Làng bản người Tày Tuyên Quang

Thứ Hai, ngày 22 tháng 11 năm 2021 - 10:24 Đã xem: 4341

Từ xa xưa, người Tày Tuyên Quang thường chọn những nơi có đất đai phì nhiêu, màu mỡ ở các thung lũng, gần các con sông, con suối để làm nơi cư trú dựng làng, lập bản.

Thôn Đống Đa 1, xã Thượng Nông, huyện Na Hang (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Mỗi bản làng đều có khu vực cư trú và đất đai canh tác riêng. Đất đai cũng như mọi sản vật trên vùng đất của làng như cây cỏ, chim thú…đều do làng quản lý. Tên gọi của làng và ranh giới của bản làng do người có công khai phá làng lập nên, người Tày thường lấy những đặc trưng của vùng đất đó để đặt tên cho bản làng. Ranh giới bản làng chỉ mang tính quy ước như dòng sông, con suối, ngọn đồi, núi, con đèo, như Nà Pục (cây bưởi), Nà Đứa (cây sung), Pù Loong Não (núi sâu đèo cao)… nhưng được tuân thủ nghiêm ngặt.

Xưa kia, các bản làng của người Tày đều đặt dưới sự quản lý của các tổng, châu, huyện, xã do triều đình phong kiến đặt ra. Đơn vị tổ chức nhỏ nhất trong cộng đồng người Tày là bản. Nhà nước phong kiến trung ương cai trị bằng chế độ thổ ty (quăng), từ thời Lý đã gả công chúa và phong chức tước cho châu mục người Tày. Từ thời Lê trở đi, triều đình còn đặt ra các chức đoàn huyện, thủ ngự, tri trâu, đại tri trâu để bổ sung các tù trưởng, chúa đất của người Tày ở các địa phương.

Trước đây, các bản làng của người Tày chỉ có từ 5 đến 10 hộ gia đình, những bản làng lớn có từ 20 đến 40 hộ gia đình sinh sống, gồm một vài dòng họ. Ngày nay, các bản nhỏ ngày càng ít đi, thay vào đó là các bản làng lớn do số hộ gia đình tăng lên.

Đứng đầu bản có trưởng bản, là người đứng ra quản lý đất đai và giải quyết các công việc chung của bản. Về chức năng, trưởng bản là đại diện cho thiết chế tự quản, thể hiện ý chí của cộng đồng, thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại đối với thôn bản và cấp trên. Vị trí của thầy pụt, tạo luôn có vai trò và ảnh hưởng lớn đến đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt và tín ngưỡng, tôn giáo của các thành viên trong bản. Trong các dịp lễ hội, cầu cúng, ma chay…đều không thể thiếu vắng họ. Tiếng nói của then, pụt, tạo là tiếng nói của thần linh nên luôn được mọi người tin tưởng và làm theo.

Cơ chế hoạt động của các bản dựa trên những quy tắc, quy ước, hương ước của bản, ai vi phạm sẽ bị xử phạt, nếu nặng thì đuổi ra khỏi bản. Mặc dù đó chỉ là những quy định bất thành văn nhưng luôn được mọi người tôn trọng và tuân thủ. Ở các bản Tày truyền thống còn có tổ chức xã hội người Tày gọi là “phe” (như phường, hội ở miền xuôi), chuyên lo việc tang ma cho các gia đình. Khi trong làng có người chết thì “phe” là những người đứng ra lo liệu, tổ chức giúp đỡ gia đình từ các nghi lễ đến việc bố trí, phân công mọi người đến giúp việc. “Phe” hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, giúp đỡ lẫn nhau. Tình làng nghĩa xóm của đồng bào càng thêm gắn kết bởi những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Kết thúc mỗi đám, gia chủ biếu mỗi người một ít thịt để cảm tạ. Ở một số làng bản hiện nay vẫn duy trì tập tục này.

Các bản của người Tày không chỉ là một tổ chức xã hội mà còn là một cộng đồng về văn hóa, tín ngưỡng. Hầu như các bản của người Tày đều lập miếu thờ thần, chủ yếu là thờ thần thổ địa, người Tày gọi là ma bản, là người cai quản và bảo vệ đất đai của bản làng. Miếu thờ được lập ở những cây đa, cây gạo cổ thụ ở đầu bản. Ngoài miếu thờ, ở một số bản làng người Tày trước đây còn có đình, là nơi thờ các vị thành hoàng, thần núi, thần sông…. Ở mỗi bản, người Tày còn thờ thổ công, thờ các vị thánh trong vùng. Hàng năm những vị thần này sẽ được thờ cúng vào dịp tết Nguyên Đán, rằm tháng 7. Ngoài ra, vào mùa xuân, người ta thường mở hội lồng tồng (xuống đồng) trên một đám ruộng nhất định trước bản, mỗi gia đình đều có mâm lễ gồm thịt, rượu, các loại bánh, xôi nhuộm ngũ sắc... nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu. Sau lễ hội, các trò chơi như tung còn, đánh quay, hát then, hát cọi, đánh yến... thu hút rất đông bà con đến tham gia. Đây là lễ hội rất đặc trưng của một nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, cũng là nét văn hoá riêng của dân tộc Tày.

Ngày nay, các bản làng của người Tày đã có nhiều thay đổi so với trước cả về không gian, kiến trúc đến các thiết chế xã hội, sinh hoạt văn hóa tinh thần. Người Tày trước đây đều sống trong những ngôi nhà sàn ba gian hoặc năm gian, nay chuyển dần sang ở nhà đất, nhà bán kiên cố, nhà xây. Các gia đình hầu hết đều có vườn rau, làm chuồng gia súc, gia cầm xa nhà. Số lượng các hộ gia đình trong làng cũng tăng lên, đường sá cũng khang trang hơn. Các thiết chế xã hội truyền thống đã có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện kinh tế và sự phát triển chung của xã hội. Tính chất khép kín của các làng truyền thống dần được mở rộng hơn, cư dân trong một bản đã có sự xen kẽ giữa dân tộc Tày với các dân tộc khác như: Nùng, Dao, Mông, Kinh… làm cho quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc ngày càng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là giữa người Tày với người Kinh.

 Một nét rất đặc trưng về hệ thống tưới tiêu trên những thuở ruộng bậc thang của người Tày Tuyên Quang là hình ảnh của những chiếc cọn nước. Bên cạnh hệ thống mương phai tưới tiêu nội đồng thì các bản làng lâu đời vẫn sử dụng những cọn nước để cung cấp nước cho các cánh đồng, những thửa ruộng của mình. Hình ảnh những chiếc cọn nước bên bờ suối quay chậm rãi từng vòng nhịp nhàng đều đặn với những âm thanh kẽo kẹt, tiếng nước chảy róc rách, xa xa là những nếp nhà sàn xinh xắn nép mình dưới tán cọ xòe ô. Tất cả đã tạo nên một cảnh sắc nên thơ nơi miền sơn cước.

Dù sống riêng hay chung với các dân tộc khác thì tình nghĩa làng xóm luôn được người Tày coi trọng. Các bản làng vẫn thường có tục “đổi sức” để cùng nhau làm những việc lớn như dựng nhà, lấy chồng, gả vợ cho con cái, cấy hái... Mỗi khi gia đình nào trong bản có phụ nữ ở cữ đều được bà con đến thăm hỏi, khi thì con gà, lúc thì gạo nếp... Trong dịp tang ma, cưới hỏi… mọi người trong làng đều đến góp sức. Đó là những truyền thống tương thân, tương ái rất tốt đẹp vẫn được người Tày Tuyên Quang gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày hôm nay. Ngoài ra, người Tày còn có tục kết bạn thân (hết tồng) cùng năm sinh tháng đẻ, không phân biệt dân tộc miễn là hợp nhau. Người Tày có câu “Nặm bó mì pán phai hẩu lậc, Pi nọng bó mì hết bạn, hết tồng” (Nghĩa là: Nước không có thì đắp bờ cho sâu, anh em không có thì kết tồng, kết bạn). Khi đã kết bạn tồng thì được coi như người nhà và được gia đình, anh em họ hàng chấp nhận và tôn trọng.

Hiện nay, Tuyên Quang đang có định hướng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời, đặc sắc của bản làng người Tày gắn liền với các tập quán cư trú, thói quen trong sinh hoạt cộng đồng thôn, bản để tạo nên nét riêng, độc đáo cho sản phẩm du lịch của địa phương. Theo đó rất cần những định hướng trong vấn đề bảo tồn bản làng người Tày (cũng như các bản đặc trưng của dân tộc khác) cùng với các thành tố cổ truyền hiện hữu trong bản để những nét văn hóa lâu đời không bị mai một theo thời gian.

Nguyễn Thanh Thủy

Xem tin theo ngày:   / /