách nhiệm, có vị trí, vai trò và ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng quốc tế, vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, cả thách thức và cơ hội đều đan xen, trong đó thách thức lớn hơn. Những chuyển biến của cục diện thế giới và khu vực tác động nhiều mặt tới Việt Nam do chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực… Điều đó đặt ra yêu cầu trong giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải chủ động hơn, tích cực hơn.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn trong quá trình triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Thể hiện đúng vai trò Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đẩy mạnh quảng bá lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam với thế giới; bảo tồn và phát huy các giá trị của các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, khẳng định các giá trị xã hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Quan tâm phát triển sức mạnh mềm của đất nước, cạnh tranh về sức mạnh mềm trên trường quốc tế. Nâng cao năng lực phòng chống, xử lý, giải quyết những tranh chấp quốc tế trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm điểm xuất phát. Chủ động sử dụng và phát huy vai trò kênh thông tin, công cụ quản trị mạng xã hội  lan tỏa các giá trị xã hội, giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước trong những năm tới./.

N.T.B.H

[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 117-118

 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 1247 | Trang: 1 trên tổng số 125 trang  
Xem tin theo ngày:   / /