Việt Nam là thành viên tích cực của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc

Thứ Năm, ngày 9 tháng 12 năm 2021 - 17:27 Đã xem: 1042

Ngày Nhân quyền quốc tế được tổ chức hàng năm vào 10/12 - ngày mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948. Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế thừa nhận là thành viên tích cực trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc và các cơ chế hợp tác nhân quyền của Liên Hiệp quốc với mục đích là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Nhân quyền tới nay đã được khẳng định là một giá trị cao quý có ý nghĩa phổ quát đối với toàn thể loài người. Theo nhận định của các nhà lập pháp hiện đại, một trong các chuyển dịch tinh thần quan trọng nhất của nhân loại ngày nay là sự phát triển nhận thức về quyền và vai trò của con người trong xã hội. Nhân quyền trở thành một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu đánh giá sự phát triển ở mỗi quốc gia. Ý thức về quyền con người cũng trở thành một tiêu chí hàng đầu cấu thành ý thức, phẩm chất của mỗi người. Vì thế trong thời hiện đại, với mọi xã hội văn minh, nhân quyền luôn là giá trị biểu thị cho quyền tối thượng của con người khi sống trong xã hội [1]. 

Ngày 10/12 năm 1948, tại Paris, Pháp, bà Elenor Roosevelt đã đại diện Liên hợp quốc đọc bản UDHR với 30 điều khoản quy định về các quyền và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng và không phân biệt đối xử. UDHR là một tài liệu quan trọng về nhân quyền, công bố các quyền bất khả xâm phạm mà mọi người được hưởng với tư cách là con người - bất kể chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, ngôn ngữ, chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tài sản, sinh đẻ hoặc địa vị khác. Đây có lẽ là tài liệu được dịch nhiều nhất trên thế giới với hơn 500 ngôn ngữ và phương ngữ trên toàn thế giới.

Chủ đề Ngày nhân quyền năm 2021 là “Bình đẳng - Giảm bất bình đẳng, thúc đẩy quyền con người” liên quan đến tinh thần trọng tâm của nhân quyền đó là “Bình đẳng”. Trong Tuyên ngôn về nhân quyền 1948, nội dung này được đề cập tại Điều 1: "Tất cả con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền". Các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử cũng phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 cùng cách tiếp cận của Liên hợp quốc được nêu trong tài liệu khuôn khổ chung về không để ai lại phía sau. Trong số các mục tiêu phát triển bền vững, bình đẳng và không phân biệt đối xử cũng nằm ở vị trí trung tâm và là mối liên kết được đề cập ở mọi hướng phát triển. Bao gồm giải quyết và tìm ra giải pháp cho các hình thức phân biệt đối xử có nguồn gốc sâu xa đã ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, người bản địa, người gốc Phi, người di cư và người khuyết tật, cùng những người khác… Nói cách khác, bình đẳng, hòa nhập và không phân biệt đối xử - cách tiếp cận dựa trên quyền con người để phát triển - là cách tốt nhất để giảm bất bình đẳng và tiếp tục con đường hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 mà Chính phủ đã đề ra [2].         

Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế thừa nhận là thành viên tích cực trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc; Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa, Hội đồng Kinh tế-xã hội và các cơ chế hợp tác nhân quyền của Liên Hiệp quốc với mục đích là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Đã có khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật được ban hành và sửa đổi, trong đó quyền con người được cụ thể hóa. Các điều khoản, các văn bản quốc tế về quyền con người Việt Nam tham gia đã được nội địa hóa mạnh mẽ trong Hiến pháp Việt Nam 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật. Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử là nguyên tắc xuyên suốt trong hệ thống tư pháp, lập pháp và hành pháp của Việt Nam. Hoạt động đệ trình Quốc hội để phê chuẩn các văn bản quốc tế về quyền con người được Việt Nam thực hiện tích cực dù khối lượng công việc là rất lớn. Điều này đã được các Ủy bản thực thi các văn bản quốc tế, Liên Hiệp quốc và cộng đồng quốc tế công nhận.

Theo thống kê và nhận định của Liên hợp quốc nói chung, ở Việt Nam nói riêng, việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cho tất cả mọi người sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi tốt hơn, được trang bị tốt hơn để đối phó với mọi tình hình mới. Thông qua quyền con người để chống chọi với các cuộc khủng hoảng bất ngờ như đại dịch và tác động của khủng hoảng khí hậu là biện pháp hàng đầu.

 

  1. Anh Minh - Hà Lê, Cục Đối ngoại - Bộ Công an, Nhân quyền - giá trị cao quý thuộc về mọi người: Bài 1: Nhân quyền – giá trị phổ quát và đặc thù, Tạp chí Xây dựng Đảng, 2019.
  2.  Chính phủ, 2019, Quyết định số 681/QĐ-TTg “Về việc ban hành lộ trình  thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt nam đến năm 2030”.

Đỗ Hng Thanh

 

 

Xem tin theo ngày:   / /