Là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, Tuyên Quang còn là nơi hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa bản địa vô cùng phong phú và đặc sắc với gần 50 lễ hội truyền thống, văn hóa và 635 di tích lịch sử, cách mạng đã ghi dấu mốc và in sâu trong tiềm thức nhân dân. Những giá trị của di sản văn hóa hiện diện trên vùng đất này đã trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế -xã hội bền vững.
Then của người Tày Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nguồn ảnh: baotuyenquang.com.vn
Trong những năm qua, nhận thức về vai trò của văn hoá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng; trong đó cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện đồng bộ quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các khu, điểm di tích, danh thắng thành các khu, điểm du lịch, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Tuyên Quang…Thông qua đó, đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu tìm hiểu, đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tập đoàn VinGroup đầu tư khu nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; Tập đoàn SunGroup khảo sát đầu tư vào Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; Tập đoàn Flamingo đầu tư phát triển dịch vụ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào... Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút 8.445.700 lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch đạt 7.425 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 189/635 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng di tích Quốc gia, 03 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 01 bảo vật Quốc gia. Đặc biệt, thực hành Then Tày - Nùng - Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng 260 di tích cấp tỉnh. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch đến năm 2025...Việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cho công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đồng thời là tiền đề quan trọng để Tuyên Quang tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, bao gồm: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung và lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; Lễ hội Đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương; Lễ hội Rước mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, thành phố Tuyên Quang; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ của huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... Các di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái đặc sắc, hấp dẫn chính là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, tạo nên những sản phẩm du lịch riêng có, thu hút khách du lịch. Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực khai thác, hình thành một số điểm thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm, như: điểm du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa; thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can của huyện Lâm Bình; thôn Nà Khá xã Năng Khả, thôn Khau Tràng xã Hồng Thái, huyện Na Hang... Thông qua đó, người dân đã nhận thấy lợi ích tích cực của du lịch cộng đồng mang lại và tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Bước đầu khai thác có hiệu quả giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 46 lễ hội, trong đó có 42 lễ hội truyền thống, 04 lễ hội văn hóa. Nhiều lễ hội được duy trì và tổ chức quy mô như: Lễ hội Lồng Tông, dân tộc Tày của các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa; Lễ hội đình của dân tộc Cao Lan ở các huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang. Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên- lễ hội Trung thu độc đáo và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang, lễ hội được tổ chức thường niên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Việc tu bổ, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cho công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đồng thời là tiền đề quan trọng để Tuyên Quang tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội bền vững là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, cần được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; tạo điều kiện để các dân tộc bình đẳng, tăng cường đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm duy trì, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặng Quang